Chỉ tiêu này được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định khi nói về "Chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới" tại Đại hội ngày 28/1.
Hành trình dài đã "chạm" tới không gian mạng
Cách đây hơn 20 năm, khi lần đầu tiên kết nối Internet, Việt Nam đã đặt những “dấu chân” đầu tiên trên một miền không gian hoàn toàn mới - không gian mạng. Đến nay Việt Nam đã đi được một hành trình dài.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước. Các mục tiêu đặt ra khá tham vọng khi phấn đấu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau.
Ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Theo Bộ trưởng, để đạt được mục tiêu đó, cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn.
Đối với giải pháp làm chủ hạ tầng số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngành thông tin và truyền thông cũng định hướng hạ tầng bưu chính chuyển đổi từ chuyển phát thư báo thành hạ tầng của dòng chảy vật chất phục vụ cho nền kinh tế số.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, trước mắt hạ tầng viễn thông sẽ chuyển dịch thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông và điện toán đám mây. Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ di động 5G, làm chủ hạ tầng điện toán đám mây (cloud) thông qua các nền tảng “Make in Viet Nam”. Làm chủ hạ tầng số, làm chủ dữ liệu của người Việt là nhiệm vụ chiến lược, cần được ưu tiên hàng đầu.
Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định phát triển kinh tế tư nhân ở hầu hết các lĩnh vực và kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Các nền tảng “Make in Viet Nam” sẽ gánh vác trên vai sứ mệnh lớn lao, đó là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) thực hiện chuyển đổi số, góp phần vào hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế quốc gia. Tiếp cận được với các doanh nghiệp này, doanh nghiệp nền tảng sẽ có cơ hội tiếp cận với 98% doanh nghiệp Việt Nam.
Đây là thị trường không nhỏ mà doanh nghiệp nền tảng Việt Nam cần phải tập trung khai thác triệt để. Để thực hiện mục tiêu chiến lược đó, ngành thông tin và truyền thông đặt mục tiêu phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cứ 1000 người dân/01 doanh nghiệp công nghệ số.
Xây dựng Việt Nam thành cường quốc an toàn về an ninh mạng
Ngành thông tin và truyền thông đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành cường quốc an toàn, an ninh mạng với trọng tâm là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Với năng lực làm chủ tới hơn 90% hệ sinh thái vào năm 2020. Công nghiệp an toàn, an ninh mạng nội địa chiếm lĩnh thị trường trong nước, doanh số tăng trưởng 25-30%/năm.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, với lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đông đảo, Việt Nam có đủ điều kiện mà nhiều quốc gia không có được để xây dựng và làm chủ một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số sẽ là tiền đề vững chắc để hình thành nền một ngành công nghiệp không khói, hàm lượng chất xám cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững.
Trên cơ sở đó, định hướng của ngành Thông tin và Truyền thông trong giai đoạn tới là chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm. Chương trình “Make in Viet Nam”, với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, điện thoại thông minh, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam thay vì gia công, lắp ráp thì tập trung làm sản phẩm.
Hiện nay, Việt Nam là một thị trường của gần 100 triệu dân, có khả năng tiếp cận với thị trường ASEAN gần 600 triệu dân, thị trường RCEP hơn 2 tỉ dân và nhiều thị trường quan trọng khác. Nếu có lộ trình và hướng đi đúng đắn, công nghệ “Make in Viet Nam” sẽ vươn tầm thế giới và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP quốc gia.
Diễm Chi