Làm ăn "lôm côm" vẫn thắng thầu cung cấp thuốc

21/12/2015 - 10:30

PNO - Nhiều loại thuốc chất lượng thấp nhưng khai gian là biệt dược gốc nên đã trúng thầu với giá cao ngất ngưởng.

Cũng có công ty bị hủy kết quả trúng thầu năm 2014 nhưng vẫn "xách thuốc" đi "thi" để tiếp tục thắng lớn năm 2015.

Lừa người bệnh

Ngày 17/11/2015, PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM ra công văn khẩn gửi đến các bệnh viện đề nghị chấm dứt hợp đồng một số thuốc của Công ty TNHH Sanofi Aventis sản xuất tại Việt Nam, sau khi đơn vị này trúng thầu tập trung ở gói thầu thuốc theo tên biệt dược vào tháng 6/2015.

Gói thầu này chỉ có những loại biệt dược gốc hoặc thuốc có tương đương điều trị với biệt dược gốc do Bộ Y tế công bố hoặc thuốc hiếm mới được nộp hồ sơ dự thầu. Vì vậy, ở nhóm này rất ít công ty trong nước chen chân được, mà phần lớn là các tập đoàn dược phẩm lâu năm trên thế giới sẽ thắng cuộc.

Sanofi Aventis Việt Nam trúng thầu ba mặt hàng thuốc với giá trị hơn năm tỷ đồng nhưng lại là thuốc nhái! Thuốc Telfast HD 180mg (hoạt chất fexofenadine HCl, điều trị viêm mũi dị ứng, mề đay), dạng hộp 10 viên, trúng thầu hơn 2,2 tỷ đồng cho 314.300 viên, giá 7.067đ/viên. Thuốc Telfast BD 60mg (hoạt chất fexofenadine HCl) trúng trên 2,1 tỷ đồng với tổng số 650.650 viên, giá 3.245đ/viên. Thuốc No-spa 40mg (hoạt chất drotaverin hydroclorid, dùng chống co thắt cơ trơn) trúng gần 771 triệu đồng với 1.345.400 viên, giá 573đ/viên.

Lam an
Phòng phát thuốc tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh minh họa: P. Huy

Sau khi Sanofi Aventis thắng thầu, thuốc được đưa vào sử dụng tại TP.HCM, đến tháng 9/2015, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế đã ra công văn rút số đăng ký các loại thuốc này ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam: thuốc No-spa có số đăng ký VD-12043-10; Telfast BD có số đăng ký VD-19727-13; Telfast HD với số đăng ký VD-19728-13.

Lý do: Sanofi Aventis nộp hồ sơ đăng ký với Bộ Y tế sẽ sản xuất thuốc tại Việt Nam đúng tiêu chuẩn biệt dược, nhưng thự c tế đã không đáp ứng được chất lượng như biệt dược gốc ở Pháp.

Dược sĩ tại một bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM phân tích: “Rõ ràng Sanofi Aventis đã lừa người tiêu dùng Việt Nam, khi sản xuất thuốc chất lượng thấp hơn so với biệt dược gốc của công ty mẹ ở Pháp nhưng đã trúng thầu với giá cao như thuốc ở Pháp nhập về.

Như vậy, người bệnh bị móc túi khi nhận thuốc có chất lượng thấp hơn so với số tiền mà người ta bỏ ra. Nếu việc này được phát hiện sớm, Sanofi Aventis chắc chắn không được tham gia gói thầu thuốc theo tên biệt dược. Còn nếu họ tham gia các nhóm còn lại của thuốc generic - sản xuất theo công thức của biệt dược gốc nhờ hết quyền bảo hộ độc quyền – thì bị rớt ngay từ vòng gửi xe vì ở nhiều hãng khác dòng này có giá rẻ hơn rất nhiều”.

Vị này cho biết thêm: “Ví dụ như thuốc Telfast HD 180mg của Sanofi Aventis có giá trúng thầu 7.067đ/viên thì một loại thuốc generic của Công ty cổ phần dược phẩm TV.Pharm (tỉnh Trà Vinh) là Fexophar 180mg có hoạt chất fexofenadine, cũng đạt tiêu chuẩn về sản xuất thuốc tốt của Tổ chức Y tế Thế giới nhưng lại trúng thầu 922đ/viên. Rõ ràng, khi trúng thầu ở nhóm biệt dược, Telfast HD 180mg có giá cao gần gấp tá m lần so với thuốc có cùng hoạt chất ở nhóm khác.

Năm trước bị hủy, năm nay lại trúng

Năm 2014, Sở Y tế TP.HCM từng hủy kết quả trúng thầu thuốc PEPTAN 40mg (hoạt chất omeprazol) dạng tiêm truyền của Liên doanh công ty TNHH MTV dược Nam Anh - Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco) với giá gần sáu tỷ đồng (gần 182.000 lọ). Lý do: thuốc không đủ điều kiện dự thầu.

Trước đó, dư luận xôn xao về việc nhiều loại thuốc không được đấu thầu tại Sở Y tế vào tháng 5/2014 nhưng đã trúng thầu. Công ty TNHH MTV dược Nam Anh là một đơn vị thành viên của Công ty cổ phần VN Pharma.

Năm 2014, Cục Quản lý dược rút số đăng ký lưu hành của bảy mặt hàng thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn của Công ty cổ phần VN Pharma nên công ty này không có tư cách tham gia đấu thầu.

Nhiều bác sĩ băn khoăn tại sao năm 2014, Công ty TNHH MTV dược Nam Anh đã sai phạm lại tiếp tục đi “ứng thí” năm 2015 và thắng ngoạn mục? Kết quả gói thầu thuốc generic vào tháng 7/2015 tại Sở Y tế TP.HCM cho thấy, Công ty TNHH MTV dược Nam Anh trúng thầu chỉ có ba mặt hàng là thuốc kháng sinh nhưng giá rất cao, lên đến hơn 1,6 tỷ đồng.

Cụ thể, thuốc tiêm Vancomycin hàm lượng 1g và 500mg, với giá lần lượt là 109.000đ/lọ và 65.500đ/ lọ; còn kháng Vipimax 2g (hoạt chất cefepim) giá 65.000đ/lọ, với số lượng lên đến 14.430 lọ. Đến ngày 3/9/2015, Sở Y tế TP.HCM phê duyệt kết quả trúng thầu gói generic bổ sung, Công ty TNHH MTV dược Nam Anh tiếp tục trúng thuốc tiêm Dionem 0,5g (hoạt chất doripenem monohydrate) với giá 620.000đ/ lọ. Chỉ riêng mặt hàng Dionem, công ty này đã trúng thầu đến 3.000 lọ, với giá 1,86 tỷ đồng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI