Lãi vay tiêu dùng tại Việt Nam quá cao

01/12/2023 - 06:22

PNO - Theo tiến sĩ Lê Thị Hoàng Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), Nhật Bản quy định trần lãi suất vay tiêu dùng là 20%/năm, Ấn Độ khoảng 12 - 48%/năm, Brazil là 30 - 70%/năm, Mỹ khoảng 8 - 36%/năm, Trung Quốc từ 10 - 40%/năm. Trong khi Việt Nam lãi suất vay tiêu dùng phổ biến từ 40 - 50%/năm, cá biệt có trường hợp có lãi vay lên đến 85%/năm.

Tại hội thảo “Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 30/11, bà Lê Thị Hoàng Thanh cho biết hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng tại các công ty tài chính. Một số ý kiến khác từ các chuyên gia tài chính cho rằng, do lãi suất vay tiêu dùng bị “thả nổi” là nguyên nhân khiến tín dụng đen, cho vay nặng lãi gia tăng… Với người vay, khi nợ gốc và lãi quá cao, vượt quá khả năng tài chính của họ, nhiều người tìm cách bùng nợ, trốn nợ.

Lãi, phí vay tiêu dùng cao được cho là nguyên nhân khiến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi gia tăng.
Lãi, phí vay tiêu dùng cao được cho là nguyên nhân khiến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi gia tăng (ảnh minh họa).

Thượng tá Lê Vinh Tùng - Phó phòng Trọng án - Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) - cho biết: gần đây cơ quan này phát hiện nhiều người từ Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia… đến Việt Nam thành lập, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm cố, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên để điều hành các ứng dụng, website cho vay nặng lãi với lãi suất trên 1000%/năm. Các nhóm này còn móc nối với một số nhân viên ngân hàng, công ty trung gian thanh toán, ví điện tử để giải ngân, thu hồi khoản vay. Thậm chí, một số đối tượng núp bóng doanh nghiệp, công ty luật, công ty tài chính mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi của các ứng dụng, công ty tài chính, ngân hàng sau đó gọi điện đe dọa, mang quan tài, can xăng đến nhà hoặc chỗ làm việc của người vay gây áp lực.

Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TPHCM cho biết, hiện người thu nợ bất chính 100 triệu đồng hay lên tới hàng trăm tỉ đồng từ hoạt động cho vay nặng lãi cũng chỉ bị tối đa 3 năm tù. Mức chế tài quá nhẹ này cần được điều chỉnh tăng lên. Bà Lê Thị Hoàng Thanh đề xuất cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay, giới hạn các loại phí quản lý vay (phí phạt quá hạn, phí thẩm định, phí hoa hồng, phí giảm giá…), có như vậy mới cân bằng quyền lợi chính đáng giữa các bên, hạn chế được tình trạng bùng nợ và tín dụng đen.

Hoa Lài

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI