Anh là bộ đội biên phòng, chị là con gái quê. Vài lần về phép, thấy chị hiền lành, siêng năng, anh ngỏ lời. Cưới xong, chị theo anh vào Tây Nguyên. Ngày đó Tây Nguyên còn hoang vu lắm, là một địa danh chỉ gợi lên ám ảnh rừng thiêng nước độc. Mẹ chị khóc ròng khi tiễn con gái theo chồng, lo con mình chẳng biết sống thế nào ở chốn rừng núi xa xôi ấy.
Ban đầu, vợ chồng chị ở chung khu tập thể với lính độc thân trong doanh trại, sáng dậy theo tiếng kẻng, tối cũng đi ngủ theo kẻng. Rồi số gia-đình-lính-trẻ đông dần, không thể để những cô vợ lính “tung tăng” trong doanh trại mãi được, lại thêm ai cũng có nhu cầu tăng gia để cải thiện đời sống, lãnh đạo đơn vị quyết định cắt phần đất ngay cạnh doanh trại cấp cho những gia-đình-lính-trẻ làm nhà ở riêng.
Vay mượn cha mẹ hai bên hai chỉ vàng, anh chị xây trước gian bếp 16m. Suốt nhiều năm, đó là nơi tập trung mọi sinh hoạt của cả nhà hai vợ chồng và hai đứa con. Gian bếp tất nhiên là nằm ở tận cùng mảnh đất, phần diện tích còn lại phía trước được phân làm hai, một mảnh cắm tre quây thành hàng rào nuôi bầy gà, mảnh kia trồng rau. Các gia đình lính khác cũng làm tương tự, thậm chí có người nuôi cả heo. Rồi thì dần dành dụm được ít tiền là dẹp vườn rau, xây nối thêm một phòng vào gian bếp… Có người tiền bạc eo hẹp mà con cái lớn lên cần có không gian riêng, đã mua ván, tôn cũ từ nơi bán phế liệu, chắp vá lại cũng thành một căn phòng, cứ che được nắng mưa là đã tốt rồi. Vợ chồng chị nằm trong số những gia đình phải nối thêm nhà bằng ván, tôn cũ để có phòng riêng cho hai đứa con học hành. Sau khi chị học thành nghề may, căn phòng đó lại thành cửa hàng may của chị.
Cuộc sống dần khấm khá, hai chữ Tây Nguyên giờ đã gợi lên hình ảnh của sự sung túc nhờ cây cà phê và tiêu. Kinh tế phát triển, hàng quán, dịch vụ cũng bung ra. Căn nhà chắp vá ngày nào của vợ chồng chị giờ đã thay bằng nhà tường vững chãi, mặt tiền làm quầy tạp hóa. Chồng chị là con trưởng trong gia đình có sáu người con, nên khi cuộc sống dễ chịu hơn, anh bàn với vợ đón mẹ ở quê lên phụng dưỡng. Nói chị làm dâu ở tuổi bốn mươi là vậy.
Mẹ chồng chị có tật theo dõi người giúp việc từng ly từng tí, vì trong suy nghĩ của bà, người giúp việc là đầy tớ, phải hầu hạ chủ nhà thật chu đáo. Vì thế, chị rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì người giúp việc tự ái bỏ không làm nữa. Đâu dễ tìm được người giúp việc có thể tin cậy được, chưa kể còn phải mất bao công sức và thời gian hướng dẫn họ việc nấu nướng cho phù hợp và phụ giúp buôn bán. Thật ra, mẹ chồng chị cũng không phải người so đo, khắt khe với con dâu. Bà xắn tay áo tuyên bố, còn mẹ ở đây thì không cần ai hết. Bà xăng xái đi chợ, nấu ăn, dọn rửa... Bà khẳng định, so với công việc đồng áng vất vả ở quê thì việc nhà ở đây có đáng gì, chỉ khó là cái bếp phải điều chỉnh rắc rối.
Tháng cuối năm, việc buôn bán bận bịu gấp mấy lần ngày thường mà người giúp việc quen thuộc thì đã bỏ đi, chị rối tung và mệt lử. Đã vậy, còn phải hồi hộp kín đáo liếc chừng mỗi khi mẹ chồng vào bếp. Gặp lúc khách hàng đông quá, chị phải dặn con gái: “Con học bài nhanh nhanh để còn phụ bà, coi chừng cẩn thận khi bà dùng cái lò vi sóng, lỡ mà...”. Con gái chị đang tuổi mười sáu ương ương, đã quen có người giúp việc nay lại phải vào bếp, nên cứ nhăn nhăn nhó nhó. Bà nội dọn mâm ra bàn, xoa tay chờ được cháu khen ngon, nào ngờ cháu nội thẳng tuột là không thích ăn những món quê bà nấu. Bà khóc, đòi con dâu gọi điện thoại gọi con trai đưa mình về quê. Chị sợ chồng buồn. Lính biên phòng quanh năm ở nơi hoang vu, một cuộc điện thoại của gia đình thường mang đến một niềm vui lớn hoặc là nỗi buồn lớn. Chị nhận với mẹ chồng là tại mình đã nuông chiều con, lỗi là ở chị...
Biết người già thích được con cháu gần gũi chăm sóc, chị năn nỉ con gái chuộc lỗi với bà nội bằng cách nhổ tóc sâu cho bà. Cuộc nhổ tóc sâu hóa ra lại rất căng thẳng vì bà giận hờn tỏ vẻ không cần, còn cháu thì miễn cưỡng ra mặt, nhổ được vài sợi thì bảo là cận thị, tìm cọng tóc nhỏ xíu mỏi mắt quá... Chị đang hoang mang chờ một kết cục chẳng mấy vui vẻ thì điện thoại reo vang, anh gọi. “Mẹ con đang làm gì đó?”. Chị nhìn con gái đang nhét cái nhíp vào túi, nghe lòng như thắt lại, trả lời: “Em đang ngồi nhìn con nhổ tóc sâu cho bà nội”. Sự nín lặng trên đường dây khiến chị hiểu câu trả lời của mình mang ý nghĩa thế nào đối với người chồng nơi biên giới xa xôi. Chị lặng lẽ thò tay vào túi áo con gái lấy cái nhíp ra, rồi ngồi xuống chỗ con gái vừa đứng lên: “Cháu đến giờ đi học rồi, để con nhổ tóc sâu cho mẹ”. Mắt chị mở căng sau cặp kính viễn.
Chị cũng không rõ mình đang cố gắng làm cho mẹ chồng vui hay làm vì chính mình.
Mấy ngày sau, con gái làm hòa bằng cách đưa bà nội đi mát-xa. Được mấy phút, chị ngạc nhiên thấy mẹ chồng quay về. Con gái nhăn nhó: “Bà nội không chịu để người lạ đụng vô người”. Sợ con gái cụt hứng tắt mất nhiệt tình chăm sóc bà vì đã bày ra cái trò đi mát-xa, chị nói: “Vậy để tối dọn hàng xong mẹ với con bóp lưng cho bà”. Con gái ngạc nhiên nhìn mẹ nó, cười có vẻ trêu chọc. Mẹ chồng cả ngày quần xắn quá gối lo dọn dẹp, bếp núc, cứ như rảnh tay là một cực hình, nhưng giờ nằm dài trên giường như hoàng hậu cho mẹ con chị chăm sóc. Vừa bóp lưng cho mẹ chồng chị vừa lắng nghe lưng mình cũng đã chớm nhức mỏi.
Chị lại nghĩ đến con trai đang học đại học ở thành phố, không biết đã có người yêu chưa, mai mốt mình làm mẹ chồng thì
thế nào?...
Khi chị đã quen với nhịp sống có mẹ chồng thì bất ngờ bà lại đòi về quê. Chị gặng hỏi con gái có lỡ làm gì khiến bà buồn không, câu trả lời là không. Chị lại hỏi mẹ chồng: “Mẹ ơi, con có lỡ làm gì khiến mẹ buồn không?”. Mẹ chồng rủ rỉ: “Ở đây với vợ chồng con mẹ sung sướng nhẹ nhàng vì không phải một nắng hai sương, nhưng mẹ phải về giúp chú út một tay, vợ chồng nó vất vả nhất nhà, con ạ”.
Mẹ chồng đi rồi, tự hỏi, liệu sau này mình có làm được như mẹ chồng không - về với đứa con đang vất vả hơn?