Làm cho nhau hạnh phúc, ấy là bình đẳng

07/03/2018 - 09:43

PNO - Quan tâm đến nhau, làm cho nhau sung sướng, ấy là bình đẳng. Khi đó, mỗi thành viên trong nhà sẽ không còn lăn tăn bình đẳng hay không nữa. Đó mới là bình đẳng thật sự.

Các tổ chức chuyên trách của Liên Hiệp Quốc đã có những định nghĩa, khái niệm đầy đủ về bình đẳng giới. Riêng tôi nghĩ, bình đẳng giới là mọi giới (nam, nữ và cả “thế giới thứ ba”) đều có những quyền ngang nhau về mọi mặt trong đời sống xã hội và trong gia đình. Trong lúc cộng đồng LGBT (cộng đồng những người đồng tính luyến ái) vẫn còn chịu nhiều kỳ thị, bình đẳng giữa nam và nữ đã được xác lập ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Quyền thì có rồi, nhưng hưởng được quyền đó hay không lại là chuyện khác, nên mới rộn chuyện. Mà muốn hưởng quyền, nam hay nữ cũng đều cần có năng lực, có phương pháp.

Lam cho nhau hanh phuc, ay la binh dang
Ảnh minh họa

Hãy nhìn vào gia đình. Nhiều chị kêu đòi bình đẳng giới, mà bản thân cứ ngầm chống lại sự bình đẳng, thì lấy đâu ra bình đẳng? Nhiều năm rồi, tôi không mó tay vào việc quét nhà, lau nhà, vì quét, lau cho đã, vợ rõ ràng đã thấy thế, mà vẫn quét, lau lại. Tự ái chứ! Và thấy tốn công vô nghĩa quá, nên miễn làm, nghỉ ngơi cho khỏe. Tôi biết, có những bà vợ cũng đi làm “bên ngoài” như chồng, nên đã phân công việc nhà cho chồng, để có sự sẻ chia, bình đẳng. Chẳng hạn có bà giao cho chồng “quyền” tự ủi quần áo của mình. Thế nhưng, hễ ông chồng lười ủi một bữa, bà vợ lại cảm thấy như thiên hạ đang đổ dồn ánh mắt vô soi mình “sao để chồng ra đường với áo quần luộm thuộm thế”, rồi làm luôn việc ấy cho lành. Thế là việc chồng việc. Ông ấy luộm thuộm thì người ta cười ông ấy chứ mắc chi mình lại lăn tăn? Trong suy nghĩ, mình đã không bình đẳng, sao có bình đẳng được?

Có lần, tôi đăng lời than trên mạng xã hội, rằng tại sao chỉ có đàn ông mang tiền về đưa vợ mà không có chuyện ngược lại, liền bị các chị xúm vô mắng: thế ông có đi chợ không, ông có làm việc nhà không, để ông giữ tiền cho gái ăn à. Chao ôi, tôi chỉ biết rút kinh nghiệm sâu sắc: lần sau không đăng vấn đề nhạy cảm ấy lên nữa. Đăng là đăng đùa, nhưng cũng có nhiều chục phần trăm sự thật. Không hiểu sao, đàn ông cứ bị khoác lên mình trách nhiệm “trụ cột kinh tế gia đình”, thế là lao vào kiếm tiền quần quật. Một ông bạn già đồng nghiệp của tôi than, rằng đàn ông cứ như cái máy cày, bởi lúc quen bạn gái, ông ấy cũng phải có tiền “lo” cho bạn gái; cưới vợ về, ông ấy phải đưa tiền “lo” cho cả nhà. Mà tiền thì không tự có. Tiền rõ ràng do mình làm ra. Vậy mà mỗi khi cần xài, lại phải ngửa tay xin vợ, mới đau. Bất bình đẳng thiệt chứ chẳng chơi.

Lam cho nhau hanh phuc, ay la binh dang
Ảnh minh họa

Có quyền như nhau, nhưng quyền có được thực thi như nhau không? Một vấn đề cũng quan trọng không kém: có phải ai cũng muốn thực thi quyền ấy? Nếu tôi thấy chơi sướng hơn làm, thì mắc chi phải giành “quyền được lao động”? Nếu vợ tôi vui với việc nội trợ, sao tôi lại tước đi niềm vui ấy của cổ? Đàn ông không đủ kiên nhẫn để làm việc nhà, nên họ có thể kiếm tiền và dùng tiền ấy thuê người giúp việc làm thay mình; phụ vợ, liệu có được xem là “chia sẻ việc nhà”?

Tôi nghĩ, chẳng thể đòi hỏi sự bình đẳng tuyệt đối. Bởi, cấu tạo cơ thể mỗi giới mỗi khác, có như nhau (bình đẳng) đâu. Lớn hơn cả bình đẳng giới là niềm hạnh phúc. Làm sao dưới một mái nhà, người vợ, người chồng, người con cảm thấy hài lòng với cuộc sống, vui với việc mình đang làm, mới là quan trọng. Còn như, phân công lao động đâu đó tắp lự, mà mỗi người đều thấy nặng nề thì dù “bình đẳng” vẫn kém vui. Thế thì đâu hạnh phúc.

Cho nên tôi nghĩ, quan tâm đến nhau, làm cho nhau sung sướng, ấy là bình đẳng vậy. Khi đó, mỗi thành viên trong nhà sẽ không còn lăn tăn bình đẳng hay không nữa. Đó mới là bình đẳng thật sự. 

Hồ Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI