Làm cha mẹ, đừng huỵch toẹt mọi chuyện trước mặt con cái

17/11/2018 - 09:35

PNO - Vợ chồng không nên hạ nhục nhau trước mặt con cái, con cái sẽ tổn thương, thất vọng, xem thường cha mẹ, và có những hành động tiêu cực khó lường.

Hẻm tôi có một đôi vợ chồng được cho là vất vả nhất. Cô vợ làm nghề mua bán ve chai dạo, anh chồng chạy xe ôm. Họ có hai đứa con gái sinh năm một, đứa lớp 9, đứa lớp 10.

Cuộc sống khó khăn, nhưng ai cũng nể, vì chẳng khi nào nghe họ cãi nhau. Cứ 7 giờ tối, cả nhà quây quần bên mâm cơm bày trên nền gạch, giữa nhà. Cũng chẳng khi nào nghe anh chị ấy than thở mình khổ, làm như hạnh phúc chỉ cần có thế.

Lam cha me, dung huych toet moi chuyen truoc mat con cai
Mâm cơm bày trên nền gạch, giữa nhà. (Ảnh minh họa)

Ở xóm, thỉnh thoảng, tôi giật mình bởi những câu nói lớn tiếng của mấy cặp vợ chồng, những bất đồng đôi khi chẳng đáng để cãi nhau, phát ra từ những căn nhà cao tầng, những con người trí thức.

Đành là vợ chồng làm sao tránh khỏi xung đột, nhưng âm thanh lúc cãi nhau cứ “vặn” hết cỡ. Có những chuyện chẳng hay ho gì, vợ chồng mấy chục năm chôn giấu trong lòng, vậy mà chỉ cần vài phút thiếu kiềm chế, là cả xóm đều hay biết, con cái trong nhà “chưng hửng” vì những thông tin lẽ ra ba mẹ phải tuyệt mật.

Như chuyện nhà chị H., sau hôm cãi nhau với chồng, chị H. qua giải thích với tôi, kiểu phân bua “ổng nói vậy chứ không phải vậy đâu!”. Số là, trong trận cãi nhau kịch liệt hôm ấy, anh chồng hỏi mà như “tố” vợ: “Tôi là người thứ mấy của cô?”.

Câu hỏi chẳng khác nào cho rằng vợ là người không đàng hoàng. Hàng xóm “bật ngửa”, vì gia đình anh chị thuộc hàng chuẩn mực xưa nay. Tôi không quan tâm chuyện chị H. là người đàng hoàng hay không, vì có khi anh chồng ghen quá hóa bậy, mà tôi bất ngờ và tiếc nuối khi họ phơi chuyện nhà cho thiên hạ nghe.

Lam cha me, dung huych toet moi chuyen truoc mat con cai
Con cái “chưng hửng” vì những thông tin lẽ ra ba mẹ phải tuyệt mật. (Ảnh minh họa)

Từ bữa ấy, hàng xóm nhìn chị H. với thái độ khác hẳn. Mấy “bà tám” trong xóm xì xào, nào là “Đời, ai biết đâu chữ ngờ”, “Mẹ vậy, làm sao dạy con”…

Hai đứa con của chị H., từ trận cãi vả của ba mẹ hôm ấy, các con trở nên lầm lì, ít nói. Chị H. thì trông buồn hẳn. Ông chồng đi ra đi vào lầm lũi, lảng tránh hàng xóm.

Nhưng cũng có những cặp vợ chồng hay đến nỗi, ngày họ bán nhà phân chia tài sản ly hôn, hàng xóm mới hay chuyện. Với họ, xác định ly hôn, khỏi cần phải cãi vã. Ly hôn là gieo niềm đau không mong muốn cho con. Những cãi vả trước đó, càng không nên, bởi chỉ khắc sâu đau khổ, oán hận cho con mà thôi.

Quay lại chuyện nhà chị hàng xóm. Một người phụ nữ nghèo, ít học, lại quan niệm hết sức tích cực: Đã nghèo khổ, nên cố gắng nhìn gì cũng thấy thiện cảm, biết chấp nhận, để con bắt chước làm theo.

Ngay như chuyện vợ chồng giận nhau, chị chưa một lần than phiền chồng trước con cái, vì làm như thế, con sẽ coi thường bố. Chị bảo, đã nghèo, thì cố gắng hạnh phúc theo kiểu giản dị. Con cái đã thiệt thòi về tài chính, thì cố gắng bù đắp cho con về mặt tinh thần.

Lam cha me, dung huych toet moi chuyen truoc mat con cai
Làm cha mẹ, mọi lời nói, hành động trước con phải hết sức khéo léo, cân nhắc. (Ảnh minh họa)

Chúng ta có thể chia sẻ với con chuyện tài chính gia đình, nhưng không nên quá kể khổ, hay tung hô rằng gia đình mình giàu có. Con cái vì cho rằng gia đình mình quá nghèo rồi tự ti, hoặc gia đình mình đã quá giàu nên tự tin, ỷ lại.

Vợ chồng không nên hạ nhục nhau trước mặt con cái, con cái sẽ tổn thương, thất vọng, xem thường cha mẹ, và có những hành động tiêu cực khó lường.

Làm cha mẹ, tôi nghĩ rằng, mọi lời nói, hành động trước con phải hết sức khéo léo, cân nhắc. Đừng cho rằng trẻ con chóng quên, và cha mẹ thì toàn quyền thể hiện mọi điều trước con cái.  

Bình Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI