Lại ồn ào chuyện tác quyền âm nhạc

01/11/2024 - 06:20

PNO - Vụ tranh cãi giữa ê kíp nghệ sĩ Vũ Cát Tường và Lâm Bảo Ngọc quanh ca khúc If vừa qua lần nữa bộc lộ nhiều vấn đề xoay quanh chuyện tác quyền.

Những vụ việc phức tạp

Đầu tháng Mười, 1 bài đăng được cho là của ê kíp Vũ Cát Tường trên mạng xã hội phản ánh việc một nữ ca sĩ tự ý dùng ca khúc của mình để trình diễn trên các sân khấu, tụ điểm ca nhạc mà chưa xin phép. Tuy bài không nói rõ tên, khán giả vẫn nhanh chóng nhận ra người được nói đến là Lâm Bảo Ngọc và ca khúc If (Nếu). Được biết, đây là ca khúc đã góp phần “đóng đinh tên tuổi” của Lâm Bảo Ngọc tại chương trình The Voice Vietnam - Giọng hát Việt nên thường được khán giả yêu cầu trình diễn.

Orange và LyLy (trái) trình diễn Hương đêm bay xa của Châu Đăng Khoa tại Our Song Vietnam
Orange và LyLy (trái) trình diễn Hương đêm bay xa của Châu Đăng Khoa tại Our Song Vietnam

Ca sĩ Lâm Bảo Ngọc cho biết, cô đã xin phép qua trung gian là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho sản phẩm được đăng trên kênh YouTube cá nhân, ghi lại phần trình diễn này trong live show đầu tay. Tuy vậy, phía ê kíp Vũ Cát Tường thì cho rằng không có việc xin phép tác quyền. Lâm Bảo Ngọc cũng cho rằng, do cô được mời trình diễn nên việc đảm bảo tác quyền trong chương trình là trách nhiệm của ban tổ chức.

Vụ tranh cãi này nhắc nhớ đến một vụ việc khác diễn ra vào giữa tháng Chín, khi nhạc sĩ Châu Đăng Khoa tố việc sử dụng ca khúc Hương đêm bay xa trong chương trình Our Song Vietnam - Bài hát của chúng ta chưa xin phép. Ca khúc này được ủy quyền cho VCPMC thu tác quyền, do đó Châu Đăng Khoa không phải là người được ê kíp chương trình trực tiếp liên lạc. Tuy nhiên vấn đề là người thể hiện ca khúc khi đó gồm Orange (Khương Hoàn Mỹ) và LyLy (Nguyễn Hoàng Ly). 2 ca sĩ này có khúc mắc với Châu Đăng Khoa và anh thông báo không cho họ sử dụng bất cứ ca khúc nào của mình.

Điều này càng khó hơn nữa khi luật chơi của Our Song Vietnam ở những vòng đầu là bốc thăm, nghệ sĩ không thể biết mình sẽ trình diễn ca khúc nào được chương trình chuẩn bị sẵn. Do đó vụ việc này lại cho thấy một vấn đề phức tạp, nhạy cảm khác bên cạnh các quy định pháp luật về tác quyền.

Cách nào để hạn chế?

Với trường hợp của Lâm Bảo Ngọc, nếu xét về lý thì theo “luật bất thành văn”, ban tổ chức của các chương trình phải lên danh sách bài hát, xin cấp phép và đóng tác quyền trước khi chương trình diễn ra. 1 năm trước, live concert của Blackpink ở Hà Nội cũng đã có nguy cơ bị tạm hoãn vì chưa đóng tác quyền. Có thể thấy, các ca sĩ không có nghĩa vụ phải thực hiện điều này nếu đó không phải là chương trình của cá nhân họ. Tuy vậy, nếu xét về tình thì phía ê kíp của nghệ sĩ trình diễn cũng nên rà soát lại bước này nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia.

Một trong những phần trình diễn If của Lâm Bảo Ngọc được đưa lên YouTube
Một trong những phần trình diễn If của Lâm Bảo Ngọc được đưa lên YouTube

Trường hợp của Châu Đăng Khoa cũng tương tự. Khi có sự tham gia của những nghệ sĩ ít nhiều có mâu thuẫn với tác giả thì việc cần làm là ban tổ chức và bộ phận biên tập nên tránh chọn các ca khúc của Châu Đăng Khoa để không gây ra sự tranh cãi. Hơn hết, trước các sự việc như vậy, vai trò của VCPMC là quan trọng nhất. Nếu VCPMC có sự giám sát chặt chẽ hơn các sân khấu đã đăng ký ca khúc và có chế tài phù hợp khi trình diễn các tiết mục ngoài danh sách đăng ký thì những tranh cãi này đã được giảm thiểu. Trong thời đại nghe - nhìn đa phương tiện, điều này càng dễ thực hiện hơn khi các clip ghi hình luôn được khán giả ghi lại và đăng tải lên mạng xã hội. Đây có thể nói là nguồn dữ liệu đa dạng mà VCPMC có thể sử dụng để giám sát về tác quyền.

Nhưng trước khi cần đến các đơn vị quản lý bản quyền, nghệ sĩ và người sản xuất chương trình cần chú ý để tránh gây ra những sự việc đáng tiếc. Với các nghệ sĩ trình diễn ở những tụ điểm không phải do mình tổ chức thì khi khán giả yêu cầu bài hát ngoài danh sách đăng ký, họ cần khéo léo từ chối hoặc chỉ hát một vài đoạn ngắn.

Cuối cùng, ứng xử giữa những nghệ sĩ cũng nên được quan tâm. Các vụ việc vừa qua cho thấy, nếu có thể giải quyết nội bộ thì đó là điều nên làm để tránh những ồn ào đáng tiếc và đẩy sự việc đi quá xa.

Để có một nền công nghiệp âm nhạc trong nước phát triển, việc thượng tôn pháp luật, ý thức của người trong cuộc là rất quan trọng.

Ngô Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI