Làm chủ nhờ cú hích từ Hội

14/01/2016 - 06:51

PNO - Từ một công nhân, chị đã vượt nhiều khó khăn để trở thành bà chủ tổ may gia công túi xách, giúp nhiều nữ công nhân có việc làm, thu nhập.

Đó là Phạm Thị Mai Thảo, SN 1977, nhà ở ấp 2, xã Long Thới, H. Nhà Bè, TP. HCM.

Lớn lên trong xóm lao động nghèo, hết năm lớp 9, Thảo phải nghỉ học để phụ giúp mẹ chăm lo các em. Chiếc máy may cũ là phương tiện mưu sinh của cả gia đình. Hàng ngày, mẹ chị nhận may gia công áo thun; quãng thời gian theo mẹ phụ việc, Thảo trở thành thợ may lúc nào không hay. Về sau, khi các em có thể tự lập, chị bắt đầu quan tâm đến tương lai của riêng mình.

Chị nghĩ, chỉ có một công việc ổn định mới đảm bảo cho cuộc sống sau này nên xin vào xí nghiệp may ở xã. Sau bốn năm tích lũy kinh nghiệm, chị quyết định nghỉ việc để làm tự do và dành thời gian chăm lo con trai nhỏ sáu tuổi. Được người quen giới thiệu chỗ nhận hàng, chị Thảo bắt đầu lấy các mặt hàng áo thun, áo kiểu về nhà gia công.

Lam chu nho cu hich tu Hoi
Chị Thảo (bìa phải) cùng nhân công tất bật hoàn thành các mẫu túi xách tại tổ may

Chị kể: “Buổi đầu khổ lắm, hàng lấy bên quận 7 mà không có phương tiện đi lại, phải quá giang người quen; chuyến về phải thuê xe, nên không có lãi. Thấy vậy, ông xã phải chắt góp mua được chiếc xe máy cũ tặng vợ khởi nghiệp”.

Có phương tiện đi lại, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn chờ đợi chị. Nơi chị Thảo lấy hàng về may gia công yêu cầu chị phải lấy lượng hàng nhiều. Thân phụ nữ, hàng ngày chị phải đèo cả mấy bao tải hàng trên chiếc xe máy. Thời đó, đường sá còn lầy lội, đầy ổ gà, ổ voi, có hôm chị té chỏng gọng giữa đường.

Thấy tình hình không ổn, chị dò la tìm mối mới. Biết được xưởng may ở quận 8 giao hàng đến tận nhà, chị bắt đầu hợp tác. Vẫn may gia công mặt hàng áo thun, áo kiểu, nhưng “mối” này có thêm vài mẫu túi xách. Chị khá lo lắng, vì trước nay chị chỉ may trang phục, còn túi xách thì chị chưa từng thực hiện. Nhưng thời điểm đó, gia công quần áo không còn “có ăn”, chị đánh liều thử sức.

Chị chia sẻ: “Lúc đầu, chủ đưa một hai mẫu, nhưng cũng phải mất hai ba ngày tôi mới thạo từng khâu làm sản phẩm. Mỗi mẫu cũng bị lỗi trên chục cái mới ra chiếc túi xách hoàn chỉnh. Lúc đó, nhà có hai chị em làm, hư nhiều quá, bị trừ tiền, nản lắm, nhưng tôi quyết không từ bỏ”

Bây giờ, mẫu nào được giao, dù mới, chỉ cần nhìn qua, chị đều may được. Hàng nhận ngày càng nhiều, nhân công lại thiếu nên tiến độ giao hàng bị ảnh hưởng. Một phần vì thấy còn nhiều người đang thất nghiệp mà mình thì làm không hết việc, phần cũng muốn mở rộng quy mô, chị Thảo quyết định mở xưởng, nhận đào tạo thợ. Nhưng điều khiến chị băn khoăn là tiền đâu để mở tổ may.

Biết được nguyện vọng của chị, Hội PN xã đã bảo lãnh cho chị vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, đề xuất hai suất vay vốn từ báo Phụ Nữ TP.HCM. Với số vốn 30 triệu đồng, chị Thảo đầu tư thêm máy may, dụng cụ để mở rộng quy mô gia công. Tháng 5/2015, tổ may túi xách của chị Thảo ra đời. Hơn nửa năm qua, tổ may dần đi vào hoạt động ổn định. Hiện nay, tổ may có bảy nhân công, đa phần là nữ thanh niên địa phương.

Đang dở tay quết keo, dán giấy, Nguyễn Thị Hồng An, SN 1997, ở xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè góp chuyện: “Em đang ôn thi đại học lại, sẵn thời gian rỗi, em xin vô đây học may để kiếm thêm ít thu nhập phụ ba má. Nhờ chị Thảo tận tình chỉ dạy, bốn tháng nay em đã khá rành nghề. Thật ra công việc cũng không khó, vì làm theo công đoạn, mỗi người một khâu nên chỉ cần làm nhiều là quen tay”.

Dù quy mô xưởng còn khiêm tốn, nhưng hàng nhận về đều nên thu nhập của nhân công ổn định. Hiện nay, thợ được trả ba triệu đồng/người/ tháng, bao cơm; nếu tăng ca thì được hưởng thêm tiền ngoài giờ.

Trải qua nhiều khó khăn, nay cuộc sống ổn định, chị Thảo tâm sự: “Có được như hôm nay, cũng nhờ vào sự giúp đỡ, quan tâm của Hội PN xã”.

Việt Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI