Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tăng kịch trần

23/09/2022 - 17:14

PNO - Hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động, nhiều kỳ hạn đã tăng thêm từ 0,2-1%/năm, chạm trần cho phép hoặc vượt mức 7%/năm.

Ngay khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn từ ngày 23/9, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động. 

Các ngân hàng đồng loạt tăng thêm lãi suất tiền gửi từ ngày 23/9 sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất (Ảnh minh họa)
Các ngân hàng đồng loạt tăng thêm lãi suất tiền gửi từ ngày 23/9 sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất (Ảnh minh họa)

Trong ngày 23/9, KienlongBank điều chỉnh tăng lãi suất huy động với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Với kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng, lãi suất được điều chỉnh tăng kịch trần lên 5%, tăng thêm 1% so với chu kỳ trước; kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,2-0,5%. Lãi suất các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng cũng được điều chỉnh tăng 0,2 điểm % so với biểu cũ.

Tương tự, Ngân hàng Bắc Á (BAC A Bank) điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 tháng lên kịch trần là 0,5%/năm. Các kỳ hạn từ 1-6 tháng tăng thêm 0,5-0,8 điểm %, lên 4,5-4,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 6,8%/năm, tăng 0,3%/năm. Kỳ hạn 12-36 tháng tăng thêm 0,2% lên lần lượt là 7,1%/năm và 7,2%/năm.

Ngân hàng Á Châu (ACB) thông báo tăng lãi suất gói Tài Lộc kỳ hạn 1-3 tháng từ 4%/năm lên mức tối đa cho phép là 5%/năm. Kỳ hạn 6 tháng nếu gửi từ 100 triệu đồng là 6,1%/năm, còn gửi trên 500 triệu đồng là 6,2-6,4%/năm (tùy khách hàng ưu tiên loại nào), cũng tăng từ 0,3-0,5%/năm...

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) ngày 23/9 tăng lãi suất nhiều kỳ hạn. Lãi suất kỳ hạn từ 1-6 tháng tăng 0,8-1%/năm, từ mức 3,6-3,8%/năm lên từ 4,4-4,8%/năm. Các kỳ hạn dài từ 12-24 tháng cũng tăng từ 0,4-0,5%/năm, lên 6,8-7%/năm.

Ngân hàng Bản Việt (Vietcapitalbank) tăng đồng loạt lãi suất các kỳ hạn dưới 1 tháng lên mức trần là 0,5%/năm, kỳ hạn 1-5 tháng cũng tăng từ 3,9% lên mức tối đa là 5%/năm. Các kỳ hạn trên 6 tháng cũng tăng thêm từ 0,5-0,6%/năm, lên mức 6,8%/năm, còn 12 tháng lên mức 7,3%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, trên toàn cầu đã có 257 lượt tăng lãi suất, trong khi năm 2021 chỉ có 113 lượt tăng. Đến 1g30 ngày 22/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng 0,75%/năm lãi suất điều hành trong bối cảnh lạm phát Mỹ rất cao (8,3%). Đây là lần thứ 5 Fed điều chỉnh tăng lãi suất, đưa lãi suất điều hành lên mức 3-3,25%/năm.

Dự kiến đến cuối năm 2022, Fed sẽ đưa lãi suất mục tiêu lên trên 4% và tiếp tục duy trì mức lãi suất này đến hết năm 2023. Diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của Fed gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam). Đến sáng ngày 20/9/2022, so với cuối năm 2021, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD: Tân Đài tệ Đài Loan (TWD) mất giá 13,5%; Baht (THB) mất giá 11,95%; Yen Nhật (JPY) mất giá 25,18%; đồng Won (KRW) mất giá 17,57%; đồng Philippines (PHP) mất giá 13,65%; đồng Malaysia (MYR) mất giá 9,67%; đồng Rupee Ấn Độ (INR) mất giá 7,44%; Nhân dân tệ Trung Quốc (CNY) mất giá 10,9%; đồng Euro (EUR) mất giá 13,49%; bảng Anh (GBP) mất giá 20,02%. Đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới (khoảng gần 4%).

Trong nước, kinh tế phục hồi tích cực, GDP 6 tháng đạt 6,42%; lạm phát bình quân 8 tháng 2,58%. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam cũng là một trong những nước thấp nhất thế giới. Dự báo năm 2022, GDP tăng 6,7-8,5%; lạm phát dưới 4%.

Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định, bối cảnh kinh tế, tiền tệ thế giới bất định và những thách thức khiến điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới sẽ rất khó khăn trong việc vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI