Làm cha mẹ chưa bao giờ là dễ dàng

02/04/2022 - 10:53

PNO - Đêm qua là đêm khó ngủ với nhiều phụ huynh nếu thấy clip, hình ảnh, lá thư tuyệt mệnh của một nam sinh trường chuyên Hà Nội. Em viết thư, nhắc cha đọc và nhảy lầu ngay trước mặt cha… Mặc dù, có thể ta cho rằng những áp lực sẽ giúp con trưởng thành và lớn lên. Nhưng hãy lùi một chút, ta muốn con trở thành một người thế nào?

Cuốn vở địa lý của em học sinh 16 tuổi ấy có nửa trang viết những dòng chữ cuối cùng về lý do tại sao em không muốn tiếp tục sống. 

Thật đau đớn khi con ra đi ở một cái tuổi nhạy cảm cùng bao điều còn tiếc nuối mà con nhắc tới: những người bạn, những trò game đã bỏ lâu rồi, những bản nhạc chưa nghe...

Em không đổ lỗi cho ai, tự nhận trách nhiệm cho hành động của mình, nhưng trong những dòng tâm tư ấy có hình ảnh, thái độ của cha mẹ em, khiến nhiều phụ huynh giật mình thấy bản thân trong đó.

Làm cha mẹ quả thật không dễ, nhất là khi ta đã quên mình từng là một đứa trẻ.

Độ tuổi ấy, con trẻ cần gì? Liệu có cần những nghiêm khắc hay kỷ luật của ba mẹ nữa hay không, hay thực sự cần những cái ôm, những lời động viên, những câu chuyện phiếm để hiểu rằng mình luôn có gia đình và ba mẹ để chở che, yêu thương, chứ không chỉ đòi hỏi hay yêu cầu?

Sẽ rất khó nếu buộc con phải hiểu "ba mẹ rất thương con" qua những tiếng la, mắng chửi hay những áp lực mà ba mẹ đè lên vai con. Mặc dù, có thể ta cho rằng những áp lực ấy giúp con trưởng thành và lớn lên.

Nhưng hãy lùi một chút, ta muốn con trở thành một người thế nào khi lớn lên?

Một người thành công với một công việc được nhiều người ngưỡng mộ, nhưng rất khó để thành người hạnh phúc mà vẫn luôn phải tiến lên như thể cái roi kề mông ngày nào vẫn còn tồn tại, và có thể quất không ngừng?

Hay con có thể là người bình thường, thậm chí nghèo, nhưng hay cười? Có thể con có một công việc lương không cao và vất vả, nhưng con yêu thích? Nếu vậy, điểm số trên trường có còn quan trọng không?

Tôi thú thật là không còn nhớ mấy điểm 4 môn Toán hay Lý, bởi lẽ một học sinh ban C như tôi rất ghét các môn tự nhiên. Tôi cảm giác học các môn ấy rất tốn thời gian, thay vào đó tôi đọc sách xuyên suốt. Tất nhiên không ít lần bị mẹ quất  roi vì cái tội "học không ra gì mà suốt ngày đọc sách".

Có lẽ tôi may mắn, vì tôi khá lì nên dù mẹ cấm đoán tôi vẫn quyết định lơ là các môn khô khan ấy, chỉ vừa đủ để đổ tốt nghiệp với học lực trung bình và đậu đại học. 

Làm cha mẹ quả tình không dễ, nhất là khi ta đã quên mình từng là một đứa trẻ. Có lúc cũng thấy cha mẹ quá đáng, có lúc thấy buồn và tủi thân khi mẹ so sánh mình với bạn, và ta quên sạch. Ta cũng cư xử như thể ta chưa từng là học sinh. Ta là cha mẹ và ta buộc con cái phải tiến về phía trước.

Trong quyển sách Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc người ta dùng cấu trúc của từ PARENT – cha mẹ để làm thành các chương với Play – vui chơi, Authencity – sự chân thật, Reframing – tái định khung, Empathy – sự thấu cảm, No Ultimatums – không đưa ra tối hậu thư, Togetherness và Hygge – sự quây quần và ấm cúng.

Cha mẹ nào cũng muốn con có hạnh phúc nhưng làm thế nào thì không phải phụ huynh nào cũng biết.
Cha mẹ nào cũng muốn con có hạnh phúc nhưng làm thế nào thì không phải phụ huynh nào cũng biết.

Ở đây, ta thấy những gì cần ở cha mẹ không có áp lực, không có bắt buộc, mà phải có thấu cảm và không đưa ra tối hậu thư. Rằng nuôi con không phải là trận chiến mà cha mẹ phải là người thắng, nuôi con là cả một chặng đường dài, chúng không trưởng thành ở ngay năm 18 tuổi. Như chúng ta, đôi khi phải thật lâu sau đó, ta mới thấy mình thực sự lớn sau khi đã gánh vác nhiều trách nhiệm trên vai.

Tiểu thuyết Pachinko của nhà văn Min Jin Lee cũng đã khắc hoạ một người con được cha mẹ ủng hộ yêu thương sẽ lớn lên như thế nào, dù cha mẹ có nghèo nhưng cũng cố dành những điều tốt nhất cho con, cũng ở bên con che chở cho con khi con làm điều sai. Bà mẹ Sunja cho dù có vấp phải một một sai lầm lớn trong đời, thì bà cũng đã mạnh mẽ và chèo lái cả gia đình, nhờ vào tình thương của mẹ. Ít nhất người mẹ ấy đã không sỉ vả hay bỏ rơi con khi chúng cần đến mình.

Sunja sinh trong một gia đình nghèo, nhưng may mắn có người cha yêu thương cô, người mẹ đã luôn ở cạnh con dù con phạm sai lầm. Cảnh trong phim Pachinko.
Nhân vật Sunja sinh trong một gia đình nghèo, nhưng may mắn có người cha yêu thương cô, người mẹ đã luôn ở cạnh con dù con phạm sai lầm (Trong hình: một cảnh phim Pachinko)

Cho nên, hãy an ủi chúng khi chúng buồn, khi chúng thất vọng, hãy ủng hộ con khi con muốn làm một điều gì đó, có thể là hơi điên rồ nhưng không gây hại cho ai. Hãy ở bên cạnh chúng khi còn có thể, khi ta chưa rời xa con và con chưa rời xa ta.

Đêm qua là một đêm thật dài cho ngôi nhà ấy, cho hai đấng sinh thành hẳn chưa thể nào chấp nhận được mất mát đột ngột này. Hãy an ủi họ, vì họ cần được bao dung để sống cuộc đời còn lại sau đau thương này.

Và hãy ôm con, hãy hôn con, nói với con rằng cha mẹ yêu con vô điều kiện.

Kim Ngọc (Bình Chánh, TPHCM)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI