Làm đàn bà được chồng lo “toàn tập” có thật sự là may mắn, hạnh phúc?

01/11/2016 - 06:30

PNO - Những người đàn bà, dù ra ngoài làm việc, nhưng vẫn núp bóng tùng quân như chị, thật sự có hạnh phúc, có sung sướng ngồi không hưởng phước cả đời như mọi người mặc định?

Ngày chị chính thức về trung tâm, không ít đồng nghiệp xì xầm khi thấy xe hơi đưa rước chị ở cổng: người đâu mà sung sướng cả đời… Thiên hạ trầm trồ cũng phải. Chị là vợ của sếp lớn trong ngành, đi đến đâu cũng có người hỏi han chào đón. Dù là lãnh đạo trung tâm, nói gì cũng phải nể mặt chị, không dám thẳng thừng chê khen.

Sau một đợt cơ cấu, chị được luân chuyển qua nhiều bộ phận khác nhau, mỗi nơi vài bữa, trước khi chính thức về trung tâm này. Hỏi sao chỉ còn vài năm nữa đến tuổi hưu mà “truân chuyên” vậy, chị cười rất tươi: “Thì do mấy chỗ đó không có chức danh công việc để bố trí cho chị”.

Sau lưng chị, sếp của trung tâm cau mày bảo, nể nang nên phải nhận, thật khổ. Kinh doanh ngày càng khó mà toàn là nhân viên dạng gửi gắm, chẳng biết làm gì ra hồn, đúng là… Các trưởng nhóm đùn đẩy nhau, không ai muốn bộ phận của mình có thêm một thành viên dạng luôn phải ưu tiên , lại gần tuổi hưu, nói thẳng ra là “không thích” đi công tác, dễ bị đau đầu nếu làm việc liên tục.

Cũng vì vậy, chẳng ai ngạc nhiên khi sáng sáng chị vào trễ, thong thả bật máy tính, ngồi lướt web đọc báo để… nắm tình hình, xong thì gọi điện về nhà nhắc việc này nọ, chưa hết giờ làm việc là đã có tài xế đến đón “đi công chuyện”. Buổi chiều nhạt miệng, chị lấy hoa quả bánh kẹo ra mời cả phòng, chuyện trò rôm rả.

Đề tài luôn là ông A bà B chị C chị quen thân, có nhà nuôi yến, có sân banh trồng cỏ ngoại, có xe hơi, toàn “tai to mặt lớn” mà chị gọi tên nghe thân tình hết sức. Cánh đàn ông ồ à vài câu như hưởng ứng, đám chị em lượn lờ cho có rồi kiếm cớ lảng đi, cắm cúi vào việc của mình. Trong căn phòng dần im ắng tiếng người, chỉ còn những âm thanh gõ phím nhè nhẹ.

Lam dan ba duoc chong lo “toan tap” co that su la may man, hanh phuc?
Ảnh mang tính chất minh họa. Shutterstock

Thế nhưng, chị lại tiếp tục “hồn nhiên” kể chuyện con cái, chuyện “anh nhà chị”, những chuyến nghỉ dưỡng trong và ngoài nước và đủ thứ linh tinh khác, chẳng cần có thính giả. Đã có người trong phòng thủ sẵn cái tai nghe, lại nhắn tin cho đồng nghiệp cùng phòng một câu bâng quơ, cứ tình hình này chắc om não chết sớm, mà không phải vì áp lực công việc…

Có hôm chị vắng, ai đó buột miệng, nể chị ghê, ngày nào cũng ở không mà chịu nổi, hay thật! Được lời như cởi tấm lòng, đám đồng nghiệp tám “mở rộng”, như mình thì đã nghỉ quách cho xong, ráng làm gì chứ? Chị sướng vậy thì cứ hưởng, lương bổng bao nhiêu mà phải ngồi “thiền” ở văn phòng ngày này qua tháng nọ cho người khác thêm phần… ganh tỵ!

***

Nhà ngoại tôi nghèo, mấy cậu dì đều làm lao động tay chân. Chỉ riêng má tôi, may mắn lấy được chồng có công việc tốt, nên cả đời không phải đi làm. Câu ấy, mỗi lần về ngoại chơi tôi đều nghe, riết rồi như bị ám ảnh. Má tôi tiếng được chồng nuôi, nhưng sáng phải dậy từ 5 giờ để lo dọn dẹp, nấu ăn.

Ba tôi nổi tiếng kén ăn. Đi đâu về, được nếm món gì ngon lạ, là ba kể ngay với má. Chỉ vài hôm sau, đã thấy cái món lạ ấy xuất hiện trong mâm cơm nhà tôi, nhận được những nhận xét chẳng mấy tốt lành của ba. Rằng thiếu vị này vị nọ, chưa chuẩn, chẳng giống ở nhà hàng chút nào, nhạt nhẽo quá. Vậy là má tôi cặm cụi thử lần này lần khác, cho đến khi ba tạm gật gù.

Nhưng ngay sau đó, ba tôi đã kịp thưởng thức được một món khác ở ngoài, về nhà lại háo hức kể. Cái vòng luẩn quẩn ăn uống cứ thế mà xoay, ngày này sang tháng nọ, năm kia. Tôi vẫn nhớ những buổi sáng má tần ngần ở cửa than, đi chợ riết rồi chẳng biết mua cái gì nấu, ba tụi bây khó quá… Đó là những lúc ba tôi vui.

Còn những hôm công việc ba gặp trục trặc, là bữa cơm nhà tôi hóa nặng nề. Ba uể oải chọc đũa vào mấy thức trên bàn, lầm bầm đàn bà ở nhà cả ngày mà đến bếp núc cũng không xong, đúng là đồ vô dụng... Má lẳng lặng ăn nhanh cho qua bữa, lẳng lặng đứng dậy, lẳng lặng bước xuống căn bếp quanh năm lòe nhòe ánh đèn của mình. Rồi chiều hôm ấy, đã thấy vài món khoái khẩu của ba tỏa hương thơm lựng, chờ ba về khen chê…

Tiếng là được chồng chu cấp mọi thứ, nhưng má tôi cũng phải tằn tiện vun vén dữ lắm mới đủ nuôi ba đứa con ăn học. Cầm đồng tiền của ba, chắc má cũng nhiều tủi buồn. Đó là sau này, khi tôi lớn hơn, được má khuyên gắng học để sau này đi làm, tự lập, không phải ngửa tay xin chồng từng đồng.

Chứ hồi bé, khi tôi ghi trong lý lịch, chỗ nghề nghiệp của má là “nội trợ”, bạn bè có đứa phán ngay: “Má mày sướng hen, má tao phải buôn bán...”. Nói đầy đủ ra thì càng buồn hơn. Ba tôi ngoài cái tật hay chê bai, còn ưa nhậu nhẹt, thi thoảng lại bồ bịch. Má tôi vì an phận, nhút nhát, nên cắn răng mà chịu, mà lặng lẽ khóc thầm…

***

Ngẫm lại, những người đàn bà, dù ra ngoài làm việc, nhưng vẫn núp bóng tùng quân như chị, hoặc quanh quẩn trong nhà hầu hạ chồng con như má tôi, thật sự có hạnh phúc, có sung sướng ngồi không hưởng phước cả đời như mọi người mặc định? Hay những ẩn ức cố tình tránh né của người trong cuộc khiến những buồn vui trở thành “kiểu mẫu”, theo cách tự an ủi mình, là như thế này vẫn còn may, bao nhiêu kẻ phải vất vả lăn lộn kiếm sống dưới trời mưa nắng ngoài kia...

Như má tôi, giờ vẫn cứ phải ngậm ngùi im tiếng mỗi khi ba tôi kể công, là cả gia đình do ông gánh vác, không có ba là cái nhà chết đói lâu rồi. Bên ngoại cũng kết luận, má tôi “ôm” hết lộc của cả nhà, “đẻ bọc điều” nên chẳng phải cơ cực như các dì, cậu. Cũng cách nghĩ ấy, má tôi luôn cảm thấy mình như có lỗi với dì tôi, khi những vất vả sớm hôm khiến dì già đi trước tuổi, đen nhẻm, thô kệch, so với vẻ mong manh của má tôi, người cả đời loay hoay dưới mái nhà mình…

Rồi như chị, có hôm bỗng dưng không còn kể lể khoe khoang, mà xuống giọng than, con cái lớn lên chuyện gì cũng hỏi bố, chẳng coi mẹ ra gì. Trách thì chúng bảo, mẹ có biết gì đâu mà can thiệp hay quyết định! Mình cũng đi làm, cũng có chỗ đứng trong xã hội, mà nhắc đến tên thì luôn kèm theo câu hỏi “Phải vợ anh A không?”, thật buồn!

Nghĩ lại, cảnh ngồi mát ăn bát vàng ở công sở cũng ngại lắm chứ, nhưng giờ già rồi, muốn thay đổi chẳng dễ. Cũng vì ngày xưa làm biếng, chẳng chịu nhìn xa một chút. Lúc này chị sợ phải nghỉ việc lắm, chồng con đi suốt, không có ai để nói chuyện. Mình ra vào cơ quan cho có hơi người…

***

Làm đàn bà được chồng lo “toàn tập” có thật sự là may mắn, hạnh phúc?

Bằng Lăng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI