Lãi suất xuống thấp, có nên vay để mua sắm?

28/12/2020 - 07:18

PNO - Hàng loạt ngân hàng, công ty tài chính giảm lãi suất cho vay tiêu dùng vào cuối năm, khi nhu cầu chi tiêu, sắm tết của người dân tăng cao.

 

Lãi suất vay tiêu dùng giảm mạnh

Lãi suất cho vay tiêu dùng (dạng tín chấp) tại các công ty tài chính thường ở mức khá cao nhưng hiện nay, các công ty giảm lãi suất xuống dưới mức 20%. Tuy nhiên, mức lãi suất giảm này chỉ áp dụng với mặt hàng mà đơn vị tài chính đó có liên doanh. Chẳng hạn, công ty tài chính H. áp dụng mức lãi suất 1,37%/tháng (tương đương 16,44%/năm) cho khách hàng khi vay mua xe Yamaha, thời gian vay từ 9-24 tháng. Lãi suất ưu đãi cũng được áp dụng khi khách hàng vay để mua trả góp các sản phẩm điện máy, điện thoại di động, máy tính bảng, laptop. 

Nhu cầu chi tiêu những tháng cuối năm của người dân tăng cao nên các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng
Nhu cầu chi tiêu những tháng cuối năm của người dân tăng cao nên các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

Công ty tài chính Fe Credit đưa ra mức lãi suất 0,79%/tháng (9,48%/năm) cho khách vay để mua trả góp các dòng xe của Honda và thanh toán trước 20% giá trị xe. Công ty này còn liên kết với các ví điện tử để hỗ trợ hoàn tiền khi thanh toán.

Các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân với lãi suất từ 8-9%/năm. Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank - cho hay dư nợ cho vay tín dụng cá nhân và tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ tăng khoảng 10.000 tỷ đồng so với năm ngoái. Một số lĩnh vực tiêu dùng đang được ngân hàng này áp dụng mức lãi suất ưu đãi. Chẳng hạn, lãi suất vay mua xe là 8,5%/năm, thời gian vay 24 tháng, hạn mức vay đến 85% giá trị xe. Ngoài ra, những khách hàng đang vay thế chấp tại các ngân hàng khác còn được vay bổ sung 10% từ khoản vay thế chấp sẵn có với thủ tục đơn giản, thời gian xét duyệt nhanh. 

Việc ngân hàng có các gói vay bổ sung dựa trên tài sản thế chấp tại các ngân hàng khác (lúc này, ngân hàng cho vay mới không cần công chứng lại giấy tờ, tài sản đảm bảo) phần nào gỡ khó cho khách hàng có nhu cầu chi tiêu nhỏ dịp cuối năm. 

So với mở hồ sơ một khoản vay, việc mở thẻ tín dụng được xem là dễ dàng hơn. Một số ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay vốn tiêu dùng qua kênh này và ra mắt các loại thẻ tín dụng hoàn tiền để kích cầu chi tiêu mua sắm. Hình thức hoàn tiền này được áp dụng tại Việt Nam từ vài năm trước, nhưng lĩnh vực hoàn tiền khá hẹp, chỉ 1-2 lĩnh vực như thanh toán bảo hiểm, học phí. 

Năm 2020, khi tăng trưởng tín dụng tiêu dùng cá nhân thấp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dòng thẻ hoàn tiền phát triển khá mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều ngân hàng, lĩnh vực áp dụng hoàn tiền khá rộng. ABBank có thẻ tín dụng hoàn tiền 5% doanh số giao dịch, tối đa khoảng 7,2 triệu đồng/năm, áp dụng cho mọi lĩnh vực chi tiêu; thẻ của Ngân hàng Bản Việt hoàn tiền từ 3-5% tùy lĩnh vực áp dụng; thẻ TPBank hoàn 0,5% tất cả giao dịch… 

Tiêu dùng đang khởi sắc?

Theo chuyên gia tài chính, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu chi tiêu cho việc mua xe, sửa nhà, sắm vật dụng thiết yếu đón tết, liên hoan, làm đẹp, du lịch… tăng trở lại. Việc ngân hàng đẩy mạnh dòng vốn vào tiêu dùng là điều dễ hiểu vì đây là sản phẩm có biên độ lợi nhuận tương đối tốt. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đang cần sự hồi sinh của tiêu dùng. 

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 4,6 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng tính riêng trong tháng 11/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,3% so với tháng trước. 

Theo báo cáo mới đây của FiinGroup - công ty chuyên về dịch vụ thông tin tài chính và kinh doanh - trong những tháng đầu năm, các ngân hàng có xu hướng đẩy vốn qua kênh doanh nghiệp nhiều hơn cá nhân. Trong khi tín dụng doanh nghiệp tăng 12% thì tín dụng cá nhân chỉ tăng 6,1%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 21,7% trong giai đoạn 2016-2019. Nhưng khi bước sang quý III/2020, các ngân hàng có xu hướng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng cá nhân, nhất là khi thị trường tiêu dùng đang vào mùa. 

Theo các chuyên gia, việc ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng phải đi đôi với kiểm soát chặt chẽ điều kiện vay, mục đích vay. Người vay cũng nên tìm hiểu kỹ các loại hình vay cũng như các sản phẩm mà các tổ chức tín dụng đang áp dụng. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, người vay nên yêu cầu nhân viên ngân hàng tư vấn kỹ về mức lãi suất thỏa thuận trên hợp đồng, hiểu rõ cách tính lãi suất để lựa chọn phương thức trả nợ, chọn thời gian vay từ 18-24 tháng thay vì tối đa 36 tháng để không chịu mức lãi suất cao, số tiền trả góp hằng tháng không nên vượt quá 40% thu nhập hằng tháng. 

Không nên mua khi không có đồng nào trong tay

Một số tổ chức tín dụng cho phép khách mua hàng trả góp trả trước 0 đồng, nhưng theo tôi, không nên mua khi không có đồng nào trong tay. Nếu muốn vay để mua một món đồ trả góp, nên có ít nhất trong tay 30%, lý tưởng nhất vẫn là 40-50% giá trị món đồ định mua. 

Thường thì tỷ lệ dư nợ vay tính trên mỗi tháng không được vượt quá 60% tổng thu nhập, vì nếu vượt, đó là số nợ quá lớn để trả cho tổ chức tín dụng. Ví dụ, nếu thu nhập 10 triệu đồng/tháng, không nên trả nợ các tổ chức tín dụng quá 6 triệu đồng, chỉ nên trả trong khoảng 4 triệu đồng/tháng là tốt nhất, 5 triệu đồng/tháng là có thể chấp nhận được. 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Thanh Hoa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI