Làm con thì phải “báo hiếu”?

08/02/2017 - 10:51

PNO - Dù biết rằng, con cái phải có bổn phận “báo hiếu” cha mẹ nhưng cách cậu tôi “đòi hỏi” có phần gây bức xúc cho các con.

Cậu mợ tôi vừa tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Bữa tiệc diễn ra ở một khách sạn hạng sang của thành phố, khách mời gần 500 người. Nhìn bề ngoài, mọi người đều tấm tắc khen cậu mợ có phúc khi được con cháu “báo hiếu” hoành tráng đến như vậy. Nhưng đằng sau đó là cả một câu chuyện dài, mỗi người đều có một tâm tư riêng khó có thể nói thành lời.

Lam con thi phai “bao hieu”?
 

Cậu mợ vốn là công chức nhà nước về hưu, lương bổng không nhiều, cả đời chắt chiu dành dụm mới đủ lo cho các con trưởng thành. Các anh chị đều có việc làm và đã lập gia đình nhưng chỉ ở mức đủ sống chứ không được khá giả.

Bởi vậy, việc tổ chức một buổi tiệc long trọng tốn kém như vậy làm những người quen biết rất ngạc nhiên. Nhưng ít người biết được vì chuyện này mà gia đình cậu xào xáo nhau. Nghe đâu, đề xuất tổ chức bữa tiệc này là của cậu. Lý do cậu đưa ra khá hợp lý, cậu mợ cả đời đã vất vả nuôi con, giờ đã đến lúc các con phải “báo hiếu” cha mẹ nhưng phải làm thế nào để thiên hạ đều biết.

Ngày xưa, đám cưới của cậu mợ tổ chức khá đơn giản chỉ có cau trầu, bánh kẹo nên mong ước của hai người là có một buổi tiệc kỷ niệm ngày cưới thật đám nhớ. Tất nhiên, các anh chị đều đồng ý với nguyện vọng đó nhưng khi cậu đề nghị địa điểm tổ chức, số lượng khách mời, thực đơn đãi khách, cách thức trang trí thì mọi người đều băn khoăn.

Bởi cậu mợ đã lớn tuổi, tổ chức như vậy liệu có quá phô trương, hơn nữa, dự trù chi phí lên tới con số hàng trăm là một vấn đề nan giải. Khi các con góp ý chỉ nên tổ chức ở nhà, mời bà con họ hàng cho ấm cúng thì cậu nhất quyết phản đối vì cho rằng các con tiếc tiền, không muốn “báo hiếu” cha mẹ.

Vì không thể thay đổi được ý định của cha nên các anh chị đành “bấm bụng” đóng góp để lo việc. Chị út phải dừng kế hoạch mua máy tính cho con gái, anh Ba bán rẻ một ít hàng để gom tiền cho đủ. Riêng vợ chồng anh Hai gây gổ nhau một trận tơi bời khi chị dâu cảm thấy đòi hỏi “báo hiếu” của ông bà quá vô lý. Chị vốn là người biết điều nên bức xúc quá mới nổi giận như vậy. Chị tâm sự, vợ chồng chị và các em chưa bao giờ để ông bà thiếu thốn, hàng tháng đều chăm lo đầy đủ trong điều kiện có thể.

Mới năm ngoái thôi, mấy anh em góp nhau người dăm triệu để đưa ông bà đi du lịch một chuyến. Giá mà, con cái giàu có thì ý nguyện của ông bà không quá to tát đằng này đứa nào cũng trong cảnh “giật gấu vá vai” đâu có dư dả gì.

Dù biết rằng, con cái phải có bổn phận “báo hiếu” cha mẹ nhưng cách cậu tôi “đòi hỏi” có phần gây bức xúc cho các con. Bởi chỉ vì muốn “khoe” một chút với thiên hạ mà đẩy các con vào hoàn cảnh khó khăn quả là không đáng. Chưa kể, sau chuyện này, gia đình có còn êm ấm như xưa, con cháu có còn quyến luyến ông bà. So với nhiều người thì con cháu của cậu mợ đều là người biết điều và có trách nhiệm, thế là đã là phúc phận.

Có nhiều người chỉ mong con có cuộc sống ấm êm, đừng phiền nhiễu đến cha mẹ già đã là “có hiếu” lắm rồi. Nghĩ cho cùng, sinh con ra và nuôi con trưởng thành, ít bậc cha mẹ nào trông đợi sau này nó sẽ báo hiếu mình thế này thế kia. Tổ chức một bữa tiệc to chưa chắc là cách báo hiếu tốt nhất mà chính sự quan tâm chăm sóc cha mẹ hàng ngày mới là điều đáng trân trọng.

Bởi thế, không nên đặt ra một chuẩn mực nào cho việc “báo hiếu” của con cái mà tùy vào hoàn cảnh. Và nên chăng, đừng đòi hỏi con phải “ báo hiếu” bằng hành động này việc làm nọ bởi điều này xuất phát từ “cái tâm” của mỗi người .

 Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI