|
Thạc sĩ Mỹ Hạnh cùng con gói bánh tét tặng người nghèo vào dịp tết Nguyên đán |
Thấy bé N. đang hí hoáy chép phạt vì quên mang theo dụng cụ học tập trong giờ toán, chị P. (quận Gò Vấp) giật tờ giấy, nói sẽ viết giúp con. Cậu bé lo lắng sẽ bị cô giáo phát hiện, chị P. trấn an con rằng sẽ cố gắng viết chữ xấu giống chữ con để “qua mặt” cô.
Không làm giùm con như chị P., khi cô giáo gọi điện nhắc nhở con trai mình hay có thói quen văng tục, chửi thề, thay vì khuyên bảo con, chị H. (quận 12) lại chỉ cách con “chối tội” để cô không bắt bẻ được. Hỏi chị vì sao lại dạy con cách “khôn lỏi” như vậy, chị H. cho rằng con nít đôi khi hay bắt chước theo bạn, nói dăm ba câu cho vui miệng, vài bữa lại quên ngay ấy mà.
Cũng kiểu thương con mù quáng như vậy, chị T. lại “đồng hành” với con theo kiểu bất chấp nội quy, miễn sao con cảm thấy vui là được. Số là con chị khá cá tính, thích xăm mình và bấm lỗ, đeo nhiều hình thù kỳ dị ở tai nên chị phải chạy vạy khắp các phòng khám y tế, tìm cách làm giấy xác nhận bé bệnh, phải để tóc dài phủ tai, đội nón trong giờ học. Tất cả chỉ nhằm thỏa mãn sở thích của con.
Anh Q.L. (quận Tân Phú) có con trong độ tuổi cặp kê nên anh “làm bạn” với con bằng cách cho con trai mượn chiếc SH để đi chơi với bạn gái, dù con chưa đủ tuổi và không có bằng lái.
Những cách đồng hành với con như vừa kể sẽ tạo ra sự thân thiện, gần gũi, kéo gần khoảng cách giữa 2 thế hệ. Con cũng xem cha mẹ như bạn bè nên dễ dàng tâm sự chuyện buồn vui. Dành thời gian cho con, hạ thấp vai mình xuống để đi cùng con, xỏ “đôi giày” của mình vào vị trí của con để “đọc vị” cùng tần số với con, đồng hành cùng con. Đó quả thật là những nỗ lực để vun đắp tình cảm với con.
Tuy nhiên, ranh giới giữa đồng hành và đồng phạm quá mong manh, nếu như chúng ta mang danh tình yêu thương để cho phép mình vượt ranh giới của đạo đức, pháp luật, cũng như các chuẩn mực xã hội.
Thương con và luôn mong muốn mang đến những điều tốt nhất, thuận lợi nhất cho con là bản năng của những bậc làm cha mẹ. Chứng kiến con mình gặp khó khăn, gặp áp lực, thất bại thì hầu như cha mẹ nào cũng muốn vươn vai ra mà hy sinh, gánh vác, làm giúp hết thay con. Thế nhưng liệu sự “đồng hành” này của các vị sẽ giúp các con trưởng thành hay sẽ tạo ra những đứa trẻ dựa dẫm, ích kỷ? Rồi khi gặp những điều không như ý, các con sẽ dễ dàng vượt rào, phá vỡ các quy tắc vì đã được ba mẹ “bật đèn xanh”.
Chúng ta cần hiểu, đồng hành cùng con là:
Việc của con hãy để con làm. Chỉ rõ cho con thấy việc nào của cha mẹ, việc nào thuộc về cá nhân con; trong đó, vệ sinh, chăm sóc bảo vệ cơ thể, việc học tập là thuộc việc riêng tư do chính con trực tiếp làm, không ai làm thay được. Khi con gặp khó khăn hoặc chưa giỏi, cha mẹ có thể hướng dẫn, kiên nhẫn chỉ dẫn, song tuyệt đối đừng làm thay.
Lỗi của con, con phải sửa và chịu trách nhiệm. Mỗi đứa trẻ đều học được bài học từ cái sai, lớn lên và trưởng thành hơn qua thất bại, từ đó điều chỉnh mình để thích ứng hoặc ứng phó phù hợp. Do vậy, cha mẹ hãy cứng rắn để con có đủ thời gian nhận ra cái sai ở đâu, làm thế nào để giảm thiểu thiệt hại, cách nào khắc phục hậu quả. Khuyến khích con nêu ra ý kiến của mình, gợi ý con phân tích nhiều chiều, hậu quả và hiệu quả trong từng cách giải quyết lỗi.
Con có thể làm gì trong năng lực của mình và cần cha mẹ hỗ trợ gì. Việc của cha mẹ trong lúc này là tin tưởng con, tạo điều kiện cho con sửa lỗi và trao quyền cho con thực hiện.
Cuộc đời là của con, mọi quyết định thuộc về con. Trong mắt cha mẹ, con cái mình vẫn luôn còn nhỏ dại, nên trong sâu thẳm vô thức, cha mẹ thích con mình ngoan, nghe lời. Từ nhỏ, con cái với năng lực còn hạn chế sẽ lệ thuộc vào ta, nhưng khi con lớn lên, cha mẹ cần học cách buông tay, bỏ xuống sự kiểm soát, học cách chấp nhận sự khác biệt rằng mình không thể sống cuộc đời của con được.
Nếu con hỏi ý kiến, ta cũng chỉ có thể nêu góc nhìn của mình, không có đúng sai, mọi quyết định vẫn thuộc về con.
Đồng hành cùng con chung quy lại là đứng bên cạnh con làm chỗ dựa tinh thần với nguyên tắc làm bạn: tin tưởng - tôn trọng - quan tâm - yêu thương. Đừng bị con kéo vào để phạm lỗi. Hãy kiên trì làm đúng vai định hướng của mình.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
“Dành thời gian chất lượng cho con” “Chồng tôi công tác trong ngành công an, còn tôi là giáo viên lại có thêm nghề tay trái làm bánh nên công việc khá bận rộn. Tuy nhiên, gia đình tôi luôn có thời khóa biểu cố định dành cho 2 con (6 tuổi, 9 tuổi). Từ thứ Hai đến thứ Sáu, mẹ và con sẽ gặp nhau vào buổi trưa lúc tan trường. Thời gian này, tôi cho con ăn uống, nghỉ trưa. Buổi chiều, sau khi bé tan học, mẹ con cùng chạy bộ, nhảy dây, đánh cầu, chạy xe đạp ở sân chùa, sân trường… Buổi tối, mẹ và con chuẩn bị bài cho hôm sau. Khoảng 20g30, mẹ con cùng vào giường. Trước khi ngủ, tôi sẽ kể chuyện hoặc cho con nghe từ điện thoại. Tôi hỏi con bài học sau khi nghe xong chuyện, rồi cả nhà cùng nói lời cảm ơn, xin lỗi nhau. Cuối tuần, con xem mẹ làm bánh, rồi mẹ con nhặt lá cây khô làm hình con này con kia, nặn đất sét, đi siêu thị, nhà sách, học bơi. Tôi quan niệm thời gian dành cho con nhiều hay ít không quan trọng bằng chất lượng ở bên nhau. Khi chơi với con là tôi dẹp điện thoại hay việc riêng. Vì vậy, dù 30 phút hay 1 giờ thì mẹ con cũng làm được rất nhiều việc. Bé muốn xem ti vi, điện thoại phải xin phép và có giới hạn thời gian, thưởng phạt rõ ràng. Nếu bé xem điện thoại nhiều hơn quy định, sẽ chịu phạt không được xem vào ngày hôm sau; còn đi học được cô khen, sẽ được tặng 1 bông hoa bằng 10.000 đồng. Bé có thể dùng để mua món yêu thích. Tuy rất thương con, vợ chồng tôi xác định rõ không chiều con bất chấp. Lê Thị Kiều Trang | Vợ chồng chị Kiều Trang và 2 con | |
|
“Mẹ ơi đừng chiều con quá!” Con luôn rất tự hào và hãnh diện khi có một đồng minh - chính là người mẹ “xì tin” của con. Khi các bạn than phiền về việc mẹ bạn cứ lên phòng rồi lại cằn nhằn phòng bừa bộn, con lại tự hào khoe: “Mẹ tui hổng có như mẹ bà đâu, phòng tui bừa bộn là mẹ sẽ tội nghiệp tui học tập mệt mỏi, không có thời gian dọn dẹp, mẹ sẽ dọn sạch sẽ giùm tui luôn đó” hay “Mẹ tui cho tui xem điện thoại xả stress phủ phê luôn. Thấy mẹ tui tâm lý chưa”. Các bạn sẽ ồ lên ghen tị với con, làm con cảm thấy thật may mắn có người mẹ như vậy. Mẹ nhiều lần bao che cho con: nào là lười đi học nên mẹ xin phép cho nghỉ, giúp con che đậy vụ con nhuộm tóc, nhắn tin xin cô giáo để con trốn làm bài. Đỉnh điểm là việc mẹ để con chạy xe máy dù chưa đủ tuổi. Con có học lóm cách chạy xe máy, mấy lần con đòi lấy xe chạy, nhưng mẹ cản. Nhưng rồi con đòi riết, mẹ cản yếu dần rồi… làm lơ. Mỗi khi thấy mẹ tất bật, con lại xung phong chạy xe đi rước em trai. Chiến lược của con là ngoan ngoãn phụ mẹ công việc để mẹ yên tâm, rồi sẽ thường xuyên mượn xe chạy đi chơi, khoe với bạn. Mẹ cũng quen dần việc con chạy xe, có khi còn nhờ con đi mua đồ. Có lần mẹ khoe với bạn rằng con tuy nhỏ tuổi nhưng chân dài, tay lái lụa. Một tối con đi chơi, đang trên đường về thì các chú cảnh sát giao thông gọi vào. Con đổ mồ hôi, tim đập thình thịch không biết rồi mình sẽ ra sao. Nhưng rồi chú cảnh sát chỉ yêu cầu con kiểm tra nồng độ cồn. Lúc này con mới thở phào vì các chú không phát hiện ra con chưa đủ tuổi. Sau khi thoát hiểm trót lọt, con gửi tin nhắn thú thật với mẹ: “Hú hồn mẹ ơi, suýt chút là mẹ con mình bị phạt. Nếu không phải là thổi nồng độ cồn mà kiểm tra giấy tờ xe hay giấy phép lái xe thì mẹ con mình tiêu rồi”. Từ vụ đó, con chợt hiểu ra, mình cứ được nuông chiều như vậy, không ổn chút nào. Nếu mẹ khắt khe với con hơn, đừng chiều con quá thì con cũng sẽ có niềm tự hào kiểu khác - rằng ba mẹ là rường cột của mái ấm, cho con hiểu lẽ đúng sai, cho con trưởng thành hơn và bảo vệ con an toàn hơn. Cũng nhờ sự cố con bị cảnh sát thổi, mẹ cũng nhận ra cần thắt chặt hơn những nguyên tắc của gia đình. Mẹ nhắc nhở con dọn phòng, ít xem điện thoại lại, làm bài tập đầy đủ và phải luôn trung thực, tôn trọng pháp luật, nội quy nhà trường. Mẹ cũng “thu hồi” xe máy và mua cho con xe đạp điện. Con vui vẻ chấp hành, không trách móc hay mè nheo điều gì, bởi con hiểu rằng đã đến lúc con thật sự cần mẹ bớt chiều con, để con thật sự trưởng thành. Bé Đinh Hồng Thơ (lớp Chín) | Hồng Thơ di chuyển an toàn trên xe đạp điện |
|
Giang Thùy - Hoài Nhân (ghi)