Lãi vay giảm, có nên đi vay?

17/04/2020 - 06:50

PNO - Lãi suất ngân hàng đang giảm, nhiều người muốn nhân cơ hội này tiếp cận các gói vay ưu đãi để “lướt sóng” đầu tư bất động sản, tái đầu tư buôn bán lẻ, đảo nợ…

Thấy lãi suất giảm là vay

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, hai tháng đầu năm 2020, tín dụng hầu như không tăng, nhưng tăng trưởng tích cực từ tháng Ba. Tính đến ngày 31/3, tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng tăng 1,3% so với đầu năm. 

Nhờ giảm lãi suất thông thường từ 0,5-3%/năm, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới 354.286 khách hàng với doanh số cho vay hơn 165.000 tỷ đồng. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo vay 60.000 tỷ đồng, buôn bán lẻ vay 43.000 tỷ đồng; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vay 16.000 tỷ đồng… 

Hầu hết các gói vay ưu đãi trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lãi suất thấp nhưng thời gian vay ngắn
Hầu hết các gói vay ưu đãi trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lãi suất thấp nhưng thời gian vay ngắn

Tại một phòng giao dịch của Vietcombank (Q.1, TP.HCM), có đến 5-6 khách hàng ngồi chờ để được tư vấn vay vốn kinh doanh vì ngân hàng này đang giảm mạnh lãi suất. Nghe chị Minh Trang có nhu cầu vay để chuẩn bị mở quán cà phê sau mùa dịch, một tư vấn viên tại đây cho biết, hiện ngân hàng không có gói vay dành cho hoạt động kinh doanh này nên tư vấn chị lập phương án vay sửa nhà, mua sắm nội thất. Trước đây, lãi suất vay sửa nhà là 8,9%/năm trong vòng hai năm đầu, sau đó là 10,5%/năm, nhưng trong đợt dịch này, lãi giảm còn 8,6% trong năm đầu, năm tiếp theo là 8,7% và sau hai năm sẽ là 10,5%. 

Quầy tư vấn của VIB cũng có vài khách hàng nhờ tư vấn vay mua bất động sản, kinh doanh nhỏ lẻ khi biết lãi suất giảm. Trước đây, lãi suất vay mua bất động sản là 10,8%/năm nhưng hiện giảm còn 10,6%/năm. “Mặc dù mức lãi suất giảm không nhiều nhưng sắp tới, giá bất động sản sẽ tăng cao. Tiền lời bất động sản thu được sẽ gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. Đây là thời điểm tốt nhất, chị nên đầu tư” - nhân viên VIB tư vấn. Nhân viên còn cam kết sẽ hỗ trợ khâu xác nhận thu nhập để khách hàng được vay theo nhu cầu. 

Kỳ vọng giá bất động sản sẽ tăng không phải là không có cơ sở. Theo báo cáo thị trường bất động sản do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam công bố, trong quý I/2020, mặc dù dịch COVID-19 hoành hành nhưng giá nhà đất tại TP.HCM và TP.Hà Nội vẫn tăng từ 5-10%. Hơn nữa, nguồn cung bất động sản trong thời gian qua đã giảm rõ rệt, quỹ đất hạn chế, dẫn đến dự báo giá nhà tăng…

Chỉ là chiêu câu khách

Theo các chuyên gia, việc tận dụng lãi suất rẻ của các ngân hàng trong mùa dịch để đầu tư bất động sản, đảo nợ hàm chứa nhiều rủi ro, bởi mức lãi suất thấp hơn so với trước đây không nhiều.  

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, thời gian gần đây, ông tư vấn cho nhiều khách hàng có ý định vay tiền để đầu tư “lướt sóng” bất động sản hoặc đảo nợ. Theo ông, đây là cách làm đầy rủi ro, vì hầu hết các ngân hàng lớn chỉ hạ lãi suất thêm 0,5-1% trong vài tháng, có ngân hàng kéo dài một năm nhưng chỉ thấp hơn 0,2-0,5%, mức giảm không đáng kể. Sau đó, các ngân hàng sẽ nâng lãi suất lên rất cao, chẳng hạn như năm đầu là 10,6%/năm nhưng năm thứ hai lại tăng lên là 11,7%/năm.  

Nhu cầu vay buôn bán lẻ tăng cao
Nhu cầu vay buôn bán lẻ tăng cao

Với những khách hàng muốn vay để đảo nợ, nếu sau một năm, mức lãi suất này cao hơn ngân hàng cũ, khách hàng muốn quay lại ngân hàng cũ thì phải đóng tiền phạt thanh toán trước hạn từ 2,5-3%/năm. Với khách hàng vay mới để “lướt sóng” bất động sản nhằm kiếm lời, lại càng rủi ro vì bất động sản không có khả năng tăng giá ngay sau dịch. 

“Các ngân hàng nói giảm lãi suất để hỗ trợ mùa dịch nhưng thực tế, lãi suất vẫn quá cao. Thực chất, họ đang thu hút khách hàng chứ chưa có chính sách hỗ trợ thật sự hấp dẫn với nhu cầu người tiêu dùng. Tôi nói chuyện với một số nhân viên ngân hàng thì được biết, mức lãi suất giảm 0,2-0,3% mà ngân hàng nói hỗ trợ khách hàng mùa dịch thực ra là mức lãi suất đã giảm từ cuối năm 2019, khi giá bất động sản đang chững lại và đi xuống” - tiến sĩ Đinh Thế Hiển phân tích. 

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế tài chính - mặc dù các ngân hàng đưa ra mức lãi suất thấp hơn trước nhưng khách hàng cần phải hiểu điều kiện để được hưởng lãi suất ưu đãi là gì. Cần cẩn thận với công thức lãi suất ưu đãi đó, bởi trong và sau mùa dịch, cách tính lãi suất khác nhau. Sau thời gian hưởng lãi suất ưu đãi, đa số các ngân hàng đều tính lãi suất cơ bản bằng lãi suất huy động của các ngân hàng lớn cộng với biên độ dao động từ 3-5% - một mức lãi suất không hề thấp, thường từ 10-12,5%/năm.

Riêng với khách hàng có nhu cầu vay mới để kinh doanh buôn bán, theo các chuyên gia, người vay cần phải có kế hoạch kinh doanh phù hợp trước khi quyết định vay, không nên vay chỉ vì thấy lãi suất thấp, vay dễ trong khi tình hình dịch bệnh còn khá phức tạp. Hiện thời, cách khôn ngoan là tạm thời thắt chặt chi tiêu, đề ra kế hoạch, đợi dịch qua rồi bắt tay thực hiện kế hoạch. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI