Nhiều người sập bẫy số tiền lớn
Phản ánh với Báo Phụ nữ TPHCM, chị L.T.N.H. (quận Bình Thạnh, TPHCM) kể, cách đây không lâu, chị có nhận được cuộc gọi của một người tự nhận là đại úy quân đội nước ngoài thông báo là có người gửi cho chị 1 thùng hàng, bên trong có số tiền lên đến vài triệu USD. Lấy lý do là hàng trốn thuế, đối tượng yêu cầu chị H. phải nộp thuế thì mới được lấy hàng.
|
Tại các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook, nhiều người đã cảnh báo về chiêu lừa đảo tặng quà từ nước ngoài |
Sau đó, một người phụ nữ tự xưng là hải quan Hà Nội yêu cầu chị H. nộp vào tài khoản ngân hàng tên Bế Thị Ngọc số tiền 38 triệu đồng. Tiếp đến, một người phụ nữ khác tên Thanh Tâm, cũng tự nhận là nhân viên hải quan Hà Nội, thông báo, do số tiền gửi về quá lớn nên yêu cầu chị H. phải đóng tiếp phí gửi tiền là 250 triệu đồng.
Thấy chị H. nhẹ dạ thực hiện theo yêu cầu, đối tượng tiếp tục viện nhiều lý do như phải đóng phí bảo hiểm, phí chứng nhận rồi yêu cầu chị H. chuyển tiền nhiều lần với tổng số tiền lên đến 1,56 tỉ đồng. “Tôi đã trình báo vụ việc đến cơ quan công an nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Toàn bộ số tiền này là tôi nhờ bạn bè vay mượn từ ngân hàng, hiện mỗi tháng tôi phải trả lãi là 16 triệu đồng và không biết làm sao mới trả hết nợ” - chị H. chia sẻ.
Trường hợp khác, đầu tháng Tám vừa qua, chị N.T.G. (quận 3, TPHCM) được một tài khoản Facebook có tên Phùng Thanh Tuấn, tự nhận là Việt kiều Đức nhắn tin làm quen. Biết chị G. đã ly hôn, đang thiếu thốn tình cảm, ngày nào Tuấn cũng gọi điện tâm sự, ngỏ ý muốn dùng số tiền đã dành dụm lên đến 3 triệu USD (khoảng 72 tỉ đồng) mua nhà đầu tư và sinh sống tại TPHCM với chị G. Người này còn hứa hẹn, nhờ chị G. tìm nhà, nếu thành công sẽ tặng riêng cho chị 12 tỉ đồng. “Đầu tháng Chín vừa qua, có người gọi điện tự nhận là nhân viên hải quan yêu cầu tôi đóng số tiền 13 triệu đồng để nhận quà của bạn trai từ Đức gửi về” - chị G. kể.
Đồng thời, cũng thời điểm này, đối tượng Tuấn gọi điện thông báo đã gửi về cho chị G. 1 thùng quà gồm tiền, nhẫn kim cương để làm quà ra mắt. Nếu hải quan có gọi điện thoại yêu cầu làm gì thì chị G. cứ thực hiện theo. Vì tin vào những lời đường mật của Tuấn và ham mê món quà giá trị cao, chị G. đã chuyển tổng số tiền gần 300 triệu đồng cho bọn chúng. Nhưng may mắn là em gái chị đã phát hiện và ngăn chặn, nếu không số tiền chị mất sẽ còn nhiều hơn.
Trong các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook, gần đây không ít nạn nhân đăng bài cảnh báo về thủ đoạn lừa gạt vừa nêu và tham khảo ý kiến những người đã và đang gặp trường hợp tương tự.
Chiêu trò cũ, nạn nhân mới
Thủ đoạn lừa đảo tặng quà từ nước ngoài đã có từ năm 2017, được nhiều cơ quan chức năng cảnh báo trên các phương tiện truyền thông, hiện đang tái diễn trở lại, có thêm thắt những tình tiết mới, để đánh vào sự nhẹ dạ cả tin của chị em phụ nữ. Trước đây, bọn tội phạm thường giả mạo người nước ngoài như sĩ quan, binh lính đang tham gia chiến tranh, làm nhiệm vụ quốc tế tại các khu vực chiến sự không có người thân. Sau khi nhắn tin làm quen qua mạng xã hội Facebook sẽ lấy lý do gửi quà, đồ vật giá trị, thậm chí là ngoại tệ, vàng có giá trị lớn nhờ nạn nhân giữ giúp. Sau đó chúng giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế… yêu cầu nộp đủ loại thuế, phí để chiếm đoạt tiền.
Còn hiện tại, cũng là “bổn cũ soạn lại”, nhưng các đối tượng lừa đảo sẽ giả là Việt kiều nước ngoài, hằng ngày gọi điện qua Zalo để tâm sự, gửi những hình ảnh về cuộc sống xa hoa ở nước ngoài nhằm tạo sự tin tưởng ở nạn nhân. Ban đầu, chúng chỉ yêu cầu nạn nhân chuyển số tiền nhỏ từ 10-20 triệu đồng để nạn nhân không nghi ngờ. Sau đó, khi đã leo lưng cọp, chúng mới “tung chiêu” để chiếm đoạt số tiền lớn hơn. Có trường hợp, nạn nhân còn bị rủ rê tham gia đầu tư trên các sàn tiền ảo do bọn chúng lập ra.
Điều khiến nạn nhân tin có quà từ nước ngoài gửi về là do các đối tượng lừa đảo chuẩn bị kịch bản khá kỹ, ngoài thông báo bằng tin nhắn, chúng còn gửi kèm hình ảnh hàng hóa gửi về, các email đính kèm bản sao vận đơn bằng tiếng Anh được gửi từ một công ty chuyên vận quốc tế, trong thư ghi rất chi tiết người gửi, người nhận và nhiều chi tiết khác.
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM - thông tin, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn ra phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Một số thủ đoạn nổi lên gần đây là tạo “bẫy tình” trên mạng xã hội, giả làm người nước ngoài, Việt kiều để làm quen, yêu cầu nộp thuế, phí, cước vận chuyển.
Kẻ đứng sau đường dây này thường ở các nước Tây Phi, Nigeria, Lào, Campuchia… Nhưng về sau những đường dây này do người Việt Nam tổ chức hoặc có sự tham gia của người Việt Nam. Bọn chúng sử dụng những cái tên thật của các nhân vật nổi tiếng, lấy cắp hình ảnh từ các website để làm hồ sơ riêng, tạo vỏ bọc hợp pháp. “Thủ đoạn không mới nhưng các đối tượng chỉ thay đổi câu chuyện, đánh vào tâm lý, nhu cầu, lòng tham của bị hại. Sở dĩ bọn lừa đảo có thể thực hiện trót lọt là do đánh trúng vào tâm lý mê chồng nước ngoài, mê xuất ngoại của nhiều chị em hiện nay” - thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
Theo ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc quốc gia hãng Kaspersky tại Việt Nam, số vụ trình báo đến cơ quan chức năng chiếm rất ít so với số vụ thực tế. Sau khi tung chiêu, tội phạm tiếp tục nhắm vào tâm lý muốn lấy lại tiền để tiếp tục lừa, có trường hợp nạn nhân bị lừa đến 40 lần mới biết dính bẫy lừa đảo.
Theo ông Ngô Tấn Vũ Khanh, xử lý lừa đảo, gian lận trên không gian mạng không đơn giản, cần sự nỗ lực phối hợp hành động của nhiều bên, trong đó phòng tuyến quan trọng nhất vẫn là bản thân nạn nhân. Khi có yêu cầu chuyển tiền, nộp tiền thì nạn nhân cần cảnh giác, dừng lại vài giây để gõ từ khóa tìm kiếm trên mạng xã hội hoặc tham khảo ý kiến bạn bè, người thân. Không nên công khai các hình ảnh, thông tin cá nhân lên mạng xã hội…
Đầu tháng 3/2022, bà Giang Thế Nữ (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) được một tài khoản Facebook có tên Willson nhắn tin làm quen. Sau đó không lâu, Willson thông báo rằng sẽ gửi cho bà Nữ một phần quà bên trong có 3,8 triệu USD và một số tài sản khác, có chụp hình gửi bà Nữ xem và nói với bà khi nào hải quan gọi điện thì đi nhận. Đến ngày 17/3, có người gọi cho bà Nữ tự nhận là nhân viên hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, yêu cầu bà chuyển tiền để nhận quà. Bà Nữ đã chuyển tổng cộng 5 lần với tổng số tiền là 297 triệu đồng nhưng vẫn chưa nhận được hàng. Vào cuộc điều tra, Công an TP Cam Ranh xác định nhóm đối tượng này đang hoạt động tại Campuchia.
Đến 24/7/2023, nắm được thông tin có 1 đối tượng trong nhóm trở về Đắk Lắk để làm căn cước công dân, Công an TP Cam Ranh đã bắt đối tượng này. Tên này khai đã phối hợp với một người đàn ông ngoại quốc tên Don Smart lập ra nhóm lừa đảo gồm 4 người, mỗi người phụ trách 1 khâu từ việc tìm kiếm nạn nhân đến giả thành những người đàn ông giàu có, đẹp trai để đưa nạn nhân vào tròng rồi chiếm đoạt tài sản.
Thanh Hoa