Làm bạn với người già

15/06/2015 - 20:04

PNO - PN - Người già là một bộ phận đặc biệt trong xã hội. Có thể thấy những khác biệt về cách xã hội “cư xử” với người già theo từng vùng văn hóa và dân tộc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đó là sự độc lập và dựa trên quyền cá nhân của người cao tuổi trong nền văn hóa phương Tây, giúp họ “định đoạt” được cuộc sống và kế hoạch cho tuổi già của mình. Trong khi đó, người già trong nền văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng chịu nhiều áp lực trong những mối quan hệ ràng buộc gia đình, nhất là đối với thế hệ con, cháu. Sự khác biệt không có nghĩa người già ở nền văn hóa này tốt hơn ở nền văn hóa kia. Mỗi bối cảnh đều có những mặt lợi và hạn chế.

Chủ đề tâm lý người già chỉ mới được ngành tâm lý học tập trung khoảng vài mươi năm trở lại đây tại các nước phát triển (Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Âu). Ở các nước thu nhập thấp hoặc đang phát triển, vẫn còn nhiều giới hạn trong việc hiểu biết và trong những hoạt động, dịch vụ dành cho người già.

Chúng ta thỉnh thoảng bàn luận về những điều tốt đẹp dành cho ông, bà hoặc cha mẹ mình khi họ đến tuổi già. Tuy vậy những thói quen lâu năm hình thành trong văn hóa, cùng những hiểu biết hạn chế về người già có thể đã ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của họ.

Trong bối cảnh mà theo dự báo đến năm 2050, số người già trên toàn thế giới có thể lên đến hai tỷ người, và sớm tăng nhanh vượt qua số lượng trẻ em trong xã hội, các tác giả Yasamy, Dua, Harper, và Saxena đã đặt vấn đề trong bài viết mở đầu tập tài liệu về tâm lý học người cao tuổi được phát hành bởi Liên đoàn Sức khỏe tâm thần thế giới (WFMH, bản dịch của WE Link) như sau: “Người cao tuổi đối mặt với những thách thức sức khỏe.

Nhiều người tuổi tác quá cao mất đi khả năng sống một cách độc lập vì bị giới hạn về khả năng di chuyển, suy yếu và các vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần, cần phải có một số hình thức chăm sóc dài hạn. Trong những năm đầu của thế kỷ, vấn đề đó thể hiện rõ ràng ở Mỹ, với khoảng 20% người ở độ tuổi 55 trở lên bị rối loạn tâm thần. Sau đó, số liệu thống kê toàn cầu cho thấy đây là một vấn đề gần như phổ quát”.

Người già phải đối diện với những vấn đề gây ra lo lắng, buồn chán, thậm chí khủng hoảng khi bị mất khả năng độc lập về tài chính, cộng với việc bạn hữu lần lượt mất đi. Sự trầm trọng của vấn đề càng gia tăng đối với những người già sống trong hoàn cảnh gia đình không hòa thuận, thiếu vắng tình yêu thương, và có thu nhập thấp.

Lam ban voi nguoi gia

Nhìn chung, khi bước vào giai đoạn cao tuổi (55, 60 tuổi trở lên), người già gặp rất nhiều điều bất lợi như suy giảm sức khỏe thể chất, sa sút trí nhớ, trầm cảm và các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần. Thực tế này đòi hỏi xã hội cần có những chính sách, chương trình dành riêng cho người già. Người thân trong gia đình càng cần quan tâm nhiều hơn đối với người cao tuổi.

Dưới đây là một số gợi ý mà người thân trong gia đình có thể thực hiện nhằm mang lại cuộc sống chất lượng hơn cho người già:

- Tạo không gian thuận lợi cho người già khi trong gia đình có em bé. Điều này giúp người già giảm mặc cảm rằng mình đang làm phiền người khác, đồng thời giúp họ củng cố giá trị bản thân, tạo điều kiện cho người già tự làm những điều mình thích.

- Tăng cường cơ hội giao tiếp, nói chuyện với người già trong gia đình, đồng thời tôn trọng những mối quan hệ ngoài xã hội của họ. Đôi lúc vô tình, con cái thờ ơ hoặc lãng quên người già, và cho rằng họ giảm hoặc không còn nhu cầu như người trẻ. Dù lớn tuổi, những nhu cầu của con người vẫn tồn tại, theo dạng thức khác tùy từng giai đoạn.

- Quan tâm đến sở thích và nhu cầu giải trí của người già. Nên thu xếp không gian phù hợp, chẳng hạn nơi để trồng cây nuôi cá, viết sách, báo, đàn hát giao lưu hoặc các chương trình khác trong sinh hoạt cộng đồng.

- Tạo điều kiện và khuyến khích người già tham gia các hoạt động học tập phù hợp với sở thích và nguyện vọng. Đây có thể là những điều mà thời trẻ tuổi họ chưa thực hiện được như học đàn, thư pháp, viết lách, chăm sóc cây cảnh…

- Tạo cơ hội để người già truyền trao cho thế hệ sau những giá trị trong xã hội thông qua các buổi sinh hoạt gia đình, các ngày lễ truyền thống. Gia đình nên tổ chức những chuyến du lịch, về quê hương, thăm viếng những địa điểm văn hóa lịch sử.

- Không xem thường hay đánh giá thấp đóng góp của người già. Cần tạo cơ hội cho người già góp công sức giải quyết những vấn đề trong gia đình hoặc ngoài xã hội. Tuy nhiên, không nên tận dụng sức lực của họ. Chẳng hạn, không nên giao khoán cho người già việc nuôi dưỡng, chăm sóc em bé vì đây là công việc không hề nhẹ nhàng.

- Chú tâm chăm sóc chủ động về sức khỏe thể chất và tâm lý cho người già. Thường xuyên đưa ông, bà đến bác sĩ thăm khám để phòng ngừa hoặc can thiệp sớm bệnh tật. Giúp người già tiếp cận các dịch vụ tâm lý để chuẩn bị tinh thần trước những vấn đề khó khăn trong đời sống.

Nếu được người thân trong gia đình dành thời gian và quan tâm xứng đáng, sự hài lòng trong cuộc sống của người già hoàn toàn có thể được đảm bảo.

 NGÔ MINH UY

Chúng ta thỉnh thoảng bàn luận về những điều tốt đẹp dành cho ông, bà hoặc cha mẹ mình khi họ đến tuổi già. Tuy vậy những thói quen lâu năm hình thành trong văn hóa, cùng những hiểu biết hạn chế về người già có thể đã ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của họ.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI