Ứng viên thiếu công bố vẫn được thông qua?
Mới đây, trong thư gửi Hội đồng Giáo sư (GS) Nhà nước, GS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, cho biết vừa nhận được sáu email với nội dung thêm 21 ứng viên GS, phó giáo sư (PGS) ngành y không đạt. GS Châu đề nghị Hội đồng GS Nhà nước, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nên cho kiểm tra lại toàn bộ ứng viên này. Tuy có thể ảnh hưởng đến lịch xét GS, PGS năm 2020 nhưng cần thiết.
|
Xét và công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư là vấn đề còn gây nhiều tranh luận |
Trước đó, vị GS này cũng từng có báo cáo thẩm định gửi Hội đồng GS Nhà nước và Thanh tra Bộ GD-ĐT về một số bài báo quốc tế của 16 ứng viên GS, PGS hai ngành y, dược. Theo báo cáo này, trong số 16 ứng viên bị “tố cáo”, có một ứng viên ngành dược do không đủ số lượng công bố quốc tế nên đã bị loại từ Hội đồng GS ngành dược, số còn lại đều đã được Hội đồng GS các ngành y, dược thông qua và đề nghị lên Hội đồng GS Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm nay.
Sau khi tự kiểm tra theo nội dung một bức thư tố cáo, GS Châu nhận thấy không chỉ có một ứng viên đã bị trượt mà 12 ứng viên khác đã được hội đồng ngành thông qua cũng không đạt yêu cầu về công bố quốc tế.
Khi 26 hội đồng GS ngành, liên ngành vừa công bố danh sách ứng viên đề nghị Hội đồng GS Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2020, nhiều người giật mình vì có 95 ứng viên bị loại khỏi danh sách xét GS, PGS (trong số 416 ứng viên). Đây là con số không hề nhỏ, lý do đa phần vì liên quan tới nghiên cứu khoa học.
Nhiều ứng viên bị loại vì số lượng bài báo tăng quá nhanh trong thời gian quá ngắn. Như Hội đồng GS ngành y học có năm ứng viên bị loại. Có ứng viên chỉ trong nửa năm công bố từ 40-50 bài báo khoa học. Hội đồng cho rằng đây là điều không thể và thực sự khó ai làm được như vậy.
Một trong những lý do khiến PGS N.T.T. bị Hội đồng GS ngành cơ học loại khỏi danh sách xét GS năm 2020 là do số lượng bài báo khoa học công bố quá nhiều và tăng đột biến. Năm 2020, chỉ tính đến tháng Chín, PGS N.T.T. đã công bố 77 bài báo. Một số người cho rằng, đây là con số cao đến đáng ngờ. Trong khi bản thân PGS N.T.T. cho rằng ông bị loại khi chưa có cơ hội được giải trình những thắc mắc, nghi ngờ của hội đồng.
Còn theo một chuyên gia về thẩm định khoa học của Trường đại học Tôn Đức Thắng, trích xuất từ Web of Science (Mỹ) thì từ đầu năm 2019, ông T. chỉ có 50 công trình được đăng tải trên các tạp chí ISI.
Khác thông lệ quốc tế
Với hàng chục trường hợp hai ngành y, dược bị “tố” đề nghị xem xét lại, hội đồng cho rằng sẽ rà soát lại. Nhưng theo GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Úc) thì ai sẽ là người xem xét lại? Chẳng lẽ để cho hội đồng GS xem xét lại những hồ sơ mà họ đã thông qua? Đây là vấn đề khó vì chẳng những đòi hỏi tính độc lập mà cả kỹ năng đánh giá các tập san khoa học. Thật ra, ngay những người đánh giá và kết luận các ứng viên “gian lận” hay “đạt” cũng có thể có những sai sót hiển nhiên. Cần phải có hội đồng độc lập, mà thành viên là những người trong ngành y và có kinh nghiệm về công bố khoa học.
Có người dùng từ “gian lận” để chỉ những ứng viên có quá nhiều bài công bố quốc tế dẫn đến nghi ngờ và “đánh rớt”. Theo GS Tuấn, khi các ứng viên khai đầy đủ bài báo công bố, tập san công bố, chi tiết về năm và số báo… thì không thể nói họ gian dối được.
“Vấn đề nằm ở đạo đức công bố. Ở Đại học New South Wales, Úc, bất cứ ai được bổ nhiệm chức vụ khoa bảng phải theo học một khóa về Scientific Integrity (gồm tám môn học), trong đó có môn đạo đức công bố. Học viên phải học cách phân biệt giữa tập san chính thống và tập san dỏm, và quy ước là không công bố trên tập san dỏm. Công bố trên các tập san đó được xem là vi phạm đạo đức công bố”, GS Tuấn dẫn chứng.
GS Tuấn chỉ ra: một vấn đề khác nữa là khái niệm về bài báo khoa học. Hiện nay, tiêu chuẩn để công nhận chức danh GS là năm bài, còn PGS là ba bài. Có nhiều loại bài báo khoa học: bài nguyên gốc, có nghĩa là bài từ nghiên cứu nghiêm chỉnh, dữ liệu lần đầu được công bố; bài case report (báo cáo ca lâm sàng), không phải là bài báo nghiêm chỉnh, vì chẳng có giả thuyết hay mục tiêu gì cả, mà chỉ là mô tả; bài tổng quan, tức là tổng quan y văn từ những bài đã công bố trước đây; bình luận… Nếu xét đề bạt, người ta chỉ xem bài nguyên gốc. Còn các bài khác không được tính, nhưng được dùng để đánh giá ứng viên. Còn ở Việt Nam thì bài nào cũng được tính có giá trị như nhau vì người ta chỉ quan tâm “công bố quốc tế”.
Theo đó, ứng viên có mười bài case report và một bài nguyên gốc thì được xem là đạt chuẩn GS, còn người có ba bài nguyên gốc thì không đạt chuẩn GS. Do đó, khái niệm “bài báo khoa học” phải xem lại để tránh sự bất hợp lý.
Theo GS Tuấn, ngay cả các bài báo khoa học nguyên gốc cũng không thể đánh đồng theo kiểu trung bình hóa. Một bài trên tạp chí The Lancet hay tập san chính thống có uy tín cao không thể xem là có giá trị tương đương với bài trên những “tập san” làng nhàng. Cách đánh giá tập san y khoa của Hội đồng GS ngành y và cả người đánh giá lại có vấn đề, vì lẫn lộn giữa tập san chính thống, tập san phi chính thống và tập san “săn mồi”. Nếu làm nghiêm chỉnh thì cần phải có hội đồng độc lập với những thành viên giàu kinh nghiệm về công bố khoa học thì mới công bằng. Vấn đề sau cùng là ở hội đồng, chớ không phải ứng viên.
Xét và công nhận chức danh GS, PGS luôn là vấn đề gây nhiều tranh luận. Mấu chốt nằm ở sự trung thực trong khoa học và trách nhiệm minh bạch của từng cá nhân, đơn vị liên quan.
Theo tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, Trường đại học Tôn Đức Thắng, sở dĩ có những lùm xùm quanh việc xét GS, PGS hằng năm là do quan niệm về GS trong nước khác với thông lệ quốc tế nên quy trình bổ nhiệm và cách hành xử cũng sẽ khác.
“Tại những đại học tiên tiến trên thế giới, GS là vị trí công việc và chính là vị trí cao nhất của những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy. Họ không coi GS là phẩm hàm, chức danh trọn đời. Khi giao việc xét, công nhận GS cho các trường đại học thì mỗi trường xây dựng một quy trình, tiêu chuẩn bổ nhiệm các vị trí đó theo đề án việc làm, vị trí công việc mà họ đảm nhiệm. Đẳng cấp của GS giữa các đại học phụ thuộc vào đẳng cấp của đại học đó. Việc này nên giao cho các trường đại học xây dựng tiêu chuẩn, quy trình và bổ nhiệm GS. Ví dụ, GS của trường A thì có thể không bằng GS của trường B nếu chất lượng của hai trường khác nhau. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế”, tiến sĩ Út nói.
|
Gia Tuệ