Làm “anh hùng bàn phím”, coi chừng phạm luật

07/07/2022 - 06:03

PNO - Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội mấy ngày gần đây, tôi nhận thấy dày đặc các tin, bài, chia sẻ, bình luận về hai nghệ sĩ Việt Nam đang bị điều tra ở nước ngoài.

Ngoài các bài chính thống, còn có hàng loạt tin, bài ăn theo, nêu đích danh nghệ sĩ dù cơ quan chức năng nước sở tại chưa công bố danh tính người đang bị điều tra. Trong đó, có không ít bài theo kiểu “phán xử”, “kết án” người đang bị điều tra rằng họ đã phạm tội, và vội vàng đánh giá, bình phẩm nhân cách nghệ sĩ, gia đình, người thân của nghệ sĩ. Họ sử dụng hình ảnh của nghệ sĩ, người thân của các nghệ sĩ vô tội vạ, thậm chí cắt ghép, dựng các clip giả đưa lên mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau. 

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Pháp luật Việt Nam quy định, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin… nhưng việc thực hiện các quyền này phải đúng pháp luật.

Chẳng hạn như, ở các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo, cộng tác viên phải hoạt động theo Luật Báo chí (bảo đảm hoạt động khai thác thông tin đúng luật, thông tin đưa lên mặt báo phải chính xác, trung thực) và có đội ngũ biên tập viên, thư ký tòa soạn… biên tập, kiểm duyệt. 
Trong khi đó, các chủ tài khoản trên các trang mạng xã hội dường như hoạt động không theo luật nào và cũng không có cơ chế quản lý nên đã có hàng loạt tin, bài, clip, bình luận, chia sẻ… vi phạm pháp luật.

Điểm chung trong các vụ việc có yếu tố hình sự nổi cộm hoặc gây bức xúc dư luận là, các “anh hùng bàn phím” tấn công vào các trang cá nhân của người vi phạm, của bị hại, kể cả người thân của họ. Hậu quả là chỉ trong thời gian rất ngắn, khi mà cơ quan điều tra chưa có kết luận gì, thì mọi thông tin về tên tuổi, người thân, hình ảnh của người bị tình nghi và của nạn nhân - trong đó có cả trẻ em - bị phơi bày trên các trang mạng xã hội mà không hề được xử lý che mặt hoặc viết tắt tên.

Hiến pháp Việt Nam quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

Bộ luật Dân sự hiện hành cũng nêu rõ: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh; việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý”.

Về phương diện xử lý hình sự, thì nguyên tắc bất di bất dịch và xuyên suốt đó là: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Và theo nguyên tắc suy đoán vô tội, khi không đủ chứng cứ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội thì cơ quan, người tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Cần biết rằng, khi bị dư luận “tấn công”, mạng xã hội lên án, bình phẩm thì sự nghiệp, uy tín, danh dự, nhân phẩm, hạnh phúc gia đình của nạn nhân bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng.

Để bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho công dân, pháp luật Việt Nam đã ban hành các biện pháp chế tài, gồm xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. 

Tóm lại, trước những thông tin một cá nhân nào đó đang bị tạm giữ, tạm giam để điều tra - không phân biệt họ là ai, xảy ra ở trong nước hay nước ngoài, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm như thế nào - thì chúng ta cần phải có sự nhìn nhận, đánh giá về họ một cách cẩn trọng với thái độ dè dặt và nhân văn, phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội và thượng tôn pháp luật. Nếu làm ngược lại, chính chúng ta là người vi phạm pháp luật. 

Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI