Làm chủ tiếng Anh từ cấp học đầu tiên - tại sao không?

10/06/2015 - 14:52

PNO - PN - Các chuyên gia giáo dục cho rằng, nên cho trẻ tiếp xúc ngoại ngữ sớm, nhưng trẻ phải được học tự nhiên theo đúng lứa tuổi, tránh gò ép, dẫn đến “bội thực”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Không nên cho trẻ học tiếng Anh như… chạy show

Nhiều giáo viên tiếng Anh cho biết, trẻ được tiếp xúc với tiếng Anh sớm sẽ thuận lợi trong việc tiếp thu và phát triển ngôn ngữ sau này. Tuy nhiên, học sớm không có nghĩa sẽ học tốt, yếu tố quan trọng là phương pháp tiếp cận.

“Trẻ được học tiếng Anh càng sớm, càng có nhiều thời gian hơn và nhất là ở độ tuổi nhỏ, trẻ dễ bắt chước nên thuận lợi về phương diện phát âm. Phương pháp dạy tiếng Anh trên thế giới là dạy theo tâm sinh lý của đứa trẻ, dạy cho trẻ nghe hiểu, nói một cách tự nhiên, chứ không gò ép phải đúng ngữ pháp. Trước tuổi đi học, bé đâu đã được học chữ cái A, B, C mà chủ yếu học nghe nói để hiểu, để giao tiếp, sinh hoạt. Giai đoạn 4-5 năm đầu đời này, trẻ sẽ tự nhiên hình thành các kỹ năng ngôn ngữ để giao tiếp. Việc học tiếng Anh một cách tự nhiên, thoải mái cũng là phương pháp giảm căng thẳng cho học sinh sau những tiết học kiến thức”, một giáo viên tiếng Anh tiểu học ở Q.1, TP.HCM chia sẻ.

Lam chu tieng Anh tu cap hoc dau tien - tai sao khong?

Một tiết học tiếng Anh tích hợp tại Trường tiểu học Bàu Sen, Q.5, TP.HCM

Nhận thức được tầm quan trọng của học tiếng Anh sớm, nhiều phụ huynh (PH) đã cho con học tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ ngay từ lứa tuổi mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, vấn đề đưa rước với lịch “chạy show” học giữa các nơi khiến PH và học sinh (HS)… đuối.

Chị Thúy Hạnh, PH một HS Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) cho biết: “Tôi cho con học ngoại ngữ ở trung tâm với mong muốn được kèm cặp sát hơn. Con tôi than cả ngày học ở trường, cuối tuần học đàn, tối Hai, Tư, Sáu học thêm, thứ Ba, Năm, Bảy học tiếng Anh ở trung tâm, rồi phải về nhà làm bài tập… quá mệt. Suốt một học kỳ, con bé bơ phờ, vô tới lớp ngồi rũ ra nên điểm số chẳng nói được gì. Giữa năm, tôi chuyển con vào học tiếng Anh ngay trong trường, đồng thời giảm luôn lịch học thêm nên sau khi tan học ở trường, buổi tối bé ở nhà thoải mái làm bài tập, xem tivi, rồi đi ngủ”.

Không chỉ tiện đưa đón, nhiều giáo viên chỉ ra rằng cái lợi của việc theo học chương trình tiếng Anh chính quy là được nhà trường giám sát và đánh giá, HS khó có thể lơ là. “Học tại trung tâm, các bé sẽ có tâm lý ỷ lại, thích thì tập trung học, không thích, ngồi đến hết giờ về, không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Khi học tiếng Anh trong trường được coi là chương trình học chính khóa, giáo viên sẽ theo dõi sát HS, có sổ báo bài, học bạ, có nhận xét, đánh giá hẳn hoi. Và kết quả học tiếng Anh ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập chung, vì vậy, cả PH và HS đều có trách nhiệm nghiêm túc trong quá trình học. PH đang dần chuyển dịch HS từ các trung tâm ngoại ngữ vào trường để học tiếng Anh như một xu hướng tất yếu”, một giáo viên lý giải.

Bà Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng Phòng GD-ĐT Q.5, TP.HCM chia sẻ: “Với mức học phí tương đương các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài, nhiều PH đã lựa chọn cho con học tiếng Anh ngay tại trường tiểu học, THCS. Không chỉ tiện đưa rước, cái lợi lớn nhất cho HS là được giảm tải áp lực học đáng kể. HS học tại trung tâm ngoại ngữ chỉ là học tiếng, trong khi học tiếng Anh tại trường, được dạy kiến thức bằng tiếng Anh, các em đỡ vất vả hơn vừa học kiến thức đó bằng tiếng Việt, rồi lại học tiếng Anh”.

Đa dạng chương trình tiếng Anh tiểu học 

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, TP.HCM luôn chủ động, tích cực tìm giải pháp nâng chuẩn tiếng Anh cho HS đạt chuẩn quốc tế ở từng cấp học. Giải pháp dạy và học tiếng Anh trong hệ thống trường công có ý nghĩa quan trọng giúp HS hội nhập, sử dụng tiếng Anh để giao tiếp, nghiên cứu khoa học. HS được học một chương trình có sự quản lý chặt chẽ của nhà trường về mục tiêu, kiến thức và kỹ năng. Các em được thầy, cô đánh giá chính xác sự tiếp thu. Đội ngũ giáo viên ổn định và có trình độ đúng theo quy định của ngành sư phạm. HS được đánh giá nỗ lực học tập thông qua hệ thống điểm, cũng không phải di chuyển nhiều, giảm bớt thời gian cho PH.

Các trường tiểu học tại TP.HCM triển khai đa dạng loại hình học tiếng Anh trong nhà trường để đáp ứng nhu cầu của PH, HS. Đó là, lớp tiếng Anh tự chọn học bốn tiết/tuần; tiếng Anh tăng cường học tám tiết/tuần. Tiếp theo là chương trình tiếng Anh theo đề án 2020 của Bộ GD-ĐT học bốn tiết/tuần, HS học miễn phí với giáo viên người Việt, nếu HS có nhu cầu học với giáo viên người nước ngoài mới đóng thêm phí…

Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đưa vào giảng dạy chương trình tiếng Anh tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT Việt Nam cho ba môn tiếng Anh, toán và khoa học. Trong năm học 2015-2016, TP triển khai dạy chương trình này tại 47 trường tiểu học, 26 trường THCS và 16 trường THPT.

Mỗi tuần, HS được học tám tiết cho ba môn tiếng Anh, toán và khoa học nhằm chú trọng phát triển tư duy và năng lực HS. Giáo viên bản ngữ được tập huấn về phương pháp giảng dạy tích hợp. Bằng sự tích hợp, người học được giảm tải nội dung trùng lắp giữa hai chương trình và sẽ được một tổ chức khảo thí quốc tế công nhận sau khi tốt nghiệp THPT.

MỸ HẰNG

 
 
 
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI