Xưa nay, mọi người thường nghe phụ nữ than vãn về những mất mát, thiệt thòi, những điều buộc phải thay đổi sau khi lấy chồng; chứ hiếm thấy đàn ông kêu ca chuyện làm chồng, đa số còn thay đổi hẳn theo chiều hướng “đi lên” như được chăm sóc vẻ ngoài, được lo cho miếng ăn, giấc ngủ…
Thực tế có như những gì “bình thường người ta vẫn thấy”? Mời các bạn theo dõi câu chuyện của ba người đàn ông về chủ đề này, để hiểu thêm những được - mất của đàn ông khi lập gia đình.
Trước khi kết hôn, bạn đã chuẩn bị những gì cho việc trở thành người chủ gia đình?
Trần Hùng (kinh doanh): Tôi kết hôn khá muộn, ở tuổi 30, khi đã có kinh nghiệm sống, có đủ điều kiện căn bản cho một gia đình nhỏ. Lúc nào tôi cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt vai trò của mình trong gia đình. Còn tốt đến mức độ nào, thì có lẽ để vợ tôi đánh giá, sẽ khách quan hơn.
|
Anh Trần Hùng |
Trần Minh (nhà báo): Chuẩn bị lớn nhất là về tài chính. Tôi nhớ thời đi học, người thầy dạy Anh văn của tôi có nói: ”Khi em cưới vợ, trong túi có 10 triệu em sẽ không thể chợp mắt, có 100 triệu em có thể ngủ từ nửa đêm, có 1 tỷ em chắc chắn ngủ ngon giấc…”. Giữa “tốt” và “có trách nhiệm”, tôi tự tin mình đạt vế thứ hai hơn.
Võ Thế Chương (nhà văn): Chuẩn bị thì chắc chắn là ai cũng có, từ vật chất đến tinh thần, vì biết mình sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn so với khi còn độc thân. Tôi cho rằng, bất kỳ anh chàng nào trước khi ký vào giấy đăng ký kết hôn hay bước vào phòng tiệc cưới, cũng đều tự tin mình sẽ là người chồng tốt.
Bản thân tôi khi đó không đặt vấn đề “làm thế nào để thành người chồng tốt?” mà lại là “làm thế nào để thành người chồng tốt hơn chồng của bạn gái, bạn học, đồng nghiệp của… vợ?".
Khi đã thành người chủ gia đình, bạn thấy thực tế có khác so với hình dung của bạn trước đó?
Trần Hùng: Vợ tôi mới là chủ gia đình. Một tay cô ấy quán xuyến mọi việc lớn nhỏ trong nhà. Tôi chỉ có nhiệm vụ kiếm tiền cho cô ấy sử dụng. Lấy vợ xong, tôi thấy cuộc sống thú vị hơn hẳn vì có người nói chuyện, chờ mình về ăn cơm vào mỗi buổi tối. Tôi cũng sống có trách nhiệm hơn trước, vì giờ tôi phải sống cho ba người.
Trần Minh: Thực tế không khác so với tôi hình dung, bởi tôi có thói quen “lên kịch bản sẵn” cho mọi giai đoạn của cuộc sống. Tuy nhiên, có lúc tôi cũng thấy đuối vì phải làm trụ cột cho cả ba gia đình, do vợ chồng tôi đều là con út. Ngoài gia đình nhỏ của mình, tôi còn gánh vác thêm trách nhiệm lễ tết, giỗ chạp với gia đình lớn của mình và phụ vợ lo cho nhà ngoại. Cực mà vui.
Võ Thế Chương: Quá khác! Đủ để đi từ ngạc nhiên đến… kinh hoàng về sự thay đổi của hoàn cảnh. Đang làm con trai trong nhà, được quyền chia sẻ một phần trách nhiệm cho cha mẹ và được trừ hao ít nhất 50% trong quan hệ với phụ nữ; giờ lại phải chịu trách nhiệm về sự an toàn - ổn định - phát triển cho cuộc sống của ít nhất hai người (mình và vợ), lại không thể đẩy trách nhiệm cho cha mẹ như trước. Làm trụ cột gia đình không quá khó như nhiều người đã nghĩ, vì gia đình tôi có tới… hai trụ cột!
Bạn đã mất những gì của thời thanh niên độc thân và được những gì khi trở thành một người có vợ?
Trần Hùng: Tôi mất thời gian đi nhậu vô bổ với bạn bè; mất sự bồng bột, cảm tính và những thói quen xấu. Thay vào đó, tôi được rất nhiều và luôn tiếc: “Nếu biết lấy vợ cuộc sống thú vị thế này thì tôi đã lấy vợ từ 10 năm trước rồi!”.
Trần Minh: Thời độc thân, ngày cuối tuần tôi thường “xách ba lô lên và đi”, giờ muốn đi phải “vác” chứ không “xách” nổi vì đã có thêm vợ con. Đó là cái mất lớn nhất. Tuy nhiên, cái gì cũng có luật bù trừ, tôi thậm chí “có lời”, mất thì ít mà được thì nhiều, vì vợ tôi rất khéo chăm chồng.
Võ Thế Chương: Mất đi tính ngẫu hứng dễ dẫn đến vô kỷ luật, vô độ. Được sự quan tâm chăm sóc, điều độ, đảm bảo cân bằng ba yếu tố “ẩm thực, nam và nữ”.
Những tính cách nào của bạn đã dần mất đi và thay vào đó là những tính cách nào dần xuất hiện khi bạn làm chồng?
Trần Hùng: Tôi mất tính cả nể và phải sống có nguyên tắc hơn. Tôi vẫn ưu tiên cho công việc nhưng cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể cho gia đình.
Trần Minh: Từ ngày có vợ, tính xấu nhất của tôi xuất hiện: làm biếng và ỷ lại. Xưa cái gì cũng tự làm, từ giặt ủi quần áo đến nấu ăn, rửa chén… Giờ vợ “giành” làm hết nên đâm ra “thất nghiệp việc nhà”.
|
Anh Trần Hùng |
Võ Thế Chương: Tính cáu kỉnh, dễ nổi nóng, ưa gây sự đã dần mất đi. Tính kiên nhẫn, cẩn thận, luôn “rà soát tất cả” cho rõ ràng, không vội kết luận điều gì đã xuất hiện.
Bạn có bị vợ kiểm soát thời gian và tiền bạc không? Nếu có, điều đó có làm bạn khó chịu?
Trần Hùng: Vợ tôi rất hay là không bao giờ kiểm soát tôi. Cô ấy thừa hiểu tính tôi và tôi cũng chủ động nói với cô ấy hôm nay mình sẽ về nhà lúc mấy giờ? Nếu tôi về muộn thì cô ấy cũng hiểu tại sao và không bao giờ hỏi tôi: “Mấy giờ anh về?”. Cô ấy chưa bao giờ hỏi tôi kiếm được bao nhiêu tiền hay có bao nhiêu tiền. Tôi thấy rất thoải mái, chẳng khác gì thời chưa lấy vợ.
Trần Minh: Tiền bạc thì tôi giữ vì vợ chồng đã có thỏa thuận trước với nhau. Tiền bạc không phải là yếu tố quyết định sự bền vững của hôn nhân, nhưng lại có tác động rất lớn. Vợ chồng thỏa thuận tốt việc này sẽ tránh được xung đột.
Võ Thế Chương: Không hề! Do hoàn cảnh nên hai vợ chồng đi làm và về nhà trên cùng một chiếc xe (tiết kiệm) và cùng phải giải quyết bài toán chi phí sinh hoạt của gia đình. Sự tôn trọng của vợ khiến tôi luôn có ý thức tự giác để đáp lại cho tương xứng.
Bạn có muốn thay đổi điều gì đó ở vợ mình không?
Trần Hùng: Tôi không bao giờ muốn thay đổi vợ hay bất kỳ người nào khác, kể cả các con tôi. Chúng ta vốn khác nhau ngay từ khi sinh ra, không ai giống ai. Vậy tại sao lại muốn người khác phải thay đổi vì mình hay giống mình? Trước khi cưới, tôi hiểu tính cách cũng như những điểm khác biệt giữa chúng tôi. Tôi chấp nhận và luôn tôn trọng cô ấy.
Trần Minh: Mong ước lớn nhất của tôi là vợ lo cho bản thân nhiều hơn, đi chơi nhiều hơn, đừng lúc nào cũng nghĩ cho chồng cho con trước.
Võ Thế Chương: Không hề! Vợ mình cũng vậy, cũng không yêu cầu chồng phải thay đổi theo một hình mẫu nào.
|
Anh Võ Thế Chương |
Bạn có bao giờ so sánh giữa việc làm vợ và làm chồng xem việc nào nặng nề, khó khăn và nhiều nghĩa vụ hơn không?
Trần Hùng: Tôi từng thử so sánh và thấy may mắn vì mình không phải làm vợ. Phụ nữ bây giờ, dù đã bình đẳng nhưng vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống gia đình.
Trần Minh: Thỉnh thoảng lúc giận nhau thì có, nhưng sau đó thì tan biến ngay.
Võ Thế Chương: Làm vợ hay làm chồng thì thời này cũng vẫn phải… làm việc, nên chia nhau việc nhà cũng là bình thường. Chồng có việc của chồng, vợ có việc của vợ, không có chuyện tranh cãi ai phải làm việc nhiều hay ít trong gia đình.
Bạn bè đối với đàn ông rất quan trọng, bạn có bao giờ phải “cân đong” trong việc phân chia thời gian cho bạn bè và gia đình?
Trần Hùng: Lấy vợ rồi tôi không còn nhiều thời gian dành cho bạn bè nữa; chỉ gặp gỡ, mời về nhà ăn cơm vào cuối tuần đối với những người bạn thân mà thôi. Quỹ thời gian của mình eo hẹp, mình “phân cấp” ưu tiên từ trên xuống, không thể duy trì quan hệ rộng rãi như cũ được.
Trần Minh: Đây là việc mỗi ngày tôi phải cân nhắc: hôm nay đi làm tới mấy giờ về, về chơi với con bao lâu, trò chuyện với vợ lúc nào… Mình hoạt động bên ngoài quá nhiều, chiếm gần hết quỹ thời gian. Đó cũng là nguyên nhân gây ra các cuộc “chiến tranh lạnh” trong thời gian đầu hôn nhân của chúng tôi. Giờ mọi thứ đã dần đi vào quỹ đạo, mình chỉ cần cố gắng để không bị chệch…
Võ Thế Chương: Bạn bè thì dù có lập gia đình hay không, người đàn ông nào cũng có. Cho nên, phải thiết lập chương trình mục tiêu. Ví dụ, nhà tôi rất xa nơi làm việc và bạn bè, nên tôi chọn chiều tối thứ Bảy là thời gian hội ngộ bạn bè trước khi về nhà, còn Chủ nhật là ngày tuyệt đối dành cho gia đình. Riêng công việc, nếu cần thì có thể trao đổi qua email, điện thoại, chat, đâu nhất thiết phải gặp mặt.
Theo bạn, trước khi làm chồng, một người đàn ông cần phải chuẩn bị cho mình những gì?
Trần Hùng: Phải chuẩn bị khả năng tài chính tốt và cả tư tưởng, tinh thần. Quan trọng nhất là phải học cách tôn trọng người khác, đặc biệt là vợ. Quan hệ vợ chồng vốn rất mong manh, nếu hai bên không tôn trọng nhau thì rất khó có được một gia đình hạnh phúc. Cuối cùng là phải cai bớt bạn bè, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Trần Minh: Chuẩn bị “cái miệng” cho “ngon lành”: sẵn sàng mở miệng “xin lỗi” mà không cần lý do; mở miệng cười trong mọi tình huống để làm dịu căng thẳng, giữ không khí vui vẻ cho gia đình, có thể “ăn ngon miệng” bất cứ món gì (dù mình không thích, miễn là vợ thích).
Võ Thế Chương: Về vật chất thì phải cố để dành tiền trước đã. Về nhận thức, phải chấp nhận nguyên tắc “có đi có lại”, tôn trọng lẫn nhau và xác định giải quyết tranh cãi trong quan hệ vợ chồng trên cơ sở trao đổi lý luận, tuyệt đối không áp đặt ý kiến của mình là “duy nhất đúng”.
Cuối cùng, nếu đuối lý khi tranh luận với vợ, đừng tự ái chuyển sang làm mặt lỳ, không thèm nói chuyện, làm không khí gia đình trở nên nặng nề. Hãy luôn cố gắng làm cho cuộc sống gia đình vui vẻ bằng cách đơn giản hóa sự việc kiểu: “Có mỗi chuyện nhịn vợ mà không làm nổi thì sao làm được chuyện lớn trong thiên hạ?”.
Cảm ơn các bạn về cuộc trò chuyện thú vị này.
Song Văn
(thực hiện)