Làm cha mẹ kiểu… máy xén cỏ

01/10/2017 - 11:09

PNO - Bạn thử tưởng tượng con gái 10 tuổi của mình đang có mặt trong một cuộc tranh tài gay go. Con đã thể hiện rất xuất sắc nhưng lại thua cuộc. Khi về đến nhà, bạn sẽ nói gì với con?

Lam cha me kieu… may xen co
Làm cha mẹ kiểu máy xén cỏ có thể làm hại trẻ

A. Ồ, mẹ nghĩ con đã thể hiện tốt nhất rồi.

B. Không sao con ạ, chúng ta còn lần khác.

C. Những bạn khác đã thể hiện tốt hơn và đó là lý do con không chiến thắng. 

Bạn nghĩ sao nếu hai câu A và B có thể ảnh hưởng không tốt đến tương lai của con bạn? Khi muốn an ủi con, nhiều phụ huynh thường có khuynh hướng nói những câu như thế mà họ nghĩ là lời động viên, không trách móc. Họ chọn cách “lên dây cót tinh thần” cho con bằng cách đứng về phía con.

Tuy nhiên, cách nói đó có thể khiến trẻ nghĩ đã có một sự bất công nào đó đối với mình. Trong khi đó, câu C mới chính là câu gợi mở động lực cho trẻ nhiều nhất. Khi bạn khẳng định con đã không làm tốt bằng các bạn nên điểm thấp là đương nhiên sẽ giúp con dũng cảm nhìn lại mình. 

Nhà khoa học xã hội Ramy Mahmoud, ông bố của hai đứa con, cho biết, khi vợ sinh con đầu lòng, ông đã tự dặn lòng mình sẽ làm một ông bố biết lắng nghe cảm xúc của con dựa theo khoa học tâm lý nhiều nhất. Ông đã đọc rất nhiều sách về việc làm bố mẹ và trở nên hoang mang bởi những cách nói quá khác nhau.

Quan tâm lớn nhất của ông là tìm mối liên hệ giữa thái độ, phản ứng của phụ huynh khi con đối diện với thử thách, khó khăn có thể tạo ra nhận thức cho con. Tìm hiểu tâm lý trẻ em, Ramy Mahmoud nhận thấy con trẻ vốn có bản năng luôn sẵn sàng đối diện với thử thách, trải nghiệm mới.

Ngay từ nhỏ, chúng đã luôn muốn làm cho tay chân vấy bẩn; leo trèo khắp nơi, lần sau còn phải cao hơn lần trước. Đó là cách trẻ học nhận biết và mở rộng khả năng thông qua củng cố lòng tự tin của mình, hoặc đơn giản là để khẳng định mình. Thực tế, hầu hết phụ huynh sẽ ngăn cản con vì sợ con gặp nguy hiểm, tự làm đau mình.

Tâm lý luôn muốn bảo vệ con mọi lúc mọi nơi là dễ hiểu, nhưng sẽ vô tình huấn luyện não của trẻ luôn sợ hãi thế giới xung quanh, không dám đón nhận những gì có tính phiêu lưu, mạo hiểm khi trưởng thành. 

Lam cha me kieu… may xen co
 

Trong lĩnh vực giáo dục có thuật ngữ Helicopter Parent (Cha mẹ trực thăng), chỉ những phụ huynh luôn “lượn lờ” quanh con, buộc con phải làm mọi việc một cách hoàn hảo, đúng như ý muốn của cha mẹ. Ngày nay, còn xuất hiện thêm thuật ngữ Lawnmower Parenting (Làm cha mẹ kiểu máy xén cỏ).

Những phụ huynh luôn có khuynh hướng dẹp bỏ giùm con mọi chướng ngại trong cuộc sống, không cho con cơ hội được đối diện và tự giải quyết khó khăn của chính mình. Mục đích của những phụ huynh này không xấu nhưng lại gây hệ quả không nhỏ.

Thứ nhất, họ sẽ làm cho đứa trẻ nghĩ trong đời này mọi việc đều thật dễ dàng mà không biết bố mẹ đã dọn dẹp hết những chướng ngại vật cho mình và quen với việc không cần phải cố gắng vì bất kỳ điều gì. Quay trở lại với hai câu trả lời A và B, thông điệp chúng ta gửi cho con là mục tiêu con muốn đạt được không hề khó, mà không chỉ ra cho con thấy phía trước con có những bạn rất giỏi, con cần rất nhiều  nỗ lực nếu muốn vượt lên dẫn đầu.

Thứ nhì, đứa trẻ lớn lên mà chưa từng nếm mùi thất bại sẽ không xây dựng được cho mình cơ chế vượt qua nghịch cảnh. Khi có những điều không hay xảy đến, các em sẽ “đóng băng” phản ứng, dựng ngay một bức tường che chắn cảm xúc của mình hoặc suy sụp đến mất kiểm soát.

Điều phụ huynh cần làm là phải tập cho con quen với sự phục hồi, nỗ lực đối diện với khó khăn mới có thể chuẩn bị tốt cho con phát triển trong thế giới này. Lần sau, khi con gặp thất bại, bạn có thể khơi gợi với con những điều sau:

1. Con thấy mình có vai trò thế nào đối với thất bại này?

2. Con nghĩ mình có thể làm gì khác hơn để thành công?

3. Con học được gì từ trải nghiệm lần này?

Cách động viên con tốt nhất là hãy tạo ra động lực với thái độ tin tưởng chứ không phải sự xoa dịu sẽ khiến con không còn muốn nỗ lực hơn ở lần sau. 

Thiên Như
(Theo Dallas Morning News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI