Lại tái diễn hành vi, ăn mặc phản cảm ở điểm đến văn hóa

14/12/2023 - 06:43

PNO - Chiều 3/12, tại điểm du lịch Dinh 1 (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), một du khách nam mặc trang phục phản cảm đến tham quan.

Chiếc quần jeans đen được cắt xẻ nhiều đến mức làm lộ rõ nội y. Dù vậy nhân viên hướng dẫn ở cửa, bảo vệ đã không nhắc nhở vị khách này. Nhiều du khách Việt Nam lẫn nước ngoài có mặt tại thời điểm đó đã phát ngượng khi nhìn thấy trang phục của du khách này và cảm thấy khó hiểu khi nhân viên ở điểm du lịch này không có phản ứng gì.

Sự việc này khiến chúng tôi không khỏi tự hỏi: liệu việc những người “gác cửa” cho các di tích, địa điểm du lịch văn hóa đã làm tốt trách nhiệm của mình hay chưa bởi có rất nhiều hành vi, việc làm phản cảm từng xảy ra?

Cũng theo ghi nhận của Báo Phụ nữ TPHCM, cách đây không lâu, tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội), có 2 phụ nữ mặc áo dài vào tham quan. Đến khu vực điện thờ, một trong 2 người bất ngờ cho biết họ được “người âm mượn xác”, “được gọi điện kêu lên” nhằm “giúp đất nước”. Sự việc cũng khiến nhiều người hiếu kỳ, theo dõi. Không có một ai chịu trách nhiệm xuất hiện để nhắc nhở họ hoặc ngăn sự việc kỳ lạ như vậy diễn ra.

Phố cổ Hội An từng xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến cách ăn mặc kém văn hóa của khách du lịch. Gần đây nhất, vào tháng Bảy, một nữ du khách nước ngoài mặc bikini đi thuyền gây xôn xao dư luận. Trước đó, đã có trường hợp nữ du khách ăn mặc phản cảm, chụp ảnh ở đây.

Tháng Ba năm nay, 4 phụ nữ có hành động nhảy múa phản cảm, không phù hợp tại khu vực vườn tháp, di tích chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Video một tiktoker diện trang phục cổ trang, được cho là lai tạp, chụp ảnh trong khuôn viên Đại nội Huế cũng được quan tâm. Vụ hầu đồng với nhạc điện tử tại Tháp bà Ponagar (tỉnh Khánh Hòa) vào năm ngoái cũng gây xôn xao dư luận một thời gian.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho rằng việc đào tạo đội ngũ quản lý, người gác cửa các di tích, điểm đến hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy đây là vấn đề không thể xem nhẹ. Những hành vi phản cảm của du khách diễn ra ở nhiều địa điểm trong khuôn viên rộng lớn; trong khi lực lượng này không thể theo sát, không kịp thời hạn chế, ngăn chặn.

“Về bản chất, quản lý di tích cũng như quản lý một khu vực công, rất khó” - ông Nguyễn Xuân Hoa nói. Vì thế, theo ông, nên có quy định cụ thể về trang phục, hành vi, đặt ở nhiều nơi tại các điểm đến để nhắc nhở du khách. Du lịch là lĩnh vực đặc thù nên việc xử lý, nhắc nhở cũng phải hết sức tế nhị. Yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là ý thức của người dân, du khách; trong đó bao gồm nhắc nhở người khác khi thấy những hành vi, cách ăn mặc không 
phù hợp.

Nói như vậy không có nghĩa là không có cách làm phù hợp. Tại các ngôi chùa chúng ta thường thấy tấm biển đề: Quý phật tử viếng chùa vui lòng hành xử và có trang phục lịch sự. Và tất cả người đến chùa đều ý thức ăn mặc rất kín đáo, đi nhẹ, nói khẽ. 

Nhiều vụ việc xảy ra chỉ được xử lý khi dư luận lên án. Chẳng hạn, người đăng video 4 phụ nữ nhảy nhót ở chùa Bổ Đà bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang phạt 5 triệu đồng. Trường hợp du khách ăn mặc phản cảm tại Hội An thì chính quyền cho biết chưa có quy định để xử lý… Do vậy, việc hoàn thiện các quy định về vấn đề này, có chế tài hiệu quả là rất cần thiết, để những hành vi phản cảm đó không tái diễn.

Trung  Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI