Lại rộ chiêu lừa chuyển tiền vào tài khoản

13/06/2018 - 14:00

PNO - Lắng xuống một thời gian, gần đây, lại rộ lên loại hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại VoIP (truyền giọng nói trên giao thức IP) mạo danh điều tra viên để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản.

Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an TP.HCM cho biết, đã có trường hợp bị lừa mất cả tỷ đồng.   

Lai ro chieu lua  chuyen tien vao tai khoan
Tin nhắn khuyến cáo của cơ quan chức năng đến người dân

Theo đó, gần đây, một số đối tượng giả danh công an, yêu cầu nạn nhân đến ngân hàng mở thêm một tài khoản đứng tên nạn nhân, đồng thời đăng ký dịch vụ internet banking cho tài khoản mà mình đã mở bằng số điện thoại do chúng cung cấp, chuyển/nộp tiền vào tài khoản vừa mở với lý do cần kiểm tra, xác minh, giám định số tiền này có liên quan đến đường dây tội phạm hay không, đồng thời giám sát tài khoản này.

Sau đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp toàn bộ tên đăng nhập (username), mã kích hoạt, mật khẩu (password) của tài khoản vừa mở rồi sử dụng những thông tin này chuyển tiền sang tài khoản khác bằng internet banking. 

Với thủ đoạn như trên, mới đây, các đối tượng lừa đảo đã buộc bà N.T.T.B. (ngụ tại H.Bình Chánh, TP.HCM) chuyển hơn 1 tỷ đồng vào tài khoản mới mở ở phòng giao dịch Bình Đăng, chi nhánh Q.8 của Ngân hàng Sacombank. Cùng ngày, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng dịch vụ internet banking do bà N.T.T.B. đăng ký để chuyển tiền sang các tài khoản ngân hàng khác để chiếm đoạt.

“Với thủ đoạn này, đối tượng lừa đảo làm cho người bị hại nghĩ rằng, tiền vẫn ở trong tài khoản đứng tên mình nên mất cảnh giác; nhân viên ngân hàng cũng không có cớ gì để cảnh báo với khách hàng” - ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, cho biết.

Một thủ đoạn cũng đang được các đối tượng lừa đảo sử dụng gần đây là: dùng điện thoại bàn thông báo đang có bưu phẩm tại một ngân hàng và yêu cầu nạn nhân phải đóng phí gửi bưu phẩm, nếu không, sẽ bị trừ tiền tại bất cứ tài khoản ngân hàng nào. Khi nạn nhân phản ứng, đối tượng lừa đảo sẽ chuyển máy kết nối đến các đối tượng giả danh cán bộ công an đang điều tra các vụ án ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia giống như các kịch bản cũ. 

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng phổ biến phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới này với cán bộ, nhân viên ngân hàng và khách hàng để cảnh giác. Khi khách hàng đăng ký dịch vụ internet banking, nhân viên giao dịch cần hỏi rõ số điện thoại đăng ký dịch vụ có phải là thuê bao khách hàng đang sử dụng hay không, để kịp thời cảnh báo và đề nghị không thực hiện giao dịch chuyển tiền. 

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng chỉ đạo, các trung tâm kinh doanh phải có những khuyến cáo cảnh báo kịp thời đến khách hàng của mình. Khi nhận được email hoặc thư tay của VNPT về yêu cầu nhận bưu phẩm, mời hoặc yêu cầu sử dụng dịch vụ của VNPT, khách hàng cần lưu ý: nếu là email của VNPT, sẽ có đuôi là …@vnpt.vn, tất cả các đuôi hoặc tên miền khác đều là giả.

“Để tránh bị kẻ gian lợi dụng, tuyệt đối không chuyển tiền hay cung cấp mật khẩu truy cập ngân hàng điện tử, mã OTP, số thẻ qua điện thoại, email, mạng xã hội, link lạ” - ông Nguyễn Hoàng Minh khuyến cáo. 

 Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI