|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Thủy hay than phiền chồng, than số khổ mới lấy anh này. Cô càm ràm suốt ngày, nghe như thể cô bỏ chồng tới nơi. Nhưng chồng cô lại tự tin khẳng định: “Thủy không thể bỏ chồng”.
Với Thủy, hôn nhân không như ý khi cô quần quật lao động, vun vén tổ ấm, ít có thời gian nghỉ ngơi mà chồng cô lại cho rằng đó là bổn phận của vợ. Chồng nói vẫn đi làm kiếm tiền, đâu phải bỏ mặc vợ, chỉ là chồng ưa nhậu, giống như vợ... ưa nói vậy, rằng lấy được người chồng như anh ấy là may mắn rồi.
Mà Thủy than thở vậy đó, chứ chồng khuya quá chưa về là cô nóng ruột, gọi điện thoại chồng không được thì gọi bạn nhậu của chồng. Cô sợ chồng gặp chuyện bất trắc.
Nhiều khi cô mệt mỏi, cuộc hôn nhân này khiến cô “đau”, nhưng cô không thoát ra được, không phải vì bế tắc mà theo như mẹ cô là cô đau chưa “tới”.
Những nỗi đau đó do mình tự mang vào thân, than vãn như một cách tự giải tỏa. Chồng nghe quen tai nhưng khó chuyển biến. Chồng cô kết luận: “Phụ nữ mà cái miệng hay nói bỏ chồng thì thường không bỏ chồng đâu”. Tức là anh ấy đã quá quen tính cách vợ, xem những lời vợ nói không hề nặng ký, chỉ là cách trút giận thường ngày thôi.
Người chồng hiểu vợ vốn ưa nói nên cũng mặc kệ, cứ nói cho đã đi, anh đây chẳng cần phải thay đổi, dại gì, cứ vui với những thú vui riêng, vợ vẫn thương mình đấy thôi.
Tuần trước, cả xóm hoang mang khi biết tin vợ chồng Hà ly hôn. Hôm trước, họ chở nhau đi làm, hôm sau chở nhau ra tòa. Chẳng ai biết lý do, nhưng có lẽ người trong cuộc đã đau “tới”, đã tính kỹ rồi. Có thể họ không thuộc kiểu bù lu bù loa, mà trầm lặng, dứt khoát. Chia tay trong văn minh, lịch sự, không muốn làm xáo trộn con cái, không khiến thiên hạ tò mò. Vợ chồng Hà có lẽ có nguyên tắc riêng. Độc lập về cả tâm hồn và kinh tế nên nhanh chóng quyết định. Dù sao cũng quá bất ngờ, bởi hầu như ai cũng tin tưởng vào cuộc hôn nhân của họ.
Những người có tuổi ở xóm tôi lại thích cách sống dù có phần than vãn của Thủy, có chút vô tâm của chồng Thủy, nhưng hôn nhân của họ nhìn vậy mà duy trì được lâu, bởi không ai cao ngạo, mà huỵch toẹt, không để bụng, quan trọng là giữ gia đình cho con cái. Với những người đã qua nhiều năm thử thách hôn nhân thì quả ngọt của hôn nhân, xét cho cùng, là con cái và dĩ nhiên họ vẫn còn yêu nhau.
Ngược lại, một số người trẻ chọn cách vợ chồng có gì đóng cửa bảo nhau, không quá khích, không làm những việc khiến không còn là mình, không làm bản thân xấu hổ hay khiến người khác cười chê, không tùy tiện nói ra những điều khó nghe với mọi người, không buông lời thô lỗ khi giận dỗi, rằng ly hôn cũng phải “sang” như vợ chồng Hà mới được: chở nhau ra tòa, hàng xóm không ai hay biết...
Nhưng thử hỏi, “sang” như thế, người trong cuộc đã nư, liệu con cái có “đau” không? Giải quyết câu chuyện mau chóng kiểu bất cần, chốt hạ hôn nhân bằng cái tôi quá lớn, có gì hay? Nghe đâu chồng Hà có bồ. Mặc chồng xin tha thứ, nhưng Hà cảm thấy bị xúc phạm, vì quá tổn thương, cô chọn con đường ly hôn, vì cô tin khi rời xa con người bội bạc ấy, Hà vẫn sống khỏe.
Với phụ nữ, có lẽ nỗi đau do bạn đời gây ra là nỗi đau khiến họ tổn thương nhất. Nỗi đau ấy thường là chồng ngoại tình, tổn thương vì lời ăn tiếng nói của chồng, tài chính eo hẹp cũng giết chết hôn nhân... Có người biết cách quên nỗi đau để vực dậy hạnh phúc, nhưng cũng có người mau chóng cắt đứt nỗi đau bằng cách ly hôn. Mỗi người mỗi tính, mỗi nhà mỗi cảnh, những mảng màu hôn nhân là những câu chuyện về hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mỗi người, trong đó không thể phủ nhận sự cố gắng của bản thân họ, bởi con đường hôn nhân vốn không trải hoa hồng, mà lắm lúc gập ghềnh, mỏi mệt.
Phụ nữ kết hôn rồi, đâu chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân, mà còn cõng trên vai những đứa con thơ. Có ba, có mẹ vẫn hơn. Có những cuộc hôn nhân tưởng gãy gánh ngày trẻ, nhưng đến tuổi trung niên thì lại rất mặn nồng. Tôi vẫn luôn lưu ý với con gái mình, chỉ chọn ly hôn khi hết cách giải quyết. Khe cửa hạnh phúc dù hẹp đến mấy, cũng nên cố gắng lách qua.
Song Nguyên