Lãi suất sẽ khó giảm thêm

17/11/2023 - 17:53

PNO - Chia sẻ tại hội thảo “Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng” do báo Dân Trí tổ chức ngày 17/11, các chuyên gia đều cho rằng trong thời gian tới lãi suất sẽ khó giảm tiếp mà phụ thuộc vào sự ổn định của tỉ giá, kinh tế vĩ mô.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho biết, dự báo mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2024 kinh tế thế có thể suy giảm.

Kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều tác động. Dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất nhưng lãi vay chưa giảm tương xứng, nợ xấu tăng nhanh ở lĩnh vực bất động sản. Các gói hỗ trợ cho vay như gói hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản 15.000 tỉ đồng, gói 120.000 tỉ đồng mua nhà ở xã hội… giải ngân còn quá chậm. Con số tăng trưởng tín dụng toàn ngành kinh tế đến thời điểm hiện tại là 7,49% còn quá thấp so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà ngành ngân hàng đã đặt ra hồi đầu năm là 14-15%.

Theo dự báo, lãi suất tới đây sẽ khó giảm thêm, áp lực lãi suất không nằm ở lạm phát mà chủ yếu là tỉ giá. Nếu tới đây tỉ giá, kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục ổn định thì sang năm 2024 lãi suất điều hành mới thấp như hiện tại, ngược lại vẫn có thể tăng. Theo ông Võ Trí Thành, tình hình kinh tế bất ổn đến mức, cứ 2 tháng IMF phải dự báo lại một lần các chỉ số. Do đó, Chính phủ phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 1 loạt nhóm chính sách như hỗ trợ tổng cầu bằng cách tạo thu nhập cho người lao động, giảm thuế VAT, kích thích du lịch, tăng giải ngân đầu tư công, tăng đầu tư tư nhân… có như vậy thì mới không còn tình trạng gửi tiền vào ngân hàng mà sẽ rút tiền ra làm ăn.

"Thời điểm này cần sửa đổi luật lệ để cho bộ máy nhà nước “nhúc nhích” theo hướng dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh mẽ hơn. Sửa đổi các luật lỗi thời về Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản… để khơi thông thị trường này" ông Thành đề xuất.

Các doanh nghiệp chỉ cần bám vào 3 từ khóa để phát triển trong thời gian tới. Thứ nhất là “phòng thủ”, biết chắt chiu, quản trị rủi ro, làm cuốn chiếu. Thứ hai là “tích cóp, nhặt nhạnh cơ hội”, khi thị trường này giảm thì phải linh hoạt tìm tới thị trường mới. Tại Việt Nam, hiện chỉ có tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng là nhanh nhạy nắm bắt cơ hội thu hút nhà đầu tư, nhờ vậy mà duy trì tăng trưởng kinh tế trên 20% liên tục trong 3 năm liền. Thứ ba là “bắt nhịp xu thế”. Ông Võ Trí Thành nhấn mạnh, trong vòng 3 năm tới, các doanh nghiệp phải nhanh nắm bắt cơ hội vì theo dự báo sẽ có nhiều đại gia lớn của thế giới đến TPHCM đầu tư. Để TPHCM huy động được nguồn lực tài chính lớn thì phải đảm bảo 1 số tiêu chí “xanh”, ví dụ như chuyển sang xe điện xanh là 1 cách.  

Trong thời gian tới, lãi suất sẽ khó giảm tiếp mà phụ thuộc vào tỉ giá, sự ổn định của kinh tế vĩ mô (Ảnh minh họa)
Trong thời gian tới, lãi suất sẽ khó giảm tiếp mà phụ thuộc vào tỉ giá, sự ổn định của kinh tế vĩ mô (Ảnh minh họa)

 Đánh giá về mức tăng trưởng tín dụng cả nước hiện nay, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TPHCM - cho biết, chưa bao giờ nền kinh tế vĩ mô lại rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như hiện nay, 9 tháng đầu năm nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1/3 chỉ tiêu. Tuy nhiên, nếu GDP chỉ tăng 4,7 - 5% thì tăng trưởng tín dụng chỉ 11-12% là phù hợp.

Hiện giờ, tăng trưởng tín dụng đạt 7,49% thì từ đây đến cuối năm do các yếu tố thời vụ nên sẽ tăng thêm 2% là bình thường. Do đó, tín dụng tăng 9 tháng vừa qua là bình thường, đúng chu kỳ, chỉ là do chúng ta đang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng quá cao so với tăng trưởng kinh tế nên mới thấy áp lực. Hiện nay, đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc hơn, hàng tồn kho giảm hơn, việc làm cho người lao động nhiều hơn. Chung quy đến năm 2024 tăng trưởng tín dụng sẽ khởi sắc hơn nhưng dự báo là còn nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong vòng 2 năm tới, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ không còn cao từ 13 - 15% như hiện nay nữa mà sẽ quay về ở mức 10%. Bởi hiện tại nền kinh tế chúng ta đang dùng đòn bẫy tài chính quá cao. Số liệu của WB cho thấy, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam đạt 130% tăng trưởng GDP là quá cao, gần đạt ngưỡng các nước phát triển OECD (16 nước phát triển ở châu Âu). Theo lý thuyết, tỉ lệ tín dụng cao đồng nghĩa nền kinh tế có thêm vốn kinh doanh, nhưng không phải lúc nào dòng vốn cũng vào sản xuất mà có thể chảy vào bất động sản, chứng khoán. Nếu cứ tiếp tục tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá nhưng lại không kiểm soát dòng vốn thì nền kinh tế sẽ nhạy cảm với những biến động về lãi suất, nợ xấu ngân hàng và bong bóng tài sản sẽ ngày càng cao.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - thông tin, đến cuối tháng 10/2023, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TPHCM tăng 4,67% so với cuối năm 2022 và 7% so với cùng kỳ. Mặc dù TPHCM chiếm tỉ trọng cao trong tổng tăng trưởng tín dụng cả nước nhưng hiện nay tốc độ tăng trưởng tín dụng của TPHCM thấp hơn so với tốc độ của cả nước.

Theo ông Lệnh, ngành ngân hàng đang rất áp lực vì phần lớn vốn của nền kinh tế đều từ vốn của các ngân hàng do các kênh khác như cổ phiếu, trái phiếu đang bị nghẽn. Với các phản ánh của doanh nghiệp về việc khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thì phải chỉ rõ gặp khó khăn ở đâu, phía ngân hàng sẽ tiếp thu, xử lý. Nếu vướng do doanh nghiệp không đủ tiềm lực thì doanh nghiệp phải chia sẻ với ngân hàng vì nếu không đủ điều kiện vay vốn mà vẫn cho vay thì sẽ ảnh hưởng tới tín dụng ngân hàng, dẫn đến hệ lụy nợ xấu.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm 2023, ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì cần các giải pháp khác, các chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và đầu tư. “Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục giảm thời gian duyệt hồ sơ vay, hỗ trợ khách vay. Chúng tôi sẽ đảm bảo nhu cầu vốn dịp tết cho doanh nghiệp bằng cách chuẩn bị nguốn vốn vay ngắn hạn khoảng 9.000 tỉ đồng với lãi suất chỉ từ 4-6%/năm.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI