Lãi suất vay mua nhà tăng, người vay quay cuồng với nợ và lãi

30/06/2019 - 07:30

PNO - Các ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất vay mua nhà, nhiều nơi đã lên mức 12-13%/năm khiến người đã vay tìm cách đảo nợ, người muốn vay cũng phải tính toán lại.

Càng trả, gốc lãi càng tăng

Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tục thông báo tăng lãi suất cho vay, nhất là đối với nhóm khách hàng vay mua, sửa chữa nhà ở.

Ngày 6/6 vừa qua, ngân hàng TPBank thông báo tăng lãi suất cho vay lên 0,2%. Cụ thể, trước đây lãi suất cho vay tín chấp để sửa chữa nhà cửa tại ngân hàng này là 18,4% nay đã thông báo tăng lên 18,6%.

Ngân hàng Eximbank cũng thông báo tăng lãi suất vay thế chấp mua nhà từ 10%/năm lên 11%/năm; Sacombank hiện tăng lên là 13,5%/năm; Vietbank là 12,2%/năm; BIDV là 11,4%, Viettinbank là 11%. Đây chỉ là mức cố định trong 1-2 năm, sau thời gian ưu đãi các ngân hàng sẽ tiếp tục cộng thêm biên độ lãi suất, có thể 1 – 4% tùy theo ngân hàng.

Lai suat vay mua nha tang, nguoi vay quay cuong voi no va lai
Lãi suất cho vay tăng, nhiều người mua nhà méo mặt

Việc tăng lãi suất liên tục này khiến nhiều người đang vay mua nhà gặp nhiều áp lực, số tiền trả nợ ngày càng tăng.

Anh Thiện, ngụ tại quận Thủ Đức chia sẻ, anh vay hơn một tỷ tại ngân hàng Shinhan, lãi suất ba năm đầu được ưu đãi có 8,6%, gói vay 20 năm. Mới đây hết hạn ưu đãi, ngân hàng áp dụng thả nổi lãi suất, mức mới lên 11%/năm khiến mọi tính toán chi tiêu trong gia đình anh đều đảo lộn. "Cứ nghĩ trả gốc và lãi ba năm rồi giảm bớt phần nào tiền trả ngân hàng hàng tháng, ai ngờ còn cao hơn cả những năm đầu hưởng ưu đãi...", anh Thiện ngao ngán.

Chị Thanh, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM cũng lâm vào tình cảnh tương tự, vào năm 2018, chị mua nhà nên vay 600 triệu tại ngân hàng E., thời hạn trả là 15 năm. Năm đầu, mỗi tháng chị thanh toán cả gốc lẫn lãi là gần 9 triệu đồng. Đến năm thứ hai, số tiền thanh toán tăng lên gần 10 triệu đồng/tháng. Chị thắc mắc thì nhân viên ngân hàng cho biết do lãi suất vay đã tăng lên 11%/năm, cộng lãi suất thả nội theo thị trường là thêm 2%/năm nên số tiền phải đóng có chiều hướng tăng lên.

Những người vay số tiền ít như chị Thanh còn phải trả nợ méo mặt, với những người vay từ 1 tỷ đồng trở lên thật sự gặp áp lực không nhỏ. “Tôi vay 1 tỷ đồng, hiện mỗi tháng phải thanh toán là 15 triệu đồng, trong đó tiền lãi đã hết gần 10 triệu đồng. Đầu năm 2019 này, ngân hàng thông bão lãi suất vay tăng thêm 1%/năm nên số tăng lên gần thành 16,5 triệu đồng. Vợ chồng tôi đang đuối, nếu lãi suất còn tăng thêm nữa buộc chúng tôi phải bán nhà” – anh Đức, ngụ Q.11 nói.

Nhiều người tìm cách đảo nợ để giảm lãi suất

Trước thực trạng lãi suất vay tăng, nhiều người có xu hướng tìm ngân hàng có lãi suất thấp hơn để đảo vay. Thường gặp là khách vay từ ngân hàng A đảo vay sang ngân hàng B có lãi suất thấp hơn. Hiện hình thức này được khá đông người vay áp dụng, theo đó, dịch vụ này cũng mọc lên như “nấm sau mưa”.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, tỷ giá tăng lên tác động rất lớn đến lãi suất cho vay, theo đó kéo theo lãi suất cho vay tăng.

Tuy nhiên lãi suất cho vay chỉ tăng ở một số phân khúc khách hàng cá nhân vay bất động sản, vay tiêu dùng, vay chứng khoán. Riêng lãi suất cho các doanh nghiệp vay thì Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng cố gắng giữ yên chứ đừng tăng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn kinh doanh. Qua theo dõi của Ngân hàng Nhà nước thì lãi suất cho doanh nghiệp vay đã ổn định hai tháng nay.

Không chỉ người vay chủ động muốn đảo nợ mà ngay cả nhân viên tín dụng cũng tìm cách thuyết phục người vay chuyển nợ để đủ chỉ tiêu được giao, riêng ngân hàng biết chuyện cũng làm ngơ cho qua vì được tăng dư nợ cho vay.

Chị Nguyễn Thị Bích, ngụ tại quận Tân Bình chia sẻ, chị có vay tại ngân hàng E. mức vay là 600 triệu đồng, lãi suất 12%/năm. Nghe nhân viên tín dụng tư vấn, chị Bích nên chuyển sang vay tại ngân hàng P. để hưởng lãi suất chỉ 7,5%/năm. Chị Bích tính toán thì thấy, mỗi tháng chị đang đóng cả gốc lẫn lãi tại ngân hàng E. là 10 triệu đồng, nếu chuyển sang ngân hàng P. mỗi tháng chị chỉ đóng gần 8 triệu đồng, như vậy giảm được 2 triệu đồng tiền lãi.

Khi nghe chị Bích đồng ý đảo nợ, nhân viên ngân hàng này giới thiệu cho chị Bích một điểm cho vay đáo nợ tại quận 1 để viết giấy vay nợ 600 triệu đồng với lãi suất là 2 triệu đồng/ngày, điều kiện là chị Bích phải giao bản photo gốc về tài sản mà chị Bích đã thế chấp tại ngân hàng E. Đồng thời nhân viên này tiến hành mở hồ sơ vay cho chị Bích tại ngân hàng P. với tài sản thế chấp là tài sản mà chị Bích đã thế chấp tại ngân hàng E.

“Ngay sau khi vay được 600 triệu đồng điểm đáo nợ, chúng tôi cùng người của điểm đáo nợ, nhân viên ngân hàng P. đến giải ngân tại ngân hàng E. để lấy lại tài sản. Sau đó, tôi đem giấy tờ tài sản này tiếp tục công chứng để đem thế chấp vay tại ngân hàng P. Khi ngân hàng P. đồng ý hồ sơ và giải ngân thì tôi đem số tiền này trả lại cho điểm đáo nợ và lấy lại bản giấy tờ nhà photo. Thời hạn hoàn thành tất cả hồ sơ là 3 ngày”, chị Bích cho hay.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay, về nguyên tắc việc vay đảo nợ không tốt mà gây nhiều rủi ro về lãi suất. Hồ sơ vay suôn sẻ thì không nói gì, nếu hồ sơ gặp trục trặc thì thời gian làm hồ vay sẽ rất lâu. Lúc này người vay phải chịu lãi suất rất cao từ điểm cho vay đáo nợ, mỗi 500 triệu thì mỗi ngày phải mất 2-3 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, nếu lãi suất cho vay tăng các lĩnh vực khác ít bị tác động, nhưng lĩnh vực bất động sản bị tác động rất lớn, không chỉ doanh nghiệp mà cả người đi vay.

Lãi suất tăng người dân ngại vay vốn mua nhà, khiến doanh nghiệp bất động sản không bán được. Còn người đang vay mua nhà mà lãi suất tăng thì họ gánh không nổi, nhiều người chịu lỗ bán tháo nhà. 

“Thời điểm này người dân nên cân nhắc thật kỹ khi quyết định mua nhà. Nếu lương chỉ 10–15 triệu đồng tháng chỉ nên mua nhà từ 300–500 triệu đồng, còn mua nhà giá cao hơn thì với lãi suất hiện nay sẽ không trả nổi. Người mua nhà chỉ nên mua khi đã có 50% số tiền, còn 50% trả góp. Nếu trả góp 70-80% thì khả năng vỡ nợ sẽ rất lớn” – ông Nguyễn Văn Đực nói.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI