Ông bà xưa có câu “nói ngoa làm cha mà nói”, ý là khi làm cha, làm người chủ nhà thì có quyền “nổ” một chút, “văng” một chút, vì có nói sai cũng đâu ai dám cãi.
“Khi qua rồi ai cũng dễ nói khôn” là trường hợp của Liên, năm cuối đại học, người yêu dẫn Liên về ra mắt nhưng sau đó “lặn một hơi không sủi tăm”, qua nhiều dò hỏi Liên mới biết cha mẹ người yêu chê cô gò má cao, mắt trắng cằm nhọn có tướng “sát chồng”. Không chỉ anh người yêu đầu, khi ra trường Liên còn yêu mấy anh nữa nhưng Liên luôn bị “out” ngay ngưỡng cửa ra mắt. Tuổi ba mươi đã đến lúc nào, dù có hai bằng đại học, siêng chơi, chịu chi nhưng Liên vẫn thui thủi một mình. Đến nỗi bạn bè cưới cô không dám đến, bạn bè tổ chức đầy tháng con cô cũng khất vì ngại ánh mắt thiên hạ và câu hỏi thăm “khi nào lấy chồng?”
Rồi cô gặp anh, gọi là anh vậy chứ anh còn nhiều hơn bố cô ba tuổi, lại là người nước ngoài. Anh là chuyên gia, đã qua hai đời vợ, con sáu đứa đã qua mười tám và hiện đang ở một mình. Gặp dịp thì chơi, và thành góp gạo thổi cơm chung. Cứ bình yên thế nếu một ngày Liên không ngộ tưởng 'làm cha'.
Bố mẹ là người cổ hủ, bảo kiểu gì cũng phải cưới hoặc “giải quyết”. Tất nhiên mọi người chọn phương án đầu, vì Liên còn trẻ trung gì. Cả nhà cũng thẳng thắn nhìn nhận là Liên không “có cửa” với trai Việt, thì lấy Tây kiếm đứa con hủ hỉ tuổi già.
|
Ảnh: Internet |
Con rể già với bố vợ trẻ phát sinh nhiều yêu cầu cùng ngôn ngữ bất đồng khiến đám cưới mang không khí sượng như cơm nấu bị sống. Tiệc vừa tan, họ nhà gái ra thẳng bến xe sau khi dặn con gái “khi tao còn sống đừng mang nó về nhà!”. Ở quê miệng lưỡi thiên hạ kinh lắm, Liên lại có bằng cấp, thu nhập khá, nay Liên vác ông chồng già về chắc cả họ đeo mo vào mặt.
Cũng may bầu bì nôn nghén rồi sinh đẻ Liên đều có chồng già chăm sóc, ông chồng Tây cũng thoáng và khá giả, cuối tuần nhà ba người lại đi đây đi đó đổi gió. Bạn bè lúc này lại xúm vào khen Liên “có mắt chọn chồng”, Liên nhìn đám bạn bằng tuổi mà đứa thì hom hem gầy yếu vì bệnh tật, đứa thì đang rối vì chồng bồ bịch, cười cười: “Ai bảo ham lấy chồng sớm, mấy ông người Việt có ông nào biết làm chồng?”. Sẵn đang ức chồng, đám bạn Liên ùa lên công nhận, và Liên cho rằng mình thật “tinh mắt” và “cao tay”. Chồng muộn thì sao, chồng già thì sao, ai cười ở phút cuối mới là người chiến thắng.
Cho đến một ngày khi Liên đang khoe “vợ chồng tớ…” thì có cô bạn thủng thỉnh xen vào: “Vợ chồng cậu khi về thăm quê đã được ra sân chưa? Tớ nghe nói taxi đậu tận hiên cho vợ chồng cậu vào nhà, và ghé tận cửa chở vợ chồng cậu đi? Vợ chồng cậu tốt đẹp thế sao bố mẹ cậu không dám khoe con gái con rể với hàng xóm láng giềng?”
Khỏi nói cũng biết khi ấy mặt Liên có những màu gì.
Ông chú tôi thì khác, hết cấp Hai chú bỏ học do nhà nghèo, được một người bà con có tiệm hàn sắt nhận vào làm. Ban đầu chú phụ việc, sau học nghề, vừa đủ tuổi là xin làm công nhân. Chú qua không ít các lớp dạy nghề, thêm khéo tay nên tiến khá nhanh thành thợ chính, rồi thợ bậc cao trong nhà máy. Chú còn mở một cửa tiệm nhỏ nên kinh tế ngày càng khá.
Vừa rồi về họp họ bàn tính việc xây lại nhà thờ, chú không nói không rằng rút ngay hai chục triệu ra góp, bảo cứ làm đi, thiếu chú lo.
Trong bữa tiệc mấy ông bác bàn tính chuyện lo cho đám trẻ học đại học, chú gạt phắt: “Đại với chả tiểu làm gì? Như em có chữ nào đâu mà vẫn xông xênh!” Rồi chú hể hả kể thành tích của chú, bao năm đạt danh hiệu bàn tay vàng, bao năm được lao động tiên tiến, nhiều người “trải thảm đỏ” mà còn không thèm, chữ nghĩa cho lắm đòi làm ông nọ bà kia mà chả có tí thực tiễn nào.
Bác Cả thấy chú nói hăng quá mới nhẹ kéo áo bảo chú ngồi xuống, các cháu đang khí thế cố gắng, chú lại xổ toẹt thế là không được, làm mất tinh thần của các cháu. Có thể khi ra trường lương chúng không bằng lương công nhân nhưng dù sao có chữ vẫn hay hơn, học hành giúp người ta có kiến thức, tri thức cùng lễ giáo. Những thứ đó mới làm nên con người chứ không phải tiền.
Người ta thấy chú im lặng, bớt vung tay vung chân hẳn, sáng hôm sau chú xin phép đi sớm với lý do về xem hàng họ thế nào. Sắp hưu rồi mà chú đâu đã nhàn, dù là thợ bậc cao nhưng vẫn là thợ. Giá chú được học hành tới nơi tới chốn, thêm kinh nghiệm thực tế cộng những khóa học thì ít nhất chú cũng làm xưởng trưởng. Ở quê người ta đâu biết việc chú làm, người ta chỉ thấy chú sạch sẽ với áo sơ mi, quần tây thẳng nếp và hào phóng với anh em con cháu. Người ta nghĩ chú thành đạt, và khổ là chú cũng tưởng thế, hay nghĩ thế, rằng mình chữ thì ít thật nhưng quyền thế và tiền bạc không thua ai.
Cô Liên sau khi bị bạn bè “bóc mẽ”, cô không lui tới với họ nữa với ý nghĩ họ đang ghen tị, cô nói người ta “thối mồm” khi chĩa vào chuyện nhà cô. Chú tôi sau đó có đổi tính hẳn, có thể ở cơ quan chú vẫn vui miệng tếu táo “tao ngày xưa…”, nhưng khi về nhà chú ăn nói đã kiềm chế hơn.
|
Ảnh: Internet |
“Làm cha” là một hình thức… tự sướng, có cảm giác mình nói gì cũng đúng, những người nói ngược ý mình là những người xấu bụng, thấy không được như mình nên tức tối, đố kị. Họ nghĩ mà vội quên ngày mình mới là thợ học việc, quên đi những bước dò dẫm ban đầu sai lên sai xuống, quên đi những ê chề ngày cũ, họ chỉ vung vẩy khoe những thành công ở hiện tại khiến người nghe tưởng họ một bước đã chạm thành công. Nào ai biết ngày mai sẽ ra sao, sẽ là rừng hoa hay cái máng lợn cũ?
Nên chăng “khiêm tốn mấy cũng chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là nhiều?”
Đặng Quỳnh Anh