Lầm đau bệnh với đau 'đèn đỏ'

13/05/2018 - 09:00

PNO - Khi đang trong “ngày của chúng mình”, làm sao phân biệt được đó là đau bụng kinh hay dấu hiệu bệnh lý cấp tính, những loại thuốc gì không được uống trong chu kỳ kinh nguyệt là điều không phải chị em nào cũng biết.

Suýt chết vì viêm ruột thừa trúng ngày “đèn đỏ” 

Nhiều tình huống oái oăm xảy ra đúng ngày “đèn đỏ” khiến chị em lâm vào tình cảnh ngang trái, dở khóc dở cười, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Lam dau benh voi dau 'den do'
 

Chị P.T.X. (34 tuổi, Q.9, TP.HCM) thấy rêm bụng đúng ngày “đèn đỏ”. Cơn đau bụng ngày một tăng khiến chị chóng mặt, nôn ói không ăn uống được gì. Nghĩ mình có tuổi, nội tiết tố thay đổi nên cơn đau bụng kinh lần này cũng khác những lần trước, chị X. cố gắng chịu đựng.

Nhưng sau đó đau quá không chịu nổi, chị đành đi khám sản phụ khoa ở một cơ sở y tế tư nhân và được chẩn đoán bị thống kinh, kê thuốc giảm đau về nhà uống. Tuy nhiên bác sĩ dặn, nếu sốt hay có biểu hiện gì bất thường hoặc uống thuốc vẫn không bớt đau thì phải vào bệnh viện khám lại.

Sau khi uống thuốc giảm đau nhưng triệu chứng không thuyên giảm, nhưng do ngại mình chưa sạch kinh, chị X. ráng chờ đến lúc hết kinh nguyệt mới đi khám. Kết quả chụp CT ổ bụng cho thấy, chị bị viêm phúc mạc nghi do viêm ruột thừa bị vỡ. Bác sĩ cho nhập viện cấp cứu. Bệnh nhân nhanh chóng được làm phẫu thuật xử lý ổ viêm nhiễm áp xe trong khoang bụng.

Từ lúc chị X. khởi phát đau bụng đến lúc nhập viện là 8 ngày, bệnh nhân sốt 39,5 độ C, có dấu hiệu biến chứng viêm phổi. Sau phẫu thuật, chị phải nằm bệnh viện 10 ngày, truyền kháng sinh liên tục vì tình trạng nhiễm trùng phức tạp. 

Lam dau benh voi dau 'den do'
Đừng chủ quan khi đau bụng trong ngày “đèn đỏ”


Trường hợp khác là chị P.T.T. (38 tuổi, Q.5, TP.HCM). Do hay xây xẩm mặt mày nên chị thường xuyên uống thuốc hoạt huyết dưỡng não. Trong chu kỳ kinh nguyệt, chị vẫn uống thuốc này bình thường. Hậu quả chị đau bụng dữ dội, máu kinh ra ồ ạt như băng huyết. Sau khi đến bệnh viện khám, bác sĩ điều tra bệnh sử, xác định được nguyên nhân do thuốc bổ não mà chị đang sử dụng. Thuốc này có công dụng tăng cường tuần hoàn máu vì thế không được dùng trong ngày “đèn đỏ”.

10% khởi phát đau bụng do bệnh lý 

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Tố Thư, khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, khoảng 10% bệnh nhân tới bệnh viện khám đau bụng kinh nhưng lại phát hiện ra nguyên nhân khởi phát từ một bệnh lý khác. Nguyên nhân đau bụng đầu tiên thường được chị em nhầm lẫn với đau bụng kinh là sử dụng thuốc gây cường kinh trong chu kỳ kinh nguyệt. Các yếu tố gây cường kinh cần lưu ý là thuốc tuần hoàn não, vitamin E, nấm linh chi. 

Ngoài ra, đau bụng còn có thể do bị viêm tử cung và phần phụ. Nếu chị em để ý kỹ sẽ phân biệt được, bởi trước kỳ kinh đã thấy đau bụng kèm ra huyết trắng, thậm chí sốt nhẹ. Một số trường hợp bị viêm mủ vòi trứng, khi khám sẽ thấy mủ từ tử cung chảy ra. Những ca viêm nhiễm phần phụ cần nhập viện truyền kháng sinh, dùng thuốc giảm đau, thậm chí phẫu thuật để lấy khối áp xe.

Một tình huống dễ bị nhầm lẫn với đau bụng kinh là viêm ruột thừa. Nhiều chị em khi có kinh nguyệt cũng kèm theo triệu chứng rối loạn tiêu hóa và viêm ruột thừa, có thể ngoài cảm giác đau vùng hố chậu còn có biểu hiện rối loạn tiêu hóa đi kèm. Chẩn đoán viêm ruột thừa không hề đơn giản, phụ thuộc vào tình trạng và vị trí viêm.

Nhiều trường hợp nghi viêm ruột thừa (nhưng chưa có biểu hiện rõ ràng) và đau bụng ngay trong chu kỳ kinh sẽ được bác sĩ khuyên về theo dõi trong vòng 24 giờ. Nếu là đau ruột thừa, uống thuốc giảm đau sẽ không hiệu quả, bệnh nhân bị sốt, lúc ấy phải lập tức nhập viện để được xử lý kịp thời.

Bác sĩ Thư lưu ý chị em cách nhận biết dấu hiệu đau bụng kinh: đau có tính chu kỳ. Một số trường hợp đau bụng kinh đi kèm rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, buồn nôn, buồn ngủ. Đặc trưng của đau bụng kinh là cảm giác nặng bụng và co thắt bụng dưới, khởi phát trước khi có kinh 1-2 ngày và giảm dần sau khi có kinh 1 ngày, cơn đau lan ra sau lưng và đùi. Nếu là đau bụng kinh, uống thuốc giảm đau sẽ bớt. Ngoài những triệu chứng kể trên thì không phải là đau bụng kinh, chị em phải lập tức đi khám nhằm phát hiện các bệnh lý nguy hiểm để được xử trí kịp thời.

 Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI