Lai Châu: Người chết và mất tích, hàng nghìn mái nhà vỡ tan tành vì mưa đá

24/04/2020 - 22:48

PNO - Từ đầu tháng 3/2020 đến nay, huyện Phong Thổ phải chịu 5 đợt mưa đá. Song chưa trận nào lớn như tối 23/4, mưa đá cùng lũ quét đã làm 3 người chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị hư hỏng nặng.

Mưa đá “ném” chết lợn

“Lánh nạn” ở nhà con trai, bà Tả Tẩn Mẩy (bản Nà Giang, xã Bản Lang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại trận mưa đá tối ngày 23/4. Bà nhớ rõ lúc đó khoảng 18g30, cô con gái cắm xong nồi cơm, đang nhặt rau thì gió ào ào thổi đến. Bà Mẩy bảo con: “Thôi gió to thế này thì tắt bếp đi”. Bếp lửa vừa tắt, bà Mẩy nghe thấy lộp bộp trên mái nhà, bà bảo con gái: “Sao ai cứ ném đá hay gì đấy con?”

Mái ngói phi-bro xi-măng của nhà bà Tả Tẩn Mẩy bị mưa đá làm vỡ vụn
Mái ngói fibro xi-măng của nhà bà Tả Tẩn Mẩy bị mưa đá làm vỡ vụn

Lý Xa Đanh - con gái bà trả lời: “Chắc không phải đâu mẹ. Có khi mưa đá đấy”. Ngay sau câu trả lời của Đanh là mái nhà bắt đầu vỡ toác, rơi lả tả xuống nền cùng những viên đá to như quả trứng. “May mà hai mẹ con lấy cái nia đội lên đầu, không có khi đá "ném" chết rồi. Nền nhà đầy đá là đá mà”.

Nhìn mái nhà lợp ngói fibro xi-măng vỡ tan, chồng lại vắng nhà, mẹ con bà Mẩy không biết làm gì, chỉ ôm nhau khóc. Lúc trong nhà không còn chỗ nào trú được, bà Mẩy và Đanh phải chạy ra cái lán cạnh nhà. Lán lợp cỏ tranh, đá không ném thủng được.

Những nóc nhà chỉ còn trơ khung gỗ ở bản Nà Đoong - xã Bản Lang. Ảnh người dân cung cấp
Những nóc nhà chỉ còn trơ khung gỗ ở bản Nà Đoong - xã Bản Lang
Nhà lợp mái tôn ở bản Nà Đoong - xã Bản Lang cũng bị mưa đá ném thủng tan tành
Nhà lợp mái tôn ở bản Nà Đoong - xã Bản Lang cũng bị mưa đá "ném" thủng tan tành

Chờ mãi không hết mưa, mẹ con bà Mẩy lại chạy đến nhà con trai, nhà lợp tôn lạnh nhưng cũng thủng. “Các nhà mái ngói fibro xi-măng thì vỡ hết, các nhà lợp tôn lạnh không vỡ, chỉ thủng thôi. Nà Giang chỉ có vài nhà xây hai tầng, đổ mái bằng là không sao cả”.

Bà con cho biết đây là trận mưa đá lớn nhất từ trước đến nay
Bà con cho biết đây là trận mưa đá lớn nhất từ trước đến nay

Lý Xa Đanh nói: “Trận này mưa đá to nhất, gà vịt nhà em chết hết. Nhà chú và nhà chị gái em, đá còn “ném” chết cả lợn”. Những hình ảnh Đanh chụp, không chỉ Nà Giang, mà bản Nà Đoong cũng tan hoang. Khắp các bản là những mái nhà hoặc vỡ thủng khắp nơi, hoặc chỉ còn trơ khung gỗ. Có hộ không còn một mảnh ngói, tứ phía “tường” tôn móp méo. Ít bao ngô, thóc gác lên áp mái cũng ướt sạch.

Trắng đêm tìm người mất tích theo dấu đồ đạc trong lán

Xã biên giới Mù Sang chịu thiệt hại nặng nề, cả người và của. Phó bản Nguyễn Văn Hưởng vừa lo chỗ “gửi” gia đình vừa lo vận động “góp gạo” cho bà con. Nhà anh Hưởng ở bản Sín Chải, tối 23/4 “lúc đầu mưa bình thường thôi, sau thì vài hạt đá nhỏ, rồi đá to dần, như kiểu có ai ném đá vào nhà. Nhà tôi lợp mái tôn xốp mà cũng thủng. Đêm qua tôi phải đến nhà bạn ngủ nhờ, nhà anh ấy cũng bị thủng, dột nhưng vẫn có chỗ nằm, chứ nhà tôi thì ướt sạch cả chăn màn”.

Cảnh tan hoang do mưa đá, giông lốc ở xã Mù Sang.
Cảnh tan hoang do mưa đá, giông lốc ở xã Mù Sang

“Có 548 nhà thì đến 371 nhà vỡ mái, không ở được. Các bản đều xin xã được mượn các điểm trường mầm non cho dân trú, điểm nào bản không có chìa khóa thì cho phép bà con phá khóa để vào. Đến mức đó cơ đấy!” - phó bản Nguyễn Văn Hưởng thảng thốt.

Ngày hôm đó, bố con anh Hiếu – cán bộ tư pháp xã Mù Sang đi từ Sin Chải về Lùng Than. Về đến nhà thì vừa mưa to, vừa mưa đá, nhà sạt, vợ anh kéo con gái Phàn Thị Vy, anh thì kéo vợ, nhưng cả hai vợ chồng không giữ được cô con gái mới học lớp Một.

Rồi, bản Sàng Cải có hai bà cháu bị lũ cuốn trôi. Đêm 23/4, cả bộ đội, công an xã, công an cắm bản, dân quân và bà con trong bản – hơn ba mươi người tìm kiếm nhưng mới thấy được thi thể của bà Hảng Thị Mái, còn A Sinh và Phàn Thị Vy vẫn chưa tìm được.

Trắng đêm tìm người mất tích ở xã Mù Sang,
Trắng đêm tìm người mất tích ở xã Mù Sang

Ma A Hòa, một thành viên tham gia tìm kiếm kể: “Lán của hai bà cháu không phải do sạt lở, mà vì lũ quét từ trên nương rẫy của dân về, kéo theo lượng lớn bùn, đá và cành cây cuốn lán và 2 bà cháu đi. Suốt đêm đen, trời thì mưa, mỗi người chỉ có một đèn pin đội đầu, nên tìm kiếm rất khó khăn. Cả đội tìm theo hướng quét của lũ, “manh mối” duy nhất là những đồ dùng. Khi thấy đồ dùng, cả đội tập trung dùng cuốc, rồi dùng chân, tay để đào, bới bùn. Không còn cách nào khác cả”.

Hòa gửi tấm ảnh chụp mái nhà thủng toang hoác và bảo: “Nhà em đây, cũng thủng như nhà của hầu hết mọi người trong bản. Còn bà Mái là thím, và A Sinh là cháu trai em. A Sinh mới 3 tuổi chị ạ…” - giọng Ma A Hòa nghẹn lại, anh hy vọng sẽ tìm được cháu trong cuộc tìm kiếm tiếp theo.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, đợt mưa đá, gió lốc, lũ diễn ra diện rộng tại các huyện trong hai ngày 23-24/4 đã làm hơn 1.000 ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ, vỡ ngói và hàng nghìn héc ta cây cối hoa màu bị đổ gãy, dập nát.

Bài: Uông Ngọc.
Ảnh: Người dân cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI