Làm đẹp bằng dao kéo, may rủi gang tấc

07/08/2017 - 11:31

PNO - Thực hiện đặt túi ngực trên người đang mang thai, bệnh nhân (BN) tử vong, bác sĩ (BS) phẫu thuật nói không biết vì BN không báo, chối bỏ trách nhiệm.

Đang có một sự dễ dãi đáng sợ từ phía người có nhu cầu làm đẹp, từ người làm chuyên môn, và cả bóng dáng cơ quan quản lý. Ai cũng biết nguyên tắc, các can thiệp y khoa luôn cố gắng hạn chế thấp nhất yếu tố xâm lấn. Điều đó không những để phòng rủi ro mà còn bảo vệ sức khỏe con người. Thị trường làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ đang ít nhiều phá vỡ các nguyên tắc. Khi sức khỏe, tính mệnh đã bị coi thường, “đẹp không tỳ vết” quan trọng hơn, siêu lợi nhuận quan trọng hơn.

Bài 1: Thai phụ tử vong sau khi nâng ngực

Lam dep bang dao keo, may rui gang tac
Hotgirl S.B.T. qua đời sau khi phẫu thuật nâng ngực trong tình trạng mang thai - Ảnh: Quốc Ngọc

Một ngày đầu tháng Năm, người thân, bạn bè cũng như hàng ngàn followers trên facebook của hotgirl S.B.T. hết sức bàng hoàng, xót xa trước tin cô gái mới 22 tuổi này đột ngột qua đời. Một ngày sau khi đăng status cuối cùng trong bộ áo ngủ màu tím khoe gò bồng đảo tròn căng mới “làm đẹp”, cô gái xinh như hoa phải nhập viện cấp cứu và ra đi vĩnh viễn chưa đầy hai tuần sau đó.

Có thai phải báo, chứ BS không thể biết!

Vào tháng Tư, qua quảng cáo, chị S.B.T. (tạm trú huyện Hóc Môn, TP.HCM) đến trung tâm thẩm mỹ tại Q.10 (TP.HCM) của BS Lê Tấn Hùng - Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, BV Răng Hàm Mặt TP.HCM - để được tư vấn nâng vòng 1. Sau khi thỏa thuận, T. được hướng dẫn đến BV Đa khoa Vạn Hạnh làm thủ tục nhập viện lúc 15g ngày 8/4. BN được phẫu thuật đặt túi ngực lúc 17g cùng ngày, ca mổ kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ. Ngày 9/4, sức khỏe ổn định, BS cho T. xuất viện, chỉ định uống thuốc theo toa trong 10 ngày và hẹn tái khám.

Theo thông tin chúng tôi có được, thuốc BS cho BN về nhà uống thuốc là Paracetamol và Zinnat (liều dùng 3 viên/ngày). Uống được 10 ngày, T. ngưng thuốc và đến BV cắt chỉ. Thế nhưng, phía BV Vạn Hạnh và BS Hùng khẳng định BN không tái khám (?).

Đến ngày 25/4, T. thấy vết mổ chảy dịch, nên uống lại 1 viên Zinnat. Sau khi uống thuốc được 30 phút, cô cảm thấy mệt, khó thở, nổi mẩn đỏ và vào khám tại một phòng khám gần nhà. Phát hiện tụt huyết áp, phòng khám chuyển BN nhập BV Đa khoa khu vực Hóc Môn. Tại đây, các BS chẩn đoán BN bị sốc nhiễm khuẩn sau đặt túi ngực và chuyển lên BV Nhân Dân 115.

Chẩn đoán lúc nhập viện tại BV 115 là theo dõi sốc phản vệ hậu phẫu đặt túi ngực ngày thứ 14. Tại đây, các BS phát hiện BN đã mang thai tuần thứ 16. Diễn tiến bệnh khiến cơ thể T. nổi mẩn đỏ, hồng cánh bướm hai má, kết mạc đỏ, ngứa rải rác thân trên, sốt cao liên tục, tụt huyết áp, khó thở, tràn dịch đa màng (tim, phổi, bụng)…  

Tình trạng BN suy hô hấp cấp nặng phải đặt nội khí quản, suy đa tạng tiến triển nặng dần. Sau nhiều lần hội chẩn, BS kết luận, BN bị sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp cấp sau phẫu thuật đặt túi ngực. BN có thêm bệnh lý Lupus ban đỏ hệ thống và bào thai đã sẩy ở tuần thứ 17.

Các BS đã tích cực điều trị, cho BN thở máy, dùng kháng sinh, thuốc vận mạch, lọc máu liên tục... thế nhưng tình trạng BN không cải thiện, diễn tiến nặng dần. BN ngưng tuần hoàn hô hấp, hôn mê sâu. Gia đình xin về ngày 4/5 và S.B.T. đã tử vong ngày 5/5. Theo người nhà, trước khi nâng ngực, BN không hề biết mình đã có thai.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ, BV Vạn Hạnh thừa nhận, tất cả các trường hợp phẫu thuật, ngoại trừ cấp cứu, BS không được thực hiện trên thai phụ. Có nghĩa việc đặt túi ngực cho người đang mang thai là hoàn toàn không được phép. Đối với trường hợp S.B.T., BV lại cho rằng BN có thai phải thông báo cho BS biết để quyết định phẫu thuật hay không (?). Bởi theo BV này, việc xét nghiệm tầm soát “có thai” trước phẫu thuật (thẩm mỹ) không được xem là xét nghiệm thường quy (?). Cũng theo BV Vạn Hạnh, khi được tư vấn vào thời điểm lập hồ sơ bệnh án trước phẫu thuật, BN khai không có tiền sử dị ứng, không có điều gì bất ổn. Do đó, nếu BN có thai mà không khai báo thì BV không thể biết (?).

Chủ quan hoặc vô trách nhiệm

Ngoài bệnh lý Lupus ban đỏ có triệu chứng không rõ ràng, theo một số nhà chuyên môn, trong trường hợp này BS quá chủ quan, xem thường tính mạng BN.

BS Đỗ Quang Hùng - Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, BV Chợ Rẫy TP.HCM - cho biết, khi tiếp cận BN, BS phải luôn luôn khai thác và tư vấn kỹ về tiền sử bệnh tật; đặc biệt, khi phẫu thuật thẩm mỹ cho nữ, nên lưu ý có mang thai hay không. “Thông thường khi mang thai từ tuần thứ 10 đến 16, bầu vú BN đã sưng to, quầng vú chuyển sang thâm đen. BS kinh nghiệm sẽ dễ dàng nhận ra. Cần xem BN có trễ kinh hay không.

Nếu trễ kinh phải làm test nhanh ngay. Đây là những việc cần phải làm thường quy, nhất là phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ. Nếu có thai phải từ chối phẫu thuật vì quá trình gây mê, mổ xẻ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả bà mẹ và bào thai. Thậm chí, nếu BN có thai, cũng không được thực hiện các thủ thuật chỉ gây tê”, ông Hùng khẳng định.

Ngoài ra, theo BS Quang Hùng, phẫu thuật đặt túi ngực phải gây mê, do đó, đòi hỏi BS còn phải tầm soát các bệnh liên quan đến gây mê như bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý tim mạch, Lupus ban đỏ hoặc ngoại khoa xem đã từng phẫu thuật chưa…

“Đối với phẫu thuật thẩm mỹ không có cái nào là tiểu phẫu cả, tất cả đều là đại phẫu. Cần lưu ý, người đi làm thẩm mỹ trông bên ngoài hoàn toàn khỏe mạnh, không như BN thông thường, do đó nên tầm soát kỹ. Ngoài ra, với những BN trên 40 tuổi bắt buộc phải làm điện tim, siêu âm tim, X-quang phổi…”, BS Quang Hùng nói.

Một chuyên gia về da liễu tiết lộ, trường hợp BN S.B.T. vừa có thai, vừa có bệnh lý Lupus ban đỏ, nếu có chẩn đoán từ trước, thì chắc chắn không một vị BS phẫu thuật nào dám đảm nhận thực hiện.

Còn theo BS Bùi Chí Thương - BV Phụ sản Từ Dũ TP.HCM, trong ca tử vong của chị T., cả BS và khách hàng đều bất cẩn. “Có lẽ họ chủ quan quá. Bởi vì tỷ lệ có thai mà phụ nữ không tự nhận ra thì khá hiếm. Chỉ siêu âm mới biết chính xác có thai hay không. Trong khi hiện nay, nếu nâng ngực thì không bắt buộc test thai hay siêu âm”, BS Thương chia sẻ.

Qua vụ việc cho thấy, hiện số phận những khách hàng có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ đang bị đặt trước các “quan điểm khác nhau” của giới chuyên môn. Để rồi vừa mất tiền, vừa chắc chắn phải tự hứng chịu những rủi ro nếu chẳng may xảy ra. Thực tế, chuyện có thực hiện những xét nghiệm tiền phẫu được cho là cần thiết hay không, hiện đang phụ thuộc vào kinh nghiệm và lương tâm của BS.

Nên chăng, tương tự như việc xây dựng kho phác đồ làm cơ sở khoa học và pháp lý để các BV tham khảo, áp dụng vào công tác nghiệp vụ chuyên môn, Sở Y tế TP.HCM cần chuẩn hóa các dịch vụ làm đẹp, cơ sở thẩm mỹ với những quy định bổ sung cần thiết, chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và có cơ sở truy cứu trách nhiệm. 

Bác sĩ hay “ai khác” thực hiện phẫu thuật cho S.B.T.?

Giải thích về tính chất “hợp tác” giữa BV với BS Lê Tấn Hùng, BV Vạn Hạnh cho biết, từ tháng 1/2017, BV ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên môn y tế cho BS Hùng, bao gồm phòng mổ, ê-kíp phẫu thuật, trang thiết bị… trên cơ sở BS Hùng có đầy đủ chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Có thể hiểu BS Hùng thuê dịch vụ phòng mổ của BV Vạn Hạnh để đưa BN từ thẩm mỹ viện của mình đến thực hiện phẫu thuật.

Theo một nguồn tin cho biết, S.B.T. được BS Tấn Hùng mổ đặt túi ngực vào chiều 11/4, tức thứ Ba. Tuy nhiên, phía BV Vạn Hạnh xác định là ngày 8/4, tức thứ Bảy. Nguồn tin trên cũng cho rằng, trong ca phẫu thuật cho T., BS Tấn Hùng đã không trực tiếp thực hiện đặt túi ngực cho BN, mà để cho điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên thực hiện (?). Tuy nhiên, BV Vạn Hạnh xác nhận BS Tấn Hùng là BS phẫu thuật chính cho chị S.B.T.

Quốc Ngọc

Kỳ 2: BS thẩm mỹ “mời” giang hồ tiếp khách hàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI