Lại gia hạn cho cửa hàng gas

05/07/2014 - 10:27

PNO - PN - Hiệu lực của công văn 290 do Sở Công thương TP.HCM ban hành vừa được cơ quan này gia hạn đến hết năm nay thay vì 30/6 và trước đó là 31/3. Với việc gia hạn lần thứ hai, công văn này cho thấy đang vấp phải sự phản ứng của...

edf40wrjww2tblPage:Content

Lai gia han cho cua hang gas

Ảnh minh họa: internet

Văn bản này được Sở Công thương TP.HCM ban hành với mục đích sắp xếp lại hệ thống phân phối cũng như kinh doanh gas trên địa bàn thành phố. Trong đó, hơn 1.000 cửa hàng gas thuộc diện hộ kinh doanh cá thể buộc phải chuyển lên DN nếu muốn lấy hàng trực tiếp từ DN đầu mối; ngược lại, họ chỉ được ký hợp đồng mua gas với một tổng đại lý.

Sau khi ban hành văn bản này, đại diện Sở Công thương TP.HCM giải thích, mục đích của công văn 290 là hạn chế tình trạng gas giả, gas thiếu trọng lượng, qua đó đưa thị trường này vào quy củ. Bởi, khi các cửa hàng gas chuyển đổi lên mô hình DN, việc buôn bán không hóa đơn, chứng từ sẽ được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, hôm qua (3/7), đại diện Sở Công thương TP.HCM lại giải thích rằng, mục đích chính của công văn 290 là nhằm hợp thức hóa những cửa hàng gas đang kinh doanh theo dạng ủy quyền (sang nhượng giấy phép do không được mở cửa hàng gas mới trên địa bàn TP.HCM).

Như vậy, cho đến thời điểm này, công văn 290 không những chưa phát huy được tác dụng mà còn làm thị trường rối hơn. Theo ông Liêm, chủ một cửa hàng gas trên đường Hoàng Phan Thái, huyện Bình Chánh, trước thời điểm 30/6, ông phải hủy hợp đồng ký trực tiếp với DN gas để chuyển sang ký với một tổng đại lý của Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), vì cửa hàng của ông Liêm thuộc diện hộ cá thể. Khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến cửa hàng gas mà ngay cả DN cũng than trời.

Ông Thân Văn Do, Giám đốc Công ty Gas Hồng Mộc cho biết, để chấp hành theo công văn 290, Hồng Mộc gas đã thành lập một công ty con để làm tổng đại lý phân phối xuống các cửa hàng. Tuy nhiên, hiện ông Do đang gặp phải không ít rắc rối vì nhiều cửa hàng không chịu ký hợp đồng với tổng đại lý của Hồng Mộc gas. Bởi, theo quy định, cửa hàng gas chỉ được ký với một tổng đại lý, trong khi đó tổng đại lý của Hồng Mộc gas chỉ phân phối duy nhất nhãn hiệu Hgas.

Tình trạng này không chỉ xảy ra với Hồng Mộc gas, bởi hiện trên thị trường nhiều DN cũng phân phối theo mô hình trực tiếp xuống cửa hàng mà không qua khâu trung gian là tổng đại lý. Ông Chu Văn Đức, Phó giám đốc Công ty Thủ Đức gas mặc dù không cho biết cụ thể những khó khăn song ông cho rằng bị vướng rất nhiều từ công văn 290.

Ông Đức từ chối trả lời về vấn đề phân phối gas của Thủ Đức gas ở thời điểm hiện nay. Thủ Đức gas vốn là DN phân phối theo mô hình trực tiếp xuống cửa hàng mà không qua khâu tổng đại lý. Nếu DN này lập hệ thống trung gian để phân phối hàng thì cũng lâm vào tình trạng như Hồng Mộc gas, còn bán trực tiếp cho cửa hàng thì vi phạm quy định công văn 290. Thực tế này đang khiến nhiều DN lâm vào thế khó. Bên cạnh đó, giá gas của những nhãn hiệu phân phối theo mô hình trực tiếp tới cửa hàng thường thấp hơn vài chục ngàn so với những nhãn hiệu phân phối qua trung gian.

Do đó, việc DN và cửa hàng gas vẫn âm thầm buôn bán với nhau có thể vẫn diễn ra. Khi đó, thị trường gas còn lộn xộn hơn và khó quản lý hơn trước đây. Thực tế là thời gian gần đây, thị trường đã xuất hiện việc hạ giá của nhiều nhãn hiệu gas nhằm tranh giành khách. Trong khi đó, vấn đề kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện theo quy định này không phải đơn giản với hơn 1.000 cửa hàng đang hoạt động. Nếu không có biện pháp kiểm tra gắt gao và thường xuyên, người tiêu dùng sẽ là người chịu thiệt bởi họ sẽ đối mặt với tình trạng thị trường gas lộn xộn hơn.

 Ca Hảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI