Làm cho học sinh háo hức đến trường

05/09/2023 - 06:15

PNO - Hôm nay (5/9), lễ khai giảng năm học 2023-2024 sẽ diễn ra ở mọi ngôi trường trên cả nước.

Năm học này, học sinh các khối lớp Bốn, Tám, Mười một bắt đầu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá là cuộc đổi mới có chiều sâu, toàn diện và triệt để nhất so với các lần đổi mới trước đây, kể từ giữa thế kỷ XX, trong đó lấy sự phát triển toàn diện con người làm định hướng, học sinh tự học nhiều hơn và sử dụng những kiến thức học được để giải quyết các tình huống đặt ra trong thực tiễn cuộc sống. 

Sự đổi mới đó rất cần học sinh có động lực học tập thực sự. Mà động lực này chỉ có được khi nhà trường, giáo viên và phụ huynh tạo ra một môi trường phù hợp cho các em. 

Theo một báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) năm 2016, có 5 yếu tố khiến học sinh không cảm thấy hạnh phúc khi đến trường: môi trường kém an toàn, dễ bị bắt nạt; học sinh quá tải, bị stress do áp lực thi cử và điểm số; môi trường học tập và không khí nhà trường tiêu cực; giáo viên có thái độ, phẩm chất không phù hợp; các mối quan hệ xấu.

Ngay những ngày tựu trường cuối tháng Tám vừa qua, đã xảy ra một số vụ học sinh đánh nhau, quay clip tung lên mạng xã hội khiến dư luận hết sức lo ngại. Thực tế, số vụ bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, môi trường học tập của Việt Nam còn gây nhiều áp lực, căng thẳng cho học sinh. 

Để học sinh thích đến trường và vui khi ở trường, các chuyên gia giáo dục cho rằng, điều cốt lõi là xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc, an toàn, bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận giáo dục. Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc đến năm 2030, sức khỏe và sự an vui đứng vị trí thứ ba. 

Việc xây dựng trường học hạnh phúc nên bắt đầu từ những lớp học hạnh phúc, với sự yêu thương, tôn trọng học sinh của người thầy. Giáo viên cần gần gũi, truyền cảm hứng, kích thích sự tò mò, mong muốn khám phá của học sinh. Môi trường đó giúp học sinh phát huy tối đa mọi tiềm năng, đặc biệt là niềm say mê học tập.

Nhìn qua thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam trong các cuộc thi quốc tế về đọc hiểu, toán học và các môn khoa học khác, tờ báo Anh The Economist gần đây đã có bài viết Why are Vietnam’s schools so good? (Vì sao các trường học của Việt Nam tốt như vậy?). Trong đó, họ nhận định rằng, Việt Nam là quốc gia hiểu rõ giá trị của giáo dục và quản lý tốt giáo viên của mình.

Chúng ta thực sự vui mừng với những thành tích mà học sinh Việt Nam đã đạt được trên các đấu trường quốc tế. Nhưng đó chưa phải và cũng không nên là mục tiêu cuối cùng của nền giáo dục. Cần nhìn vào thực tế để thấy và khắc phục những căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục, để chuẩn bị cho thế hệ trẻ biết đối mặt với những thách thức của đời sống, để đạt được mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước và cuối cùng là tạo ra con người Việt Nam hạnh phúc. 

Trong buổi làm việc chiều 28/8 với Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND và lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM về việc chuẩn bị năm học mới 2023-2024, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo: “Ngành GD-ĐT TPHCM cần chuẩn bị thật kỹ cho năm học mới. Phải làm sao để mỗi buổi sáng thức dậy, học sinh luôn có cảm giác háo hức đến trường”.

Để học sinh luôn có cảm giác đó, hãy tạo ra học đường hạnh phúc - nơi mà con người luôn thân ái, vui vẻ, nơi có phương pháp dạy và học phù hợp, tạo ra niềm hứng thú. 

Quế Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI