Làm bạn cùng con - đừng để đồng hành thành... đồng phạm: Những ranh giới mong manh

17/06/2024 - 14:42

PNO - Xuất phát từ tình yêu thương, muốn con nghĩ mình luôn “theo phe, chung đội” với con trong mọi tình huống, nhiều cha mẹ vô tình trở thành đồng phạm cho những hành vi sai trái của con mà không hay.

Trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ đóng vai trò quan trọng như những người đồng hành, dìu dắt con từng bước. Tuy nhiên, ranh giới giữa đồng hành và đồng phạm với con đôi khi rất mong manh, tùy thuộc vào sự lựa chọn phương pháp giáo dục của phụ huynh.

Đôi bạn cùng tiến

Đi học về, thấy chiếc điện thoại yêu thích biến mất, biết mẹ giấu, Vinh giận dữ giật bay cánh cửa tủ và gào thét truy vấn mẹ. Chị Đào Thị Thanh Loan - Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam, mẹ của Vinh - sợ hãi trước cơn giận dữ không kiềm chế của cậu con trai lớp Chín.

Mẹ con chị Loan đã trải qua quãng thời gian đầy khó khăn khi chị gặp khủng hoảng sau ly hôn, còn con trai bước vào tuổi dậy thì. Nhưng nay, Vinh và mẹ là 2 người bạn có thể chia sẻ, tâm sự mọi buồn vui.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị Loan nhớ lại: “Hôm con giật bay cửa tủ, tôi hoảng quá, sợ con làm liều, nên bắt đầu đọc sách báo, tham gia những hội nhóm, gặp chuyên gia tâm lý để tìm hiểu điều gì đang xảy ra với con. Tôi nhận ra là con tôi vẫn bình thường như bao đứa trẻ đang dậy thì khác. Suy nghĩ này giúp tôi nhẹ lòng và tôi hiểu con cần sự đồng hành, gần gũi của mẹ hơn là những nguyên tắc cứng nhắc: không được xem điện thoại, không được chơi game…”.

Chị Loan đã trả điện thoại lại cho con và lắng nghe con như một người bạn. Thế nhưng, cơn bão dậy thì chưa qua thì biến cố khác ập đến: Vinh rớt nguyện vọng 1 trong kỳ thi tuyển sinh lớp Mười. Chị Loan theo sát động viên con. Khi Vinh thổ lộ với mẹ “mới quen bạn gái qua mạng ở Đà Lạt”, chị Loan liền rủ con đi du lịch Đà Lạt, tạo cơ hội để mẹ con gần gũi, hiểu nhau hơn. Tâm lý hơn, khi lên đến Đà Lạt, chị Loan cho con tự do đi chơi với bạn gái và chị còn tư vấn, dẫn con mua quà tặng bạn gái.

Sau chuyến đi này, chị Loan đã tiến một bước dài trong việc kết nối với con trai. Chị Loan còn tập chơi game để mẹ con “đấu” với nhau. Giữa 2 mẹ con đã không còn khoảng cách. Và khi chị quyết định lên quận 1 thuê nhà trọ sống để Vinh được học ở ngôi trường yêu thích thì chàng trai đã thật sự cảm nhận được hết sự yêu thương, hy sinh của mẹ dành cho mình. Hiện Vinh chuẩn bị vào lớp Mười hai.

Mẹ con chị Loan đang là đôi bạn cùng tiến: con trai cố gắng học, còn mẹ luôn phấn đấu trong công việc. Chị Loan chia sẻ: “Mẹ con tôi luôn đồng hành cùng nhau trong mọi việc. Tôi còn là chuyên gia tình yêu của con. 2 mẹ con đặt mục tiêu đơn giản nên không áp lực với bất cứ điều gì. Quan trọng là mỗi ngày mẹ con đều vui”.

Vợ chồng chị Hồng Trang, ở phường An Lạc, quận Bình Tân thì có kinh nghiệm làm “fan cuồng” khi đồng hành với sở thích của con. Chị Trang kể: “Con gái tôi học lớp Năm, rất mê nhóm nhạc BlackPink của Hàn Quốc. Bé thích sưu tầm card (hình) và phụ kiện của idol (thần tượng). Vợ chồng tôi không cấm con thích idol, vì ngày xưa mình cũng thế. “Chúng tôi biến đam mê của con thành động lực như treo thưởng điểm cao, làm việc nhà giỏi sẽ được tặng card” - chị nói.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Vợ chồng chị Trang xem thông tin về nhóm nhạc để có chất liệu, cùng “đẳng cấp” mà nói chuyện với con. Ngoài ra, cả nhà còn tập nhảy một số bài hát của BlackPink để thỉnh thoảng vợ chồng con cái cùng “nhảy cho vui”. Khi nhóm BlackPink tổ chức show diễn ở Hà Nội, con chị Trang cũng đòi đi xem show, nhưng chị phân tích cho con hiểu số tiền vé vượt quá khả năng của gia đình. Ngày diễn ra show tại Hà Nội, cả nhà chị Trang đến studio chụp ảnh gia đình với concept đen hồng (biểu tượng của nhóm nhạc BlackPink). Món quà bất ngờ này khiến con gái chị rất hạnh phúc.

Thương con như thế bằng mười hại con

Xuất phát từ tình yêu thương, muốn con nghĩ mình luôn “theo phe, chung đội” với con trong mọi tình huống, nhiều cha mẹ vô tình trở thành đồng phạm cho những hành vi sai trái của con mà không hay.

Mới đây, diễn viên L.D.B.L. đã phải xin lỗi sau khi vấp phải chỉ trích của cộng đồng mạng vì quá chiều chuộng con. Trong video đăng trên mạng xã hội vào tháng 5/2024, con gái 4 tuổi của nam diễn viên khóc, đòi con gấu bông của một nhân viên, dù người này cho biết đó là món quà mua tặng cho người thân.

Thay vì giải thích cho con hiểu, nam diễn viên lại buộc nhân viên mang gấu bông cho con gái chơi: “Mai mua con khác trả lại, bao nhiêu tiền thì trả lại. Đừng để con buồn hay giận”. Nhân viên đã phải đưa gấu bông cho con gái của diễn viên B.L. chơi. Sau khi tiếp thu nhận xét của nhiều người, nam diễn viên thừa nhận mình đã sai trong cách dạy con và hứa sẽ nghiêm khắc hơn với con.

Có những hành xử của cha mẹ đã tạo nên tính cách, lối sống ích kỷ của con, khiến con khó hòa nhập với tập thể. Mai T. - nữ sinh lớp Mười một ở quận 8 - từ bé đã được mẹ dạy “đi xe phải nhanh chân lên ngồi hàng đầu cho khỏe”. Vì vậy, hiện nay ở tuổi 16, nhưng T. vẫn giữ thói quen giành ghế khi đi tàu xe và không bao giờ nhường ghế.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Còn chị Ngọc H. - nhân viên sale của một sàn bất động sản - bị cô chủ nhiệm của con gái (học lớp Sáu) mắng vốn “con quay cóp khi thi học kỳ II”. Bé N. đã chép công thức toán vào nắp viết và bị bắt quả tang. Về nhà, chị tức giận mắng con thì bé N. nói: “Hồi nhỏ mẹ dạy con quên công thức thì ghi vào tay mà. Lần này công thức nhiều quá, con mới ghi vô nắp viết”. Lúc này chị H. mới sững người, bởi mình đã “vẽ đường cho hươu chạy”.

Còn chị Mỹ P. - chủ một shop mỹ phẩm ở quận 3 - cũng vô tình trở thành đồng phạm với con sau khi giúp sức con qua mặt thầy cô. Dịp tết 2023, cô con gái học lớp Tám của chị nhuộm tóc màu xám khói. Đến khi vào học trở lại, con chị không muốn tẩy màu tóc, trong khi quy định của trường không cho nhuộm tóc.

Vì vậy, chị P. nảy ra “sáng kiến” nói dối cô chủ nhiệm là con bị rối loạn tâm lý và “phác đồ” điều trị là cho con được làm điều con thích, trong đó có nhuộm tóc. Lời nói dối của chị P. giúp con gái đến trường với đầu tóc nhuộm “hợp pháp”. Tuy nhiên, sau đó, học sinh trong trường râm ran tin đồn “con M.H. (con gái chị P.) bị thần kinh”.

Từ rối loạn tâm lý giả, con chị P. đã bị rối loạn tâm lý thật. Lúc này, chị P. mới cảm thấy hối hận vì mình thương con mà thành ra hại con.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI