Lái tàu ở Ấn Độ thường xuyên phải làm việc quá tải

03/06/2023 - 17:50

PNO - Do thiếu nhân lực, người lái tàu ở Ấn Độ thường phải làm việc nhiều giờ, vượt quá mức tối đa 12 tiếng/ngày và thường xuyên không được nghỉ phép.

 

 

Tình trạng khan hiếm nhân lực khiến người lái tàu phải làm việc nhiều giờ, vượt quá mức tối đa 12 tiếng/ngày và thường xuyên không được nghỉ phép. Từ đó khiến nguy cỏ xảy ra tai nạn tăng lên.
Tình trạng người lái tàu phải làm việc nhiều giờ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn

Thảm kịch 2 đoàn tàu trật bánh khiến hơn 300 người chết và 900 người bị thương ở bang Odisha, miền đông Ấn Độ vào ngày 2/6 đã làm dấy lên mối lo ngại về tính an toàn của hệ thống vận tải đường sắt tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo Ban đường sắt Ấn Độ, trong năm 2022-2023 đã có 48 vụ tai nạn đường sắt gây hậu quả đáng tiếc được báo cáo, nhiều hơn khoảng 37% so với giai đoạn 2021-2022 (38 vụ), 162 vụ không gây hậu quả nghiêm trọng.

Tình trạng người lái tàu làm việc kéo dài do thiếu nhân lực trầm trọng được nghi ngờ là nguyên nhân chính dẫn đến số vụ tai nạn ngày càng tăng, đặc biệt là các vụ vượt tín hiệu dừng gây nguy hiểm (SPAD).

Tại cuộc họp cấp cao gồm các thành viên lãnh đạo cao nhất của ngành đường sắt vào tháng 5, bao gồm các tổng giám đốc đường sắt khu vực, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Ban đường sắt Ấn Độ cho rằng, việc các vụ tai nạn đường sắt gia tăng là vấn đề nghiêm trọng, đáng lo ngại và kêu gọi thực hiện các biện pháp an toàn chủ động.

Một quan chức đường sắt cho biết: “Hội đồng quản trị Ban đường sắt đã chỉ đạo các tổng giám đốc khu vực phân tích nghiêm túc thời gian làm việc kéo dài của người lái tàu - đặc biệt là ở tuyến đường sắt bờ đông và đường sắt trung tâm đông nam, đồng thời khẩn trương có hành động khắc phục.

Ngoài ra, xem xét các bước nhằm nâng cao nhận thức của người lái tàu về sự nguy hiểm của SPAD và lắp đặt hàng rào dọc theo đường ray để tránh tai nạn trật bánh do gia súc chạy qua".

Theo quy định, người lái tàu không được làm việc quá 12 giờ trong bất kỳ trường hợp nào. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhân lực đã dẫn đến việc nhiều người lái tàu phải làm thêm ngoài giờ quy định.

Chẳng hạn, tại tuyến đường sắt đông nam, trong tháng 3, 4 và nửa đầu tháng 5, số giờ trực của người lái tàu vượt trên 12 giờ lần lượt là 35,99%, 34,53% và 33,26%.

Ban đường sắt Ấn Độ đã xem xét nghiêm túc việc vi phạm các quy tắc này và lập biên bản. Họ nói rằng tình trạng người lái tàu phải làm việc kéo dài thường xuyên là vấn đề đáng lo ngại, có thể dẫn đến nguy cơ tai nạn rất cao.

Theo báo cáo tình trạng thiếu nhân lực ở tuyến đường sắt phía Nam vào tháng 4, có 392 vị trí lái tàu ở các hạng mục khác nhau đang bị bỏ trống.

Sau đại dịch, mặc dù tất cả các dịch vụ xe lửa đã được khôi phục, nhưng nhiều vị trí quan trọng trong ngành đường sắt vẫn chưa được lấp đầy. Kết quả, những người lái tàu đã bị “cắt” giờ nghỉ ngơi và không có ngày nghỉ phép, từ đó mức độ căng thẳng của họ tăng lên, điều này có thể đe dọa sự an toàn của các hoạt động đường sắt.

Tấn Vĩ (theo The Hindu)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI