Làm bạn với con dễ hay khó?

26/07/2019 - 14:00

PNO - Người lớn dễ cậy vào kiến thức, kinh nghiệm sống để bắt con vâng lời, tước quyền suy nghĩ và nêu chính kiến của con. Thế nên mới có chuyện con lập mạng xã hội mà không kết bạn với cha mẹ.

Trước thực trạng xã hội đang “nóng” với những vụ xâm hại tình dục trẻ em, Công ty Young Media xây dựng và thực hiện dự án vì cộng đồng “Giáo dục giới tính - chưa bao giờ là quá muộn”. “Làm bạn với con - dễ hay khó?” là chuyên đề mở đầu cho chuỗi chuyên đề “Trò chuyện với con về giới tính, tình dục là “tiếp tay” cho việc trưởng thành sớm?", “Bạo lực và xâm hại trẻ em - hồi chuông báo động trong xã hội Việt Nam hiện nay”, “Khi nào thì con sẵn sàng cho tình dục?”…

Đồng hành với dự án có sự tham gia của các diễn giả: chuyên gia tâm lý - tiến sĩ Lý Thị Mai, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp Nguyễn Lê Anh, đại sứ người mẫu Dương Yến Ngọc, hiệu trưởng Nguyễn Thanh Mai… 

Trong khuôn khổ dự án còn có nhiều buổi chia sẻ cho phụ huynh, trẻ em và bạn trẻ trước ngưỡng hôn nhân. Doanh nhân Võ Thụy Huyền Linh (Giám đốc công ty Young Media) mong muốn: “Thông qua dự án, các bậc phụ huynh và trẻ phá bỏ rào cản tư tưởng, sự tế nhị khi đề cập đến, nhìn nhận vấn đề để có hướng chia sẻ, giúp trẻ yêu thương, bảo vệ bản thân cũng như tôn trọng người khác. Young Media rất mong nhận được sự chung tay của nhiều đơn vị để dự án được dài hơi và vươn đến tận vùng sâu vùng xa, để cùng lên tiếng đẩy lùi nạn xâm hại tình dục, bảo vệ những mầm non tương lai, mang đến cho các em một tuổi thơ tươi đẹp”.

Tìm hiểu thêm thông tin về dự án, bạn đọc liên hệ: www.facebook.com/Nói - Chuyện - Giới - Tính,  điện thoại: 0909 001 361.

Từng sống ở Pháp nhiều năm, nghệ nhân ưu tú Hồ Thanh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Ngọc trai Hoàng Gia - thời gian đầu từng bị sốc với văn hóa ứng xử trong gia đình người Pháp, con cái có thể ngang nhiên cặp vai bá cổ, ăn nói ngang hàng với người lớn, thẳng thừng bày tỏ chính kiến, thậm chí ngỗ ngược. 

Lam ban voi con de hay kho?
Ảnh minh họa

Về Việt Nam, anh áp dụng một phần văn hóa hấp thu được vào gia đình mình: không dùng quyền làm cha để la rầy, áp đặt, bắt ép con cái thực hiện ý muốn của mình, mà gì cũng phải thương lượng, giải thích, bàn bạc. Có buổi sáng, cha con thương lượng đến nửa tiếng đồng hồ chỉ mỗi việc đi bơi hay đạp xe. Cha mẹ anh kịch liệt phản đối điều này. Họ bảo cha đặt đâu thì con chỉ việc ngồi đó, cấm cãi. Nhưng dần dà, nhìn thấy sự trưởng thành, ý thức tự giác của cháu, chính cha mẹ anh Tuấn đã bỏ phiếu thuận cho cái cách mà anh gọi là “làm bạn với con”.

Nói với mẹ là… thất bại!

Đến với chuyên đề “Làm bạn với con - dễ hay khó?” tại trường TH - THCS - THPT Việt Mỹ (VASS) trong chuỗi hoạt động của dự án vì cộng đồng “Giáo dục giới tính - chưa bao giờ là quá muộn”, do Công ty Young Media tổ chức, anh Tuấn khẳng định làm bạn với con cực kỳ khó do nhiều rào cản.

Theo anh Tuấn, sai lầm lớn và khá phổ biến của cha mẹ là tự cho mình cái quyền bận rộn, ngay cả khi con cần họ nhất. Từ đó, phụ huynh cứ qua loa, thoái thác khi con muốn bắt chuyện hoặc lên tiếng nhờ cha mẹ cùng chúng tháo gỡ một vấn đề nào đó. 

Nhiều người cũng quan niệm chỉ dành thời gian bên con là đủ, bất kể sự tương tác hiệu quả hay kém chất lượng. Ví như khi dẫn con đi tiệc, cha mẹ cho rằng họ đã dành thời gian cho con, mà không cần biết đứa trẻ có thực sự thích điều đó hay không. 

Nhìn con phấn khích với một bản nhạc sôi động hay một game khó, cha mẹ không cùng trải nghiệm để hiểu vì sao con lại đam mê nó đến thế. Khi không đủ sức chạy theo con, cha mẹ lại tự dối mình bằng cách ngăn cấm: “Thôi, dẹp đi. Mấy thứ đó không tốt đâu con!”.

Lam ban voi con de hay kho?

Ảnh minh họa

Làm bạn mà nửa vời, thiếu kiên nhẫn, áp đặt, thậm chí đánh đập thì sao có thể làm bạn của nhau được? Có trẻ bộc bạch mình bị “lừa”, ban đầu cha mẹ vào vai một người bạn biết dỗ dành, để con tiết lộ những tâm tư sâu kín. Nhưng khi đã bắt được điểm yếu, “bạn” lại hiện nguyên hình là bậc bề trên để la mắng và quở phạt con. 

“Làm bạn với con - dễ hay khó?”, có thể trả lời được ngay rằng cái khát khao “được là bạn” ấy, nó mãnh liệt cỡ nào. Cha mẹ có sợ “mất bạn” không? Cha mẹ có tôn trọng “luật chơi” không? Tại sao cha mẹ chưa làm bạn với con được, trong khi các bạn của con lại làm “dễ ợt”? 

Chị Hoàng V. (37 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận TP.HCM) hụt hẫng khi tình cờ nghe con nói với bạn: “Có chuyện gì mày cứ kể với tao, đừng nói với mẹ. Tao rút kinh nghiệm rồi, nói với mẹ là thất bại”. 

Hỏi vì sao con giấu nhẹm mọi chuyện với mẹ, con ngậm tăm không trả lời, và ngọn roi lên tiếng. Đánh con xong, chị òa khóc như một đứa trẻ. Sợ cha mẹ la mắng, lo âu, hoặc nhúng tay vào sẽ đẩy sự việc đi xa hơn, con chọn cách im lặng. Thực tế, không ít vụ trẻ bị dọa nạt, bạo hành, xâm hại tình dục, thậm chí mang thai suốt thời gian dài mà không dám thổ lộ với cha mẹ. Đó là bạn chưa cho con đủ sự gần gũi, tin cậy, và cả cơ hội để sẵn sàng bày tỏ.

Kết bạn với con có... hạ thấp mình?

Nhiều phụ huynh khi nhắc đến “làm bạn với con” đã tỏ ý e sợ con sẽ ngang hàng mình, thiếu lễ độ và không còn cư xử đúng mực. 

Lam ban voi con de hay kho?

Ảnh minh họa

Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Tâm Nhàn - giảng viên trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - chia sẻ: “Bạn” ở đây là một người có thể lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành, giúp đỡ. Phụ huynh dành thời gian cho con, quan tâm, gần gũi, cùng con hoặc để con tự giải quyết vấn đề. Hiểu biết của trẻ còn hạn chế, cảm xúc còn bồng bột, nhưng vẫn muốn độc lập và tự khẳng định mình. Trẻ rất cần người bạn lớn bên cạnh để định hướng, dẫn dắt. Người bạn lớn khuyến khích, động viên, nhắc nhở người bạn nhỏ những giới hạn mà con không thể vượt qua, và giải thích vì sao. Để hiểu và tương tác tốt với con, phụ huynh hãy hồi tưởng giai đoạn mình còn ấu thơ, vào độ tuổi con mình hiện tại, để gặp lại những cảm xúc và hồi đáp từ cha mẹ mà mình từng khao khát…”. 

Người lớn dễ cậy vào kiến thức, kinh nghiệm sống để bắt con vâng lời, tước quyền suy nghĩ và nêu chính kiến của con. Thế nên mới có chuyện con lập mạng xã hội mà không kết bạn với cha mẹ. 

Thực ra, chữ “bạn” chỉ là một cách nói, mượn chữ “bạn” để nhắc cha mẹ chỉ là vai trò, chứ không phải là một “thế lực” áp đảo con mình. Khi đó, các con sẽ tự giác chia sẻ, kết nối với cha mẹ, và tự hào: “May mà mình có cha mẹ bên cạnh để hỏi chuyện”. Nhờ thế, cha mẹ càng cải thiện vị thế và rút ngắn khoảng cách với con. 

“Ba ơi! Con có nên yêu không?”, đứa con trai tuổi mười tám, là du học sinh, không ngần ngại tâm sự với anh Thanh Tuấn. Không như nhiều phụ huynh gạt phăng “con còn nhỏ, lo đi học chứ yêu đương gì”, anh lắng nghe con giới thiệu về cô gái ấy và kể lại chuyện tình ngày xưa của mình. 

Cha con trao đổi qua mạng hồi lâu, tự con anh quyết định duy trì tình bạn, tạm thời chưa thể "nâng cấp" lên tình yêu, vì phải ưu tiên cho nhiều kế hoạch phát triển bản thân. Anh Thanh Tuấn đúc kết, để gắn kết tình thân thì cha mẹ nên cùng chơi với con một môn thể thao mà con thích và duy trì hằng tuần. Tìm vài câu chuyện xảy ra với mình mỗi ngày để kể cho con nghe, khi đó con sẽ tự động tìm chuyện kể lại cho cha mẹ nghe. Dần dà, các thế hệ sẽ tìm được tiếng nói chung, cánh cửa dần hé mở, và họ sẽ gặp được nhau trên cùng một con đường.

Từ sự cố suýt bị bắt cóc thời học cấp I, thạc sĩ Nguyễn Thanh Mai - Hiệu trưởng trường TH - THCS - THPT Việt Mỹ (VASS) - càng được cha mẹ chỉ dạy cặn kẽ kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, giáo dục giới tính…

Khi trở thành mẹ của cậu con trai duy nhất, hơn ai hết, cô Thanh Mai hiểu giá trị của sự gắn kết, đồng hành với con trong việc học tập, vui chơi, phát triển năng khiếu. Không chỉ làm bạn với con mình, cô giáo Mai còn làm bạn với… “con nhà người ta” - là những học sinh của trường, những bạn nhỏ thông qua mạng xã hội nhờ cô tư vấn tâm lý. 

Sau khi nắm được câu chuyện, cô kết nối với phụ huynh vào thời điểm phù hợp, giúp phụ huynh học cách kiên nhẫn cùng con. 

Cô Thanh Mai chia sẻ bốn nguyên tắc đồng hành cùng con: “Tôn trọng trẻ như một người trưởng thành, gõ cửa trước khi vào phòng con, khuyến khích con tự giải quyết, con được trao quyền, mẹ không ra lệnh; động viên, khuyến khích, dành phần thưởng cho con. Cùng con tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm ngoài trời: du lịch, đi công viên, siêu thị, nhà sách…; không nuông chiều con, không tạo cho con tính ỷ lại, và suy nghĩ cha mẹ phải làm hết mọi việc vì cha mẹ là người lớn”. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI