Làm bạn với mẹ chồng vui lắm!

19/03/2022 - 05:44

PNO - Khi lấy chồng, thay vì đối phó “xã giao”, hay chịu đựng bỏ qua, tôi chọn xem mẹ chồng như một người bạn để tâm sự và tìm kiếm lời khuyên về mọi chuyện trên đời.

 

Mẹ chồng - nàng dâu mà “người ta tưởng là hai chị em”
Mẹ chồng - nàng dâu mà “người ta tưởng là hai chị em”

Sống với mẹ chồng rồi mới… đám cưới

Năm 24 tuổi - cái tuổi thật nhiều hoài bão và đam mê của một cô phóng viên trẻ - tôi quyết định lấy chồng. Sau đó, hầu như tôi mất hút khỏi những mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè để chuyên tâm chăm lo cho thai kỳ “cần phải cẩn trọng cả về thể chất lẫn tinh thần’’ như lời của bác sĩ sản thông báo.

Ngày tôi về nhà chồng là ngày tôi phát hiện mình đã mang bầu, trước hai tháng so với ngày cưới. “Có em bé rồi hả, rước về đây mẹ chăm, ở chi bên phòng trọ một mình, nguy hiểm lắm!’’- mẹ anh ấy đã nói vậy. 

Về nhà chồng với của hồi môn là ba chiếc xe ba gác đồ đạc chuyển từ bên phòng trọ và một chú chó, mẹ đón tôi ở cửa với nụ cười thật tươi. Sống với mẹ chồng rồi chúng tôi mới bàn tới chuyện đám cưới. Hầu như suốt cả thai kỳ, tôi chỉ việc ăn uống và dưỡng thai. Mẹ mua tất cả những món mà tôi thích, chăm lo cho tôi từ giấc ngủ đến bữa ăn. Tôi tận hưởng sự yêu thương và chăm lo của mẹ chồng đến nỗi tăng tới… 25 ký. 

Ngày tôi sinh con, mẹ và chồng tôi thay phiên chăm tôi trong bệnh viện vì đó là thời điểm dịch bệnh bùng phát, bà ngoại ở quê dù muốn cũng chẳng thể vào đỡ đần. Mỗi lần mình bừng tỉnh sau những giấc ngủ chập chờn vì tiếng khóc của con, hình ảnh tôi thấy luôn là bàn tay vội vã của bà nội khẽ bế và dỗ dành bé. Thấy tôi thức dậy, mẹ bảo: “Ngủ đi con, cho lại sức!”.

Những tháng ngày sau đó, hành trình làm mẹ của tôi đã thật sự nhẹ nhàng hơn khi có sự chăm lo của mẹ chồng. Bà giành ẵm bé mỗi đêm để tôi ngủ cho trọn vẹn. Buổi trưa, sau khi hoàn tất cơm nước, bà lại tranh thủ dỗ dành cháu. Vậy mà chẳng hiểu vì tâm lý bất ổn sau sinh hay bản tính thích suy diễn tiêu cực, tôi từng có lúc ích kỷ nghĩ rằng: “Bà muốn giành cháu nội nên không cho bé ở cạnh mẹ nhiều’’.

Những suy nghĩ tiêu cực thi nhau kéo đến và choáng ngợp tâm trí tôi. Tôi bắt đầu đâm ra khó chịu và bực dọc vì những chuyện không đâu: Bà nêm đậm vị món ăn tôi thích, bà khẽ trách khi tôi mặc tã chậm cho con, bà vô ý bới tô cơm đầy… Tất tần tật đều khiến tôi hậm hực. Tuy nhiên, tôi chỉ dám phản đối trong lòng. Tôi tự giày vò bản thân với những điều không hài lòng dành cho mẹ.

Con được bốn tháng, lần đầu vợ chồng tôi cãi nhau to. Can ngăn mãi không được khi tôi cứ đùng đùng xách vali đòi bỏ đi, mẹ chỉ thở dài và bảo: “Nếu con đi, mẹ sẽ không cho con gặp cháu nữa’’.

Vợ chồng tôi làm hòa không lâu sau đó. Ấy thế mà câu nói bất lực ngay cổng nhà ấy của mẹ cứ theo đuổi và ám ảnh tôi. Từ ngày tôi nghe được câu nói ấy từ mẹ chồng, tôi bắt đầu đâm ra ác cảm và nghĩ tiêu cực cho bà nhiều hơn - dĩ nhiên đó là những suy nghĩ được giấu kín. Có thể đôi lúc bà cũng biết, vô tư sao được khi nhìn mặt đứa con dâu cứ hằm hằm và im lặng mỗi lúc bà đụng vào cháu nội. Nhưng bà vẫn lẳng lặng quan tâm và giúp đỡ tôi mọi chuyện trong nhà.

Có lẽ tôi vẫn trầm mình trong bãi bùn lầy của tiêu cực và những điều tồi tệ nếu như một ngày không vô tình nghe được cuộc trò chuyện của bà với ai đó: “Con dâu hay con ruột cũng là con. Cha mẹ nuôi mấy chục năm ròng chưa báo đáp được đã phải lấy chồng. Nặng nề chi hai chữ con dâu mà làm khó dễ”. Giây phút đó, sống mũi tôi chợt cay, mắt tôi ươn ướt. Tôi bừng tỉnh hệt như một thời gian dài sống trong những cơn mê.

Mẹ chồng trông cháu nội để con dâu (tác giả) làm việc
Mẹ chồng trông cháu nội để con dâu (tác giả) làm việc

Để người ta tưởng hai mẹ con là hai chị em 

Sau khoảnh khắc ấy, có nhiều đêm tôi đâm ra mất ngủ khi nhớ lại những suy nghĩ tồi tệ mà mình đã gieo cho mẹ. Tôi thấy mình sai khi quy chụp và suy diễn những điều không hay trong khi mẹ vẫn một lòng một dạ chăm sóc và yêu thương hai mẹ con tôi. Tôi tập theo mẹ đi chùa, nghe kinh kệ. Học cách sống chậm lại, nhìn vào bên trong, vị tha và gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu.

Không có nhiều bạn bè, cũng không hay liên lạc với đồng nghiệp, tôi chọn xem mẹ chồng như bạn - một người bạn đúng nghĩa để tâm sự, để sẻ chia. Tôi kể cho bà nghe những câu chuyện mình biết, những vấn đề tôi gặp ở bên ngoài, thậm chí là những khúc mắc, bất hòa giữa hai vợ chồng. Những khi ấy bà ngồi im lặng lắng nghe rồi cho tôi lời khuyên hữu ích.

Những ngày rảnh rỗi, mẹ con tôi cùng nhau ngồi xem phim, cùng nấu những món ăn cả hai thích. Tôi chẳng nhớ trong tủ quần áo của mẹ chồng bây giờ có chính xác bao nhiêu món “đồ đôi’’ với tôi. Tôi vẫn hay cười tít mắt bảo rằng: “Để người ta tưởng hai mẹ con mình là hai chị em’’. 

Ngày rằm tháng Giêng, bà đi chùa và mang về cho mẹ con tôi hai bộ đồ lam rồi tấm tắc khen đẹp. Giây phút đó, tôi thấy những hờn giận, tiêu cực hồi trước nhẹ tênh, như thể nó chưa từng tồn tại. Cụm từ “mẹ chồng - nàng dâu’’ biến mất, chỉ còn sự chân thành, khắng khít và những kỷ niệm thật đáng yêu. Tôi tự nhủ với lòng sẽ phải dành thật nhiều điều tốt đẹp cho bà để xoa dịu cảm giác cắn rứt vì những cảm xúc tồi tệ mình từng nghĩ về mẹ.

Có lẽ vì tôi xé bỏ rào cản để xem mẹ chồng như bạn, nên bà cũng mở lòng tâm sự và sẻ chia với tôi nhiều hơn. Những bữa cơm trưa của hai mẹ con từng kéo dài đến tận đầu giờ chiều vì tôi không nỡ cắt ngang dòng kể về những hồi ức thời tuổi thơ của mẹ, về những kỷ niệm đẹp ngày con gái, về cuộc hôn nhân như địa ngục suốt 20 năm mẹ từng chịu đựng. Mẹ tâm sự với tôi về chuyện đời, về những va vấp mẹ từng nếm trải, dạy tôi thật nhiều về cách cư xử với mọi người, về cách thứ tha, bao dung để tận hưởng từng phút giây mà mình được sống. 

Ngày tôi thông báo sẽ nộp đơn xin nghỉ việc cũng là ngày cận tết, bà ngồi lặng yên nghe tôi kể về những áp lực, những bức bối tôi đã gánh chịu nơi công sở. Lát sau, bà nhẹ nhàng bảo: “Mẹ lúc nào cũng cố gắng chăm sóc cháu để con an tâm làm việc. Nhưng nếu áp lực quá thì về nhà nghỉ ngơi, gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc của con, đừng lo ngại điều gì cả’’. 

Trong khoảnh khắc ấy, tôi thực sự biết rằng: Ngoài gia đình tôi sinh ra, trên cuộc đời này còn một mái ấm khác luôn yêu thương và chở che tôi vô điều kiện. Ở nơi đó, bão giông hay những tất bật, bon chen sẽ mãi dừng chân nơi cánh cửa.

Ngày chưa lập gia đình, tôi từng khẳng khái bảo với bạn bè: Tại sao phải sợ sống chung với mẹ chồng. Sao không thử thương yêu mẹ chồng như mẹ ruột. Không có mẹ chồng thì làm sao có chồng để mình nương tựa, chở che. Tôi nhận ra, cuộc hôn nhân này không chỉ cho mình một gia đình hạnh phúc, mà còn là nhận thức mới về cuộc sống, cách để bản thân vượt qua những vấn đề tiêu cực và tận hưởng trọn vẹn sự bình an.

Làm bạn với mẹ chồng là khi ta phải tự mình cởi bỏ những xiềng xích, định kiến và khoảng cách mà không biết vô tình hay cố ý, chúng ta đã dựng xây lên. 

Làm bạn với mẹ chồng là xây dựng một mối quan hệ với gốc rễ là sự chân thành và thật nhiều yêu thương. Muốn được mở lòng, đừng ngồi im chờ đợi, hãy làm điều đó trước. 

Tuệ Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI