Làm chồng là... làm gì?

23/09/2017 - 11:30

PNO - Trong một khảo sát bỏ túi với nam giới tuổi từ 30-50, đã lập gia đình, chỉ với một câu hỏi đơn giản 'Vai trò của anh trong gia đình là gì?'; kết quả gần như chỉ có một câu trả lời: 'Tôi là người trụ cột!'.

Trụ cột là gì? Theo định nghĩa thông thường, đó là người lao động chính, làm ra tiền để nuôi sống gia đình, là chỗ dựa của cả gia đình, là người có quyền quyết định nhiều thứ trong gia đình, nắm quyền lực cao nhất trong nhà. Cũng chẳng biết từ khi nào, đàn ông nghiễm nhiên được phân công như thế, chỉ biết áp lực làm trụ cột luôn đè nặng lên suy nghĩ của họ.

Lam chong la... lam gi?
Ảnh minh họa

Có những người đàn ông, chỉ vì hai chữ trụ cột đầy trọng trách đó mà biến người phụ nữ của mình thành một người lệ thuộc, yếu mềm. Có khi nào các ông tự hỏi, thật sự thì người phụ nữ của mình cần gì ở mình? Mong muốn mình giữ vai trò nào trong gia đình?

Với vợ của những người chồng đã tham gia khảo sát, câu hỏi được đặt ra là “Các chị cần vai trò của chồng trong nhà là gì?”. Câu trả lời có thể khiến các ông chồng bất ngờ: “Là làm chồng!”. Người phụ nữ chỉ cần một người đàn ông biết cách làm chồng, đúng nghĩa là một người chồng. 

“Tôi chưa bao giờ nghĩ chồng tôi là trụ cột. Một cột làm sao nhà vững được? Tôi chỉ mong chồng tôi hiểu được tâm tư của vợ, biết chia sẻ cùng vợ những vụn vặt rất đàn bà. Được như thế, dù có lao vào lửa, tôi - và hầu hết phụ nữ, cũng chấp nhận. Chúng tôi có cần gì lớn lao đâu, chẳng qua là đàn ông cố tình không chịu hiểu thôi”. Chị Mỹ Hương, một người vợ, đã tâm sự như thế.

Lam chong la... lam gi?
Ảnh minh họa

“Tôi bị sốt, chồng tôi la toáng lên là phải đi bệnh viện, rồi giục cô giúp việc nấu cháo... Thật ra, anh ấy chỉ cần đặt tay lên trán vợ xem còn nóng không, biết đâu chừng tôi hết bệnh ngay. Đàn bà chúng tôi chỉ cần một cử chỉ như vậy là tan chảy rồi, là thấy mình bé nhỏ, thấy mình cần nương tựa ngay thôi. Chồng tôi đã quên khi còn trẻ, tôi có để ý gì đến anh ấy đâu. Chỉ đến một hôm, cả lớp đi dã ngoại cùng nhau, vào trong rừng thì tôi bị sốt. Mọi người đang chẳng biết xoay xở thế nào thì anh đã lôi ra cả một túi thuốc. Đúng là chu đáo. Lúc anh ấy đặt tay lên trán tôi, tôi đã thấy lòng mình mềm hẳn ra, chỉ muốn dựa ngay vào con người ấy. Sau chuyện đó thì mới có hẹn hò. Vậy mà chỉ mấy tháng chung sống, anh ấy cứ muốn mình hùng dũng hơn, dù tôi có cần đến điều đó đâu. Tôi cần những nương tựa rất đàn bà, cần thấy lòng mình yếu đuối trước chồng, cần những cử chỉ quan tâm...”.

Nghĩ đi nghĩ lại, làm chồng thế nào cho đúng đâu phải chuyện đơn giản. Anh Minh Thông, một ông chồng, khi nghe “hiểu được tâm tư của vợ, chia sẻ được cùng vợ những vụn vặt rất đàn bà” đã tỏ ra rất… hoang mang: “Làm sao để biết đâu là tâm tư của vợ mà hiểu? Rồi những vụn vặt là những gì?”. Nhiều người đàn ông khác cũng thể hiện sự hoang mang tương tự. Đàn ông tin rằng, dù họ có cố gắng đến thế nào để thể hiện sự yêu thương thì cũng hiếm khi được người đàn bà chấp nhận. Vì thế, họ cứ thản nhiên làm theo ý mình, cho là mình đã làm đúng trách nhiệm làm chồng.

Làm chồng là làm thế nào? Chị Hà Trần, một phụ nữ ngoài 40, hiện đại, tự hào sau mười năm chung sống, đã dần giúp chồng hiểu được thế nào là làm chồng. Thời mới cưới, anh Liêm - chồng chị, mang tư tưởng làm chồng là phải gia trưởng, ăn trên ngồi trước, mọi việc to nhỏ trong nhà vợ phải một tay giải quyết, không được thì gọi thợ. Đèn không sáng thì tự mua bóng mà thay. Con có về sớm thì cứ đợi mẹ, hay hai mẹ con tự thu xếp với nhau. Anh còn bận làm người trụ cột. Bận làm những chuyện lớn ngoài xã hội.

Lam chong la... lam gi?
Ảnh minh họa

Chị từng loay hoay cuộc sống gia đình, loay hoay với câu hỏi “làm chồng có phải là như thế? Thật ra, mình cần điều gì ở chồng?”; trong khi mọi thứ trong cuộc sống chung cứ nhạt dần, ý nghĩ ly hôn manh nha xuất hiện, chứ có chồng như thế cũng như không… Rồi bằng quyết tâm rất lớn của chính mình, chị mở ra ngay trong nhà một chiến dịch dạy-chồng-làm-chồng, để cứu vãn hôn nhân, một cuộc hôn nhân mà phải trầy trật lắm hai người mới có được.

Chị vạch kế hoạch, viết ra giấy hẳn hoi. Chị mở đầu bằng việc thay đổi người pha sữa ban đêm cho con, tiến dần từng bước từ dạy chồng pha sữa cho đến để chồng dần tự động thức dậy giữa đêm pha sữa cho con. Rồi đến việc coi trước ngó sau trong nhà, anh không làm chị vẫn cứ để đấy, để cho đến khi anh tự thấy mình phải làm. Tiếp theo là kéo anh về ăn cơm nhà, đưa đón con, cho anh thấy niềm vui và cả sự tất bật mỗi buổi chiều.Cha ăn cùng con, ngủ cùng con, vui chơi cùng con - những chuyện rất bình thường mà trước nay nhà chị gần như không có.

Chị nói, có thể vợ chồng đã sai trong cách sống chung, trong việc phân chia trách nhiệm và cả định nghĩa về vai trò làm chồng. Từng chút một, chị tập dựa dẫm vào anh, tập… không biết làm vì khó quá. Sau bao nhiêu năm chung sống, khi hôn nhân đang mấp mé bên bờ vực đổ vỡ, anh Liêm mới nhìn ra: “Giờ anh mới hiểu thế nào là làm chồng. Bao nhiêu năm anh lao ra ngoài kiếm tiền, cứ tưởng như thế là đã tròn trách nhiệm; nhưng hóa ra không phải vậy. Làm chồng là vợ chồng phải cùng nhau”. Là phải cùng nhau - chỉ đơn giản vậy thôi mà ít ông chồng nào chịu hiểu. Phụ nữ không cần trụ cột, không mong cây bách, cây tùng, mà chỉ cần một người cùng mình đi qua năm tháng.

Lam chong la... lam gi?
Ảnh minh họa

Làm chồng còn phải thế nào nữa? “Đừng tiết kiệm lời khen”, anh Liêm chia sẻ thêm. Được khen là một nhu cầu rất thật của các bà vợ. Khen vợ một câu, ngày hôm đó trong nhà như nở đầy hoa, sao lại tiếc chi một lời khen. Văn hóa chung của chúng ta là thứ văn hóa không khen nhau. Đàn ông lại càng không. Mang tâm lý ấy nên các ông chồng chẳng bao giờ khen vợ mình, dù chỉ là canh hôm nay ngon quá…. Đàn ông vốn ngại nói những lời hoa mỹ với... vợ mình, nên cũng không biết bắt đầu thế nào cho đỡ ngượng. “Hãy từng bước cùng chồng học cách khen”- chị Mỹ Hương chia sẻ kinh nghiệm.

Bản thân tôi ngày nào cũng tấm tức vì chồng dường như chẳng ngó ngàng gì đến mình. Sau tôi mới ngộ ra rằng, chẳng qua chỉ là họ không để ý. Lúc đầu, tôi cứ gào lên là sao anh không bao giờ khen em một tiếng. Sau, tôi tự nhắc mình, nửa đùa nửa thật - “mồi” trước kiểu như khen em pha cà phê ngon đi, khen em mới cắt tóc đi. Cứ thế, từng chút. Việc gì cũng cần có thời gian.

Đàn bà muốn gì, mong gì, cứ bày tỏ ra, rồi chồng sẽ hiểu thôi. Đừng cứ để trong bụng, rồi than vãn với người này người kia là chồng mình không hiểu vợ, không chia sẻ được tâm tư tình cảm với vợ, không biết vợ muốn gì, cần gì. Muốn khen, hãy yêu cầu chồng khen. Muốn tặng quà, hãy nói chồng tặng quà. Muốn chồng mua đúng ý mình, hãy nói rõ món quà muốn được tặng, kể cả chỗ bán, giá cả. Đừng cho là mình làm như thế sẽ mất thú vị. Sự thú vị không nằm ở đây, mà điều quan trọng là đúng với những gì mình mong muốn.

Trong hôn nhân, đừng chơi trò chơi đoán - tìm. Đừng bắt đàn ông đoán đúng ý mình, vì ngay chính mình đôi khi còn không hiểu mình đang muốn gì. 

Những người đàn ông cần hiểu, khi người đàn bà về chung nhà với mình, họ không hề mong mình phải lớn lao, tầm cỡ gì cả. Đừng vì hai chữ trụ cột mà nặng nề với hôn nhân. Trụ cột thực ra là một cách nghĩ đã quá lỗi thời. Hôn nhân hiện đại là hai người phải biết viết hoa hai chữ cùng nhau và dựa vào cơ sở đó mà xác định đúng vai trò làm vợ làm chồng, bằng tình yêu và tinh thần xây dựng. Khi đó, đàn ông sẽ hiểu được, mình ở đâu trong chính ngôi nhà mình.

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI