Chồng tôi là con út trong một gia đình miền Trung đông anh em. Bố chồng tôi… thứ 11. Nên chẳng ngạc nhiên khi chồng tôi có mấy người cháu họ trạc tuổi vợ. Chi gọi tôi bằng thím, nhưng hai “thím cháu” cùng trang lứa.
Chi hay ghé thăm bố mẹ chồng tôi. Khi thì hộp sữa, lúc là lốc nước yến, túi trái cây… làm quà. Cái cách Chi hỏi han, gần gũi với bố mẹ chồng tôi khiến tôi vài bận âm thầm khó chịu. Có cần phải… diễn sâu vậy không nhỉ, cho ai xem cơ chứ? Bà con cũng xa, khoảng cách tuổi tác rất nhiều, và chẳng có liên kết mật thiết nào giữa vợ chồng Chi, hai đứa con Chi với bố mẹ chồng tôi, với chồng tôi và đám cháu của anh nữa. Vậy mà Chi luôn tỏ ra rất thân tình, chẳng nề hà gì, vậy mới hay chứ!
|
Ảnh minh họa |
Nhưng dần dà, tôi nhận ra, không phải Chi đóng kịch, mà là rất chân thành. Chỉ có tình cảm ruột rà thương quý thật lòng, mới khiến Chi dành thời gian và sự ân cần quan tâm tới mọi người đến vậy. Rất nhiều lần, tôi cứ tự hỏi, người ta vì cái lý lẽ gì mà đối đãi với họ hàng thân thích được như vậy nhỉ?
Không riêng Chi, mà vẫn còn vài người cháu họ, cháu dâu khác, ở quê hoặc sống cùng thành phố này khiến tôi phải lăn tăn hoài nghi mãi. Sau này chuyển sang cảm giác xấu hổ: Mình không sống được như họ. Con mình sau này thế nào, có thừa hưởng được thói quen thăm nom, quý mến họ hàng, gia đình không? Sao trong câu chuyện dạy dỗ, tôi ít thấy nhắc nhở điều đó, mà cái tập quán ấy vẫn còn mãi, đặc biệt ở cái thời ai cũng bận bịu thờ ơ như thế này?
Những năm tháng làm dâu trong một gia đình người Trung điển hình, tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Về cái sự đặt nặng mối quan hệ tình thân, họ hàng, đồng hương của họ. Về cách người ta xuề xòa, nhường nhau từ chén cơm tới tấm áo mưa cũ. Đàn bà buôn bán tất tả cần kiệm, nhưng rất hiếm khi kể khổ. Đàn ông ít khi đòi hỏi chê bai bữa cơm hằng ngày. Có gì ăn nấy, sao cũng được, miễn là no bụng. Nhưng giỗ quảy, cúng kiếng là phải tươm tất, đủ đầy. Ở xa cũng gắng về tụ mặt.
Đặc biệt là hiếu hỷ, thì dù đang đi biển xa, đang làm lụng thuê mướn ở đâu đó, cũng ráng bắt xe đò để về. Mà đôi khi, đó là ông chú bà con xa, là bà mợ vừa mới mất vì bạo bệnh…
Từng có lần, tôi theo chồng đi ăn cưới, được chứng kiến cái cảnh đông đúc khó tin của một vùng quê nghèo. Chẳng hề nhìn thấy khoảng cách giữa những người đàn bà, khi họ túm tụm trong một căn phòng chật chội ken đầy đồ đạc, thay áo quần, sửa soạn, tết tóc cho lũ trẻ con và đeo trang sức lên người. Chắc hẳn cũng có vài ánh mắt tỵ nạnh, "gato" nhau như thói thường của phái nữ, nhưng chỉ thế thôi.
Cái tình ruột rà quê xứ thật khiến người ta kinh ngạc. Có lần, chồng tôi giữa khuya dắt xe ra, bảo đi đón một bà chị. Hóa ra chị ấy hồi nhỏ sống cùng xóm, giờ vào Sài Gòn chẳng có người quen. Thế là anh sẵn lòng cho chị ở nhờ dăm bữa, nuôi cơm, gọi xe, chỉ đường…
Cảnh bốn năm giờ sáng chuông điện thoại của chồng réo vang, là lập tức hiểu, cuộc gọi ấy đa phần đến từ đồng hương của anh, lắm khi chẳng có họ hàng gì. Họ vừa xuống xe buýt ở cái trạm gần nhà, sau khi đã trải qua cả đêm trên xe đò, cập bến Miền Đông, và giờ gọi chồng tôi ra đón vào nhà.
Họ tắm rửa qua loa, ăn vội dăm cái bánh tráng nhúng chấm nước mắm, rồi tất tả đi về mấy bệnh viện chuyên khoa hay chợ đồ điện máy cũ, khi trời vừa chực sáng. Họ phải tranh thủ để tối nay còn về, công ăn việc làm đăng đăng đê đê, làm sao bỏ được…
Khách ở quê vô ghé qua nhà tôi hầu hết đều nghèo. Vẻ tuềnh toàng toát ra từ cái quần tấm áo, từ đôi dép tổ ong và cái giỏ xách lùi xùi. Nhưng họ đều tự trọng, có đôi chút e dè trước cô con dâu là tôi - vốn khác biệt vùng miền. Họ ăn to nói lớn, nhưng lại thoáng vẻ ngượng ngập khi lấy từ trong cái túi xốp đen thui xấu xí ra hũ mắm mực, mấy lát cá thu muối, hay vài ký chang chang (một loài sò ốc) bé xíu tới tội nghiệp. Miệng bảo: “Cho mấy đứa con nít thành phố ăn đổi bữa”.
Thương thì thôi…
Xưa, khi nhận ra tôi sắp “đâm đầu làm dâu người Trung”, má tôi chép miệng dặn dò: “Người ta coi trọng anh em bà con họ hàng dữ lắm đó. Con nhắm xem mình sống thế nào…”. Một cô vợ lớn lên trong đủ đầy, quen dành cái nhìn nghi ngại cho mọi thứ, sẽ khó mà hiểu nổi tại sao. Ban đầu, hẳn cũng khó mà chấp nhận cái sự “dễ dãi coi chừng bị lợi dụng” ấy. Mãi sau này, tôi mới hiểu và thấm thía câu nói ấy của má, theo một cách mà chính tôi cũng chẳng ngờ!
Bởi, tấm lòng thơm thảo của một người miền Trung, cái tình anh em họ hàng ấy, phải khi trưởng thành hơn, đối diện với vài phong ba được mất ở đời, tôi mới bắt đầu thấu hiểu và trân trọng. Chẳng hoa mỹ cầu kỳ, thậm chí vụng về thô kệch thôi, mà khiến người ta mãi vững tin vào những giá trị tốt đẹp. Bắt đầu từ mối quan hệ gia đình.
Ngọc Hằng