Làm cùng công ty, chồng ngoại tình với cấp dưới, lại còn sỉ nhục tôi trong cuộc họp

04/03/2023 - 20:00

PNO - Khi chồng em không còn ghế giám đốc, sức hấp dẫn của anh ta với “tiểu tam” sẽ giảm, lúc đó em không ra tay chắc cô ta cũng rút thôi.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em là phó giám đốc phụ trách tài chính của một công ty trên 140 nhân viên. Không ngờ có ngày em phải cầu cứu khắp nơi vì không giải quyết được chuyện của mình.

Công ty em là công ty gia đình, hoạt động đã lâu. Khi em lấy chồng được hai năm, ba má em để chồng em tham gia công ty vì anh rất giỏi, làm ăn bên ngoài rất thành công. Vào công ty, anh là tổng giám đốc, là sếp của em. Đây cũng là theo ý của gia đình, để anh không cảm thấy mặc cảm thua sút vợ, thực chất tài chính vẫn do em nắm.

Một năm qua, mọi thứ yên ổn, gần đây thì bắt đầu có chuyện. Trong công việc, anh tự quyết rất nhiều thứ qua mặt em. Tháng trước, trong một cuộc họp đông đủ các bộ phận, anh đã lớn tiếng tranh cãi, sau đó sỉ nhục em trước mặt mọi người. Anh nói em làm không được thì nghỉ việc đi, đừng ỷ thế gia đình gây trở ngại cho kế hoạch chung.

Em thấy anh hoàn toàn sai trong dự án đó nên đã bỏ công sức kiểm tra lại mọi chuyện, cố gắng tìm căn cứ để thuyết phục anh. Nhờ vậy, em phát hiện ra trưởng phòng dự án là người tình của chồng em. Vì cô ta mà anh có thái độ như vậy đối với em.

Em đang có thai tháng thứ tư. Nếu để yên chuyện, quan hệ của họ sẽ ngày càng khắng khít, anh ta lừa dối em, còn gây hại cho công ty. Nhưng nếu bây giờ bung chuyện ra, con em chắc không còn cha.

Em dự định nghỉ sinh một thời gian dài để nuôi cho con cứng cáp rồi mới đi làm, thời gian đó công ty sẽ không có người quán xuyến. Em nghĩ hoài mà vẫn không ra hướng, cũng chưa dám nói với ba má em vì sợ ba má lo. Ba em bệnh tim, em sợ ba không gánh nổi chuyện này.

Kim Ngân (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Kim Ngân thân mến, 

Khi chồng là sếp, ai trong cuộc mới biết, mình chịu một cổ hai tròng. Ở nhà, mình phải chăm lo cho chồng; ở công ty, mình phải mẫu mực cư xử cho đáng mặt “vợ sếp”, để người ngoài không nghĩ mình dựa hơi, ảnh hưởng đến công việc, uy tín của chồng.

Trong trường hợp này, em là cấp dưới nhưng lại nắm quyền quyết định tài chính, có nền tảng gia đình; chồng em là sếp tổng nhưng thực chất là người làm thuê. Em đã ở trong thế rất khó xử, bị chằng chéo giữa nhiều quyền lợi, trách nhiệm. Nay thêm một “tiểu tam”, sự phức tạp càng tăng bội phần. 

Em cần bắt đầu từ gốc rễ. Vợ chồng làm chung với nhau, khi nảy sinh mâu thuẫn trong công việc, khó tránh ảnh hưởng đến tình cảm gia đình.

Em hãy tạm bỏ qua chuyện mình bị sỉ nhục trước mặt đông người, coi như đó là tình huống khác quan điểm trong công việc, không chấp. Tuy nhiên, em cần bàn với ba má, vì quyền lợi của công ty, cũng vì em sắp nghỉ sinh và muốn dành thời gian cho con, ba má nên cân nhắc để tìm một giám đốc điều hành khác.

Có thể chưa cần đề cập đến chuyện chồng em có người thứ ba, chỉ cần thuyết phục ba má tách biệt việc công ty với chuyện nhà của em. Khi chồng em không còn ghế giám đốc, sức hấp dẫn của anh ta với “tiểu tam” sẽ giảm, lúc đó em không ra tay chắc cô ta cũng rút thôi.

Chồng em có thể sẽ tiếp tục thành công ở một công ty bên ngoài nhưng cũng mất một thời gian. Quan trọng hơn, khi chồng chỉ là chồng, em sẽ có cơ hội đánh giá lại tình cảm, quan hệ của mình một cách khách quan.

Nếu cả hai vẫn còn tình cảm dành cho nhau, nếu có thể tha thứ cho chuyện một lần lạc lối, vợ chồng em có thể tiếp tục. Nếu không thì thôi. Con em chưa ra đời, đừng biến bé thành lý do để kéo dài một cuộc hôn nhân mà tình yêu đã chuyển thành sự lợi dụng. Chúc em giải quyết ổn thỏa chuyện công ty, chuyện nhà.

Hạnh Dung

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Hà Dung (H.Hóc Môn, TP.HCM): Giải quyết triệt để trước khi quá muộn

Bạn bè tôi thường nói không nên làm chung với chồng ở công ty gia đình. Nếu đó là công ty của chồng thì khác nào mình làm không công, còn nếu là công ty của mình thì chẳng biết làm sao cho đúng.

Tôi đọc tình huống của bạn, nghĩ mà ấm ức thay cho bạn. Tuy nhiên, nếu cứ để những cơn ấm ức đó dắt mình đi thì xem như mình thất bại. Dù muốn hay không, bạn cũng phải gỡ rối. Vì đây là công ty của cha mẹ bạn, bạn phải nói cho cha mẹ biết toàn bộ sự thật, có vậy mới có thể giải quyết rốt ráo vấn đề.

Chồng bạn thể hiện quyền lực chẳng qua vì đang ngồi ghế cao nhất công ty. Tạm thời, phải tách bạch chuyện gia đình và công việc.

Tôi cũng là dân tài chính như bạn, cũng từng giải quyết các rắc rối kiểu này nên tôi rất thấu hiểu. Chắc bạn hiểu quyền hạn của chồng bạn đến đâu, chữ ký của chồng bạn liên quan thế nào đến tài chính… Từ đó, bạn dễ dàng tìm ra các đầu mối để có thêm thông tin. Trước mắt, hãy tập trung giải quyết những gì liên quan đến tài chính trước…

Trúc Phương (Q.4, TP.HCM): Ưu tiên giải quyết những việc khiến bạn phiền lòng nhất

Trong lòng bạn lúc này, điều bận tâm nhất có lẽ là cô trưởng phòng dự án? Vậy thì bạn hãy tìm lý do để cô ấy chủ động viết đơn xin nghỉ việc; nếu cần thiết, bạn cũng có thể ba mặt một lời với cô ấy. Đừng nghĩ đến việc họ sẽ tiếp tục liên lạc với nhau sau đó.

Tiếp đến là xác lập lại vai trò của bạn ở công ty, “đẩy” chồng bạn qua một bên. Kế đến là việc bạn sắp làm mẹ. Mẹ an vui thì con mới khỏe mạnh, bạn cố gắng đừng suy nghĩ quá nhiều kẻo ảnh hưởng đến con. Cha mẹ bạn sẽ tìm được cách giúp bạn trong thời gian này, miễn bạn đừng giấu sự thật.

Sau khi sinh con, bạn tùy tình hình mà giải quyết tiếp. Mong bạn bình tĩnh và can trường.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI