Lại 'ầm ầm' chuyện giữ chồng

08/10/2018 - 18:00

PNO - "Con gái Việt Nam, đàn bà Việt Nam, phụ nữ Việt Nam sẽ đời đời, sẽ cả trăm năm, cả ngàn năm không bao giờ, không khi nào ngóc đầu lên nổi nếu trong đầu còn vấn vương, còn trăn trở các ý nghĩ phải “giữ chồng”.

Trên Facebook vừa xuất hiện bài viết của tác giả Liên Hoan với tựa đề khá sốc: Việc đếch gì phải giữ chồng. Chuyện là, khi nghe lỏm được một đoạn đối thoại giữa những người phụ nữ chỉ nhau cách giữ chồng, tác giả vô cùng phẫn nộ, bực bội nói: “Con gái Việt Nam, đàn bà Việt Nam, phụ nữ Việt Nam sẽ đời đời, sẽ cả trăm năm, cả ngàn năm không bao giờ, không khi nào ngóc đầu lên nổi nếu trong đầu còn vấn vương, còn trăn trở các ý nghĩ phải “giữ chồng”.

Lai 'am am' chuyen giu chong
Việc gì phải giữ chồng? Ảnh minh họa

Bằng giọng văn châm biếm, mỉa mai hài hước như thường lệ, tác giả phân tích những lý do để phụ nữ đừng bận tâm chuyện giữ chồng, nhất là phụ nữ Việt Nam, rằng đàn ông Việt đa phần có “vẻ ngoài thì tầm thường, học thức thì lơ mơ, đạo đức thì lem nhem, kiếm tiền thì èo uột, quần áo thì xốc xếch, bụng thì to, má thì mỡ”.

Nhiều năm gần đây, với những biến chuyển tư duy trong xã hội, đặc biệt là trên Facebook, có một luồng ý kiến ngược với những tư duy, cách hành xử, quan niệm thuộc về truyền thống trong hôn nhân và tình yêu, ví như chuyện “giữ chồng” này. Câu khẩu hiệu: “Chồng phải giữ mình chứ việc gì mình phải giữ chồng” đã trở nên khá quen thuộc và được những người có tư tưởng phóng khoáng, mạnh mẽ, tự tin cổ vũ nhiệt liệt.

Nhiều người cho rằng, những người phát biểu như thế thường là những phụ nữ nổ, chảnh hay suy nghĩ lệch lạc. Nhưng nếu quan sát kỹ, có thể nhận thấy một điều rằng, dù điều họ nói có phần nghịch nhĩ số đông - những người vẫn coi trọng truyền thống, nền nếp; đại đa phần họ là những người giỏi, đẹp, hay là cả hai.

Lai 'am am' chuyen giu chong
Nhà thơ Trần Mai Hường

Họ, như nhà thơ Trần Mai Hường phát biểu: “Hiểu rõ giá trị của bản thân”. Theo chị, không thể hiểu vì sao đàn bà, phụ nữ Việt Nam cứ phải khư khư cái mong muốn giữ được chồng. Đàn ông có mấy người xứng đáng để ta phải dụng công, tìm cách giữ? Hơn nữa, hạnh phúc là của chung, chẳng phải dành cho riêng ai, nên cả hai đều phải có trách nhiệm giữ gìn, cùng nhau xây đắp. Mà đàn ông luôn bảo mình có trách nhiệm lớn hơn, cao hơn, họ là trụ cột gia đình nên “xây tổ ấm” cũng là trách nhiệm lớn của họ chứ chẳng phải chỉ “xây nhà” là xong. Cho nên, chị bảo: “Xưa nay, ai giữ tôi thì giữ, chứ tôi chẳng giữ ai, nhất là kiểu chồng không đáng, không hiểu trách nhiệm của mình, không tự biết giữ mình thì… cho đi luôn cho khỏe”.

Không lớn tiếng tuyên bố, cãi cọ hay phản bác, số đông những người vợ vẫn coi trọng nền nếp, truyền thống thì nhẹ nhàng bảo: phải giữ chứ. Chị Thùy Trần coi việc giữ chồng là niềm tự hào của mình, bởi: “Trên đời, chẳng có cái gì quý mà lại không cần giữ. Chồng mình ra đường mà chẳng ai thèm ngó thì có gì hay ho?”.

Dưới tựa đề Chồng em, em trân quý, nhà thiết kế Sương Nguyễn phản bác bài viết của tác giả Liên Hoan một cách hài hước không kém: “Thấy các mẹ share như vũ bão lời nhắn nhủ Việc đếch gì phải giữ chồng của cô Liên Hoan như sấm truyền, như xô nước lạnh tạt thẳng vào cửu âm chân kinh “xuất giá tòng phu” giữa hè oi ả, như cô gái quê u mê lên phố, mở to mắt thấy nhiều thứ lấp lánh tươi xinh khẳng định đúng rồi, khác hẳn bờ đê ao cá quê nhà. Đúng đúng, giữ mệt bỏ xừ, bỏ ngay ra cho lão chồng rách việc biết tay. Thế là như bị bạo hành bao năm được xoa dịu, như áp bức bao năm được cất tiếng nói giúp thay lời, vùng lên nào các chị em ơi, nhanh tay bỏ chồng nào các chị em ơi”.

Lai 'am am' chuyen giu chong
Chị Thùy Trần

Tách từng luận điểm trong bài viết của Liên Hoan, nhà thiết kế Sương Nguyễn phân tích: “Các mẹ đọc lại kỹ xem nào, há chăng cô ấy lại vén váy nhẹ nhàng khuyên chúng ta nên mở to mắt ra mà chọn chồng cho kỹ, đừng vì sợ ế, bị gia đình thúc ép hay lấy chồng cho có với người ta, hoặc để kiếm một mụn con rồi vơ đại cái đồ khỉ gió hay mốc xì. “Yêu trong mù lòa” là một cụm từ mị dân hết sức. Mà nếu như sau cơn mê, mở mắt cho to nhìn vào thực tại, thấy ê chề thiểu não thì “nhẹ nhàng buông tay” chớ đừng chơi trò kéo co, kẻ thắng ngã về sau dập mông, người thua bổ nhào về trước sấp mặt. Kém sang vô cùng”.

Lai 'am am' chuyen giu chong
Nhà thiết kế Sương Nguyễn

Phản bác lại ý tứ đàn ông Việt sợ nhất phụ nữ không cần tiền vì họ chỉ có thông qua tiền để biểu lộ tình cảm, nhà thiết kế Sương Nguyễn viết: “Cô Hoan ơi, ai mà chả cần tiền hả cô? Không tiền thì sao mà đi du lịch lãng mạn uyên ương “ăn, cầu nguyện và yêu”. Túp lều tranh, chõng tre đau lưng, ê mông, quỳ đau gối lắm. Nhưng tiền ở đây phải là tiền đồ của lang quân mình chọn phối ngẫu. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Chớ của nả của ông bà bô, mình nhào vô, chả xơ múi gì, sứt đầu mẻ trán, đi ra tay trắng bẽ bàng một phen. Lại thêm cô ấy khuyên chọn chồng cho đáng tấm chồng, cây tùng cây bách không cần thi Nam vương nhưng kiến thức uyên thâm quảng giao bặt thiệp. Chớ đừng vì tiền nhắm mắt đưa chân cho trọc phú bá hộ thì thương ngọc tiếc hoa”.

Vậy là giữ chồng thì chắc chắn phải giữ rồi, chỉ là cần nhìn nhận cho rõ giữa người đáng và không đáng giữ. Chuyện đó thì phân tích xong, ai cũng gật đầu. Ừ, nếu bạn có một người chồng cây tùng cây bách như Sương Nguyễn bảo mà bạn chẳng coi trọng thì rồi sẽ có kẻ nhòm ngó mà “thuổng” đi thôi. Song giữ chồng cách nào là vấn đề chưa bao giờ cũ dẫu cũng chẳng hề mới mẻ. Chị Thùy Trần bảo: “Ông bà bảo vợ chồng phải tương kính như tân, phải biết cư xử lễ độ, tình nghĩa với nhau; phải biết chăm sóc nhà cửa, biết đối đãi hiếu thuận với hai bên gia đình. Cái giữ đây là giữ chính bản thân mình, làm sao cho chồng thấy ở bên mình là hạnh phúc, là vui vẻ, thoải mái, là tốt nhất thì có ai muốn bỏ đi”.

Nhà thiết kế Sương Nguyễn thì khuyên bóng bẩy hơn: “Bây giờ đã là thời đại 4.0, hội bỉm sữa bán dạo như Ớt (nick của chị) đây còn phải nâng cấp phần mềm máy tính. Ở nhà tập bán rượu, bán đường, bán mật đi, cái đó bên ngoài nhiều lắm nhưng không an toàn vệ sinh. Của nhà vẫn hơn cả. Bản thân mình tốt, thì người phối ngẫu kề bên đương nhiên là trân quý mình, việc gì phải xoắn”. Nâng cấp phần mềm máy tính ở đây, theo chị, chính là làm mới, làm đẹp, làm tốt hơn bản thân mình mỗi ngày, làm sao cho mình thành rượu cho người ta say, đường cho người ta ngọt. Đó chính là phương cách giữ chồng hiệu quả nhất.

Lai 'am am' chuyen giu chong
Ảnh minh họa

Cuối cùng, đề tài đang được bàn tán um sùm trên Facebook - “Có cần phải giữ chồng hay không?” - được chị Thùy Trần kết luận rất ngọt ngào: “Đã là vợ chồng thì đừng so bì hơn thua với nhau là ai cần giữ ai. Khi cái tôi của một trong hai người quá lớn thì chẳng có gì có thể giữ nổi nhau”.

Tuyệt đại đa số những phụ nữ ủng hộ quan niệm phải giữ chồng đều hiểu chữ “giữ” theo một nghĩa rất rộng: không phải là canh giữ, chiếm giữ, khư khư không buông 24/24 giờ, cấm cản, ghen tuông, thù địch, nghi ngờ với cả thế giới... mà bên cạnh sự giữ chồng khéo léo bằng cách tôn lên giá trị của mình còn là sự “giữ gìn”, sự coi trọng, tôn trọng, nể vì lẫn nhau, người này hiểu rõ giá trị của người kia. “Hạnh phúc đúng là của cả hai nên cả hai phải cùng giữ. Một người nắm, còn một người cứ xé ra thì hạnh phúc đó liệu có còn hay không?” - chị nói. 

Giữ chồng là chuyện đương nhiên chứ không hề là thứ để ta so đo, tính toán xem mình hay chồng cần phải giữ nhau. Điều quan trọng cần chú ý chỉ là: phải xác định được người chồng đáng giữ và không đáng. Giữ người chồng không đáng giữ hay không giữ người xứng đáng đều là thảm họa như nhau, sẽ khiến ta phải đớn đau, tiếc nuối.

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI