Lãi vay nhiều ngân hàng còn 5,9-8,5%/năm

22/11/2020 - 14:04

PNO - Trái với xu hướng giữ nguyên hoặc tăng lãi suất cho vay dịp cuối năm như mọi khi, nhiều ngân hàng liên tục giảm lãi suất cho vay, nhất là với đối tượng vay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

ABBank vừa triển khai chương trình vốn vay cho đối tượng doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ với mức lãi suất chỉ 8,5%/năm. Riêng với những DN cần vốn ngắn hạn, thuộc lĩnh vực ưu tiên như thực phẩm, lúa gạo, đồ uống, may mặc, sản xuất khẩu trang, thiết bị bảo hộ, dịch vụ vận chuyển, phân phối hàng tiêu dùng, chuỗi bán lẻ… lãi suất chỉ từ 6,5%/năm.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất kích cầu nền kinh tế - Ảnh minh họa
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất kích cầu nền kinh tế - Ảnh minh họa

VPBank thì cam kết sẽ hỗ trợ khách hàng DN vừa và nhỏ và khách hàng vay vốn mua ô tô để phục vụ kinh doanh cuối năm với thời gian xét duyệt hồ sơ vay chỉ từ 4-8 tiếng đồng hồ. Theo đó, lãi suất chung chỉ từ 5,9 – 8,5%/năm, thời hạn từ 24 - 48 tháng; với khách cá nhân vay mua ô tô thì được hỗ trợ đến 85% giá trị xe trong vòng 8 năm; còn khách là DN mua xe tải, xe khách thì hạn mức cho vay đến 100% giá trị xe, thời gian vay là 96 tháng.

Vietcombank áp dụng lãi suất 5,9% đối với các khách hàng DN vừa và nhỏ vay vốn lưu động; giảm 1% lãi suất đối với khách hàng vay thuộc 10 tỉnh miền Trung với thời hạn vay 3 tháng. Riêng với lãi suất vay thông thường hiện giảm còn 7,5%/năm.

Một số ngân hàng  khác cũng công bố giảm lãi suất xuống khá thấp như MSB và OCB cùng mức 5,99%/năm, hạn mức cho vay lên đến 90% giá trị tài sản đảm bảo; Vietinbank là 7,7%/năm.

So với các ngân hàng trong nước thì các ngân hàng ngoại hiện có mức lãi suất thấp hơn, thời gian vay ưu đãi cũng dài hơn từ 1-3 năm. Chẳng hạn, Shinhan có gói vay mua nhà ưu đãi với lãi suất 8,7% trong vòng 48 tháng, trong vòng 12 tháng thì lãi suất từ 6,5-7,5%/năm. Còn Standard Chartered và UOB có cùng lãi suất là 6,48%/năm, hạn mức vay tới 75% giá trị tài sản; Hong Leong Bank thì có lãi suất là 6,75%/năm, vay tối đa đến 80% giá trị tài sản…

Theo thông tin của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến giữa tháng 11/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 7,26%. Mức tăng trưởng này còn khá thấp so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên đến 14% của Ngân hàng Nhà nước nhưng nhìn chung tín dụng của nền kinh tế đã có những dấu hiệu khởi sắc tích cực so với những tháng ảm đạm đầu năm. Tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm là 1,5-2%, theo đó các ngân hàng thương mại cũng đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất cả huy động lẫn cho vay.

Mặc dù lãi suất cho vay đang thấp nhưng giám đốc khối bán lẻ một ngân hàng ngoại cho rằng, các ngân hàng buộc phải thận trọng khi quyết định cho khách vay và điều kiện vay có thể sẽ xét duyệt kỹ hơn.

Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM mới đây làm một cuộc khảo sát cho thấy số lượng DN khó khăn và rất khó khăn chiếm 84%, phần lớn  là do thiếu vốn, đứt gãy các chuỗi cung ứng và bị thu hẹp thị trường. Chỉ có ít DN tiếp cận được ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay. Đa phần các ngân hàng chủ yếu cho khách quen vay, còn khách hàng mới rất ít…

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc giảm lãi suất để kích cầu cho vay có lẽ sẽ không đạt được kết quả như kỳ vọng của các ngân hàng. Hiện dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, DN lớn đủ “sức khỏe” để vay và đáp ứng các tiêu chí của ngân hàng thì chưa có nhu cầu thêm và vay về không biết để làm gì; còn DN “yếu” hơn muốn vay thì khó đủ điều kiện, ngân hàng cũng thận trọng trong việc cho vay. Do đó lãi suất không là mấu chốt của vấn đề mà do sức hấp thụ của doanh nghiệp hiện nay còn quá yếu. “Nếu DN làm ăn hiệu quả, việc lãi suất cao hơn 1-2% thì với họ không là vấn đề” – Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI