Trước đây, người dân tận dụng nhà ở kết hợp làm nơi lưu trú cho khách du lịch muốn trải nghiệm; tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống văn hóa của người dân địa phương. Thế nhưng nay, mô hình homestay bài bản đã trở thành một kênh đầu tư mang lại khoản lợi nhuận không nhỏ cho những ai yêu thích loại hình dịch vụ này.
Kênh đầu tư tiềm năng cho người ít tiền
Cùng với trào lưu “phượt” của giới trẻ, homestay ngày càng phổ biến ở Việt Nam, phát triển chủ yếu ở các thành phố du lịch như: Đà Lạt, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Ninh Bình... Đây được đánh giá là kênh đầu tư tiềm năng cho những người ít vốn. Những đơn vị kinh doanh khách sạn, resort không mặn mà “đổ tiền” vào homestay bởi mô hình nhỏ lẻ, tốn thời gian quản lý và lợi nhuận không hấp dẫn. Đây được xem là lợi thế với những người đầu tư homestay vì việc đầu tư vào kênh “ngách” mà những “ông lớn” ít ngó tới sẽ giảm bớt sức ép cạnh tranh.
Theo đánh giá của giới chuyên kinh doanh homestay, mức lợi nhuận từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/tháng là trong tầm tay nếu biết cách đầu tư bài bản, có bản sắc riêng và quảng bá đa kênh.
Chị Thanh Dung, chủ chuỗi homestay Du’s Apartment & Coffee tại Đà Nẵng chia sẻ, với số vốn nhỏ, bạn có thể thuê những căn hộ chung cư, thiết kế lại theo phong cách riêng và cho khách thuê. Căn hộ ở trung tâm thường có diện tích nhỏ, đòi hỏi thiết kế phải độc đáo mới thu hút được khách. Không nên đầu tư nội thất nhiều vì sẽ đẩy giá thuê cao, khó cạnh tranh.
Homestay có 1-2 phòng ngủ dễ cho thuê hơn căn 3 phòng ngủ và chi phí đầu tư cũng ít hơn. Căn 1 phòng ngủ đầu tư nội thất khoảng 100-150 triệu đồng là hợp lý, kết hợp thiết kế có phong cách độc đáo riêng thì cho thuê được giá hơn, ít nhất 10 triệu đồng/phòng/tháng đối với khách thuê lâu dài.
“Hình thức cho khách thuê homestay lưu trú lâu dài tốn thời gian hơn, đòi hỏi phải có nhân sự theo dõi, phục vụ, cung cấp thông tin cho khách và quản lý từ xa bằng camera, thẻ từ… Với cách kinh doanh này, bạn sẽ có nguồn thu ổn định nhưng phải chấp nhận mùa thấp điểm sau dịp lễ, tết sẽ ít khách thuê”, chị Dung chia sẻ.
Ít vốn, thu hồi vốn nhanh
So với các hình thức kinh doanh dịch vụ lưu trú khác, vốn cần để kinh doanh homestay ít hơn nhiều, dao động trong khoảng vài trăm triệu đồng. Việc cải tạo, thiết kế homestay không mất nhiều thời gian, chỉ cần những tiện ích cơ bản (bếp, giường, tủ, ghế, bàn ăn…) là bạn có thể cho thuê.
Mức giá cho thuê homestay hiện dao động từ 300.000-1 triệu đồng/người/đêm, tùy quy mô đầu tư. Nếu đảm bảo tỷ lệ đặt phòng khoảng 60%, bạn có thể kiếm được từ 5-50 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí quản lý và nhân viên, với mức doanh thu này, bạn sẽ nhanh chóng thu hồi vốn.
Cần chuẩn bị gì?
Ngoài mức vốn tối thiểu từ 200-500 triệu đồng (tùy bạn có sẵn nhà hay thuê nhà làm homestay), bạn cần tìm hiểu, nghiên cứu thị trường homestay, khoanh vùng khách hàng mục tiêu muốn nhắm tới để thiết kế homestay đúng “gu” khách.
Chị Hà Thúy Diện, chủ Sàn Homestay (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) với 3 năm kinh nghiệm cho hay, ngày càng nhiều khách có xu hướng thích ở homestay hòa với thiên nhiên yên bình và trải nghiệm các hoạt động leo núi, câu cá, làm vườn…
Chị tận dụng nhà sẵn có, đầu tư 200 triệu đồng làm homestay 2 phòng đón lượng khách trung bình khoảng 40-60 người/tháng. Theo chị Diện, mô hình này phù hợp với những ai yêu thiên nhiên, thích sự đơn giản. Bên cạnh đó, sự ân cần, nhiệt tình, tiếp khách như một người bạn ghé thăm nhà rất cần thiết đối với mô hình kinh doanh này.
Hiển nhiên, homestay ở địa điểm nhiều người biết đến sẽ lợi thế hơn vùng sâu, vùng xa. Vì phần lớn du khách muốn trải nghiệm nhiều nơi và thuận tiện di chuyển, homestay ở gần các điểm du lịch nổi tiếng hay trung tâm sầm uất luôn là lựa chọn hàng đầu.
Để mở homestay, bạn cần đáp ứng một số điều kiện và chuẩn bị thủ tục giấy tờ liên quan (giấy đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự…) trước khi kinh doanh để tránh bị xử phạt. Đồng thời, cần khai báo trước 23 giờ khách lưu trú tại homestay vì công an khu vực có thể kiểm tra bất ngờ.
Nếu không tự quản lý, bạn phải tuyển nhân viên và trang bị phần mềm quản lý từ xa để kiểm soát khách ra vào, chất lượng phục vụ…
Điểm cộng và nguồn thu thêm
Khách muốn trải nghiệm văn hóa địa phương thường chọn lưu trú tại homestay. Vì vậy, không chỉ là một nơi lưu trú thông thường, homestay nên có những nét độc đáo, dịch vụ cộng thêm để khách trải nghiệm, vừa thu hút khách vừa tạo thêm nguồn thu cho bạn.
Theo chị Diện, ngoài 2 phòng lớn, nhỏ có sức chứa lần lượt 20 và 6 khách. Sàn Homestay còn phục vụ nấu ăn, tổ chức leo núi, bán các đặc sản địa phương (mật ong, hạt mắc ca, gà…). Nếu mang lại sự trải nghiệm mới mẻ, độc đáo, thân thiện và làm cho khách có cảm giác như đang ở nhà của chính họ thì khách sẽ quay lại và giới thiệu thêm khách mới cho bạn.
|
Những điểm thu hút khách du lịch luôn được những người muốn đầu tư homestay nhắm đến |
Để thu hút khách đến với homestay, ngoài kênh bạn bè, người thân giới thiệu, bạn phải đẩy mạnh quảng bá trên kênh OTA (các đại lý du lịch trực tuyến như: Agoda, Expedia, Booking, Airbnb, travel local…). Đây cũng là kênh chủ yếu để bạn tiếp cận đối tượng du khách nước ngoài.
Rủi ro cần lường trước
Mặc dù nhu cầu lưu trú tại homestay rất lớn nhưng ngày càng nhiều homestay ra đời nên việc cạnh tranh trở nên gay gắt hơn. Để thu hút khách, ngoài đầu tư, thiết kế “chất”, bạn phải chú ý làm tốt các dịch vụ đi kèm (vệ sinh sạch sẽ, hỗ trợ khách nhanh chóng, thêm tiện ích cho khách trải nghiệm…). Đặc biệt, mức giá phải hợp lý.
Một trở ngại nữa là homestay khó giữ chân khách hàng trung thành bởi đối tượng khách chủ yếu là giới trẻ thích thay đổi để trải nghiệm, khám phá điều mới mẻ hơn. Tuy nhiên, cho dù không quay lại, khách cũ vẫn giới thiệu người thân, bạn bè mang lại nguồn khách mới cho bạn nếu họ ấn tượng về sự độc đáo và phục vụ tốt.
|
Giống như bất cứ loại hình kinh doanh nào, homestay cũng có những rủi ro mà nhà đầu tư cần tính toán trước |
Nhiều người chọn kinh doanh homestay là công việc tay trái và quản lý từ xa. Trong trường hợp phát triển homestay ở địa phương xa nơi ở, bạn buộc phải thuê người quản lý. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên thì rủi ro thất thoát doanh thu dễ xảy ra. Do đó, chủ đầu tư homestay cần trang bị camera, phần mềm quản lý sổ sách, thu chi…
Chưa kể, những người không sở hữu căn hộ mà đi thuê để kinh doanh homestay thì đôi khi sẽ gặp phải vấn đề với chủ nhà và bị đòi lại mặt bằng trước thời hạn. Họ sẵn sàng đền cọc và lấy lại mặt bằng để kinh doanh, nhất là khi thấy việc kinh doanh hiệu quả. Để không rơi vào trường hợp này, bạn phải thỏa thuận hợp đồng thuê chặt chẽ.
Phòng trường hợp khách lưu trú cố tình “phá” đồ đạc, xả rác bừa bãi, nhận xét xấu hạ điểm homestay của bạn hay khách đặt phòng rồi không đến… bạn nên lập bản nội quy homestay với những quy định cụ thể về mức phạt đối với từng hành vi để có cơ sở buộc khách đền bù khi có vấn đề xảy ra.
Cho thuê homestay qua các kênh đại lý du lịch trực tuyến có thể gặp một số rủi ro, thường gặp nhất là trường hợp khách thuê tráo đồ xịn bằng đồ dỏm, nên bắt buộc phải có nhân viên quản lý.
Bên cạnh đó, làm homestay đôi khi bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh khách quan bên ngoài, chẳng hạn khu vực xung quanh đang xây/sửa nhà, khách trả phòng, ảnh hưởng doanh số. Vì vậy, muốn làm chủ homestay, bạn phải có vốn dự phòng để trụ đường dài và trang bị một số kỹ năng cần thiết như: marketing, sales, biết công nghệ tận dụng kênh quảng bá qua mạng…
Bạn có thể gửi câu hỏi hoặc chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân cho chuyên mục thông qua địa chỉ email: tuvantaichinh@baophunu.org.vn
Nguyễn Cẩm