|
Hồ Núi Đá - thung lũng Ma Thiên Lãnh được nhiều gia đình lựa chọn làm điểm vui chơi vào dịp cuối tuần - Ảnh: Nguyễn Thiện |
Nơi tiếp giáp giữa núi Bà Đen, núi Phụng và núi Heo thuộc địa phận xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh là cái lòng chảo mà từ lâu người dân địa phương quen gọi là thung lũng Ma Thiên Lãnh. Với vẻ đẹp tự nhiên nhờ sở hữu cánh rừng nguyên sinh tuyệt đẹp, các con suối chảy len qua phiến đá và khí hậu mát mẻ quanh năm, Ma Thiên Lãnh còn được dân phượt gọi là Đà Lạt của miền Đông Nam Bộ.
Đường lên Ma Thiên Lãnh quanh co uốn lượn, một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu, cây cỏ rậm rạp xanh tươi. Cảnh quan dù đẹp nhưng nguy hiểm, không phù hợp số đông. Vì vậy, người đến leo núi để ngắm nhìn thung lũng từ trên cao thì ít, mà đến hồ Núi Đá ở khu vực chân Ma Thiên Lãnh là chủ yếu.
|
Mỗi mùa nơi đây đều có hương vị riêng - Ảnh: Nguyễn Thiện |
Khác với con đường nhựa phẳng phiu chạy lên Ma Thiên Lãnh, đường vào hồ Núi Đá khá gập ghềnh. Vậy nhưng tôi lại thích cái dằn xóc tự nhiên và khác biệt đó. Hàng chục năm nay, từ khi hồ Núi Đá - Ma Thiên Lãnh được đưa vào danh sách kêu gọi đầu tư thành khu du lịch không tác động đến môi trường thì sự gập ghềnh, lắc lư của đoạn đường dẫn này càng nhiều hơn. Ổ gà ít đi, ổ voi nhiều lên, đồng thời lượng người đến hồ cũng ngày càng tấp nập hơn…
Nhiều năm nay, hồ Núi Đá chỉ có một mái nhà khung sắt lợp tôn dựng tạm dành cho du khách trốn mưa, còn lại là những chiếc lều dã chiến hình chữ A ven hồ. Khách đến nếu không thích ngồi lều thì cứ trải bạt hoặc lót giấy báo rồi ngồi tràn ra đất bởi quanh hồ chỗ nào gió núi cũng đến, hương tràm cũng nghe, cũng thấy rõ mặt hồ tuy không phải hồ Gươm vẫn… lung linh mây trời.
|
Nơi xuất hiện trong bộ ảnh cưới của nhiều cặp đôi - Ảnh: Nguyễn Thiện |
Hồ Núi Đá - Ma Thiên Lãnh ngày đầu năm mới có nhiều nhóm người đến chơi. Xe từ các tỉnh, thành khác nhau đậu kín bờ hồ. Chỗ đông nhất là nhóm gia đình, vợ chồng, con cái, bạn bè hơn chục người rôm rả. Nhiều chỗ, dăm bạn trẻ thay phiên nhau chụp ảnh. Có đôi bạn lặng lẽ ngồi đối diện giữa cái bàn bé xíu có ít thức ăn và 2 chai nước lọc trong túp lều chữ A nhìn thẳng ra mặt nước. Họ thì thầm gì đó, lâu lâu lại chụm đầu vào nhau. Người đàn ông trước mặt tôi ngồi lặng lẽ trên phiến đá cạnh hồ nhìn về phía núi như đang ngồi thiền. Có lẽ anh muốn tâm mình lắng lại, ngẫm nghĩ những buồn vui đã qua sau một năm. Hồ Núi Đá chiều cuối tháng Chạp mang màu trầm mặc. Những bụi cỏ lau rải rác quanh hồ đang lụi tàn. Gió chiều từ vách núi bên kia thổi về đất liền mang theo hơi lạnh “nổi da gà”… Tất cả càng gợi thêm sự tò mò nơi những người thích chinh phục thử thách.
Tôi đến hồ Núi Đá nhiều lần vào nhiều thời điểm khác nhau của năm. Mỗi mùa nơi đây đều có hương vị riêng. Mùa mưa, cây cỏ xanh tươi, hoa sung, hoa sen nở bung đỏ tím bờ hồ. Gió mát thổi từ đất, bay ngang mặt hồ rồi âu yếm chạm vào vách núi làm vang lên những âm thanh thơm mùi đá núi. Du khách lại đi qua mấy trăm mét đường dẫn với những ổ gà, ổ voi đục màu nước sình bùn để được thò tay chạm sắc màu đỏ tím của hoa súng, hoa sen. Mùa khô, nước hồ trong xanh như thấu đáy, mây giăng soi bóng nước gợn sóng lăn tăn, vách núi đốm da beo, gió rét mang hương vị hanh khô mùa tháng Chạp lại thổi ngược từ núi quay vô đất liền. Hồ Núi Đá lại trở thành nơi chụp ảnh cưới của những cặp chính thức nên duyên vợ chồng.
|
Tìm về chốn bình yên giữa thiên nhiên hoang sơ - Ảnh: Nguyễn Thiện |
Chiều đầu năm, bỗng dưng nhớ hồ Núi Đá, tôi lấy xe chạy xuyên những vệt dài cỏ lau mùa rụng bông đang phất phơ hai bên vệ đường rồi vô đoạn đường dẫn dằn xóc, gập ghềnh… với tốc độ chậm rì của chiếc 67 già nua mà cha tôi mua cho hồi tôi đậu đại học. Lần này, bỏ qua thói quen của chính mình và nhiều khách phương xa, tôi rồ ga, len lỏi theo lối mòn nhỏ, rộng chưa đến một bước chân, nằm chếch về phía trái bờ hồ để vòng qua bên kia, nơi có những vách đá của núi Phụng như được ai đó dựng sẵn theo chiều thẳng đứng, để thử một lần nhìn từ phía ngược lại của hồ Núi Đá.
Để xe ở cuối lối mòn, tôi men theo vệt đá dăm có dấu chân người, rồi luồn qua những tảng đá to xếp tầng, xếp lớp mà tạm bợ, chênh vênh như thể chỉ cần ho một tiếng to, đá cũng có thể giật mình mà lăn xuống mặt hồ. Tận mắt thấy những sắp đặt bất ngờ của tạo hóa mới hiểu sự kỳ bí của thiên nhiên là vô tận. Giống như hòn đá thiêng nghiêng mãi mà không đổ ở chùa Đá vàng (Golden Rock) Miến Điện - nhìn từ xa, ai cũng có cảm giác hòn đá ấy sắp rơi xuống vực vậy mà nó vẫn trụ vững hàng ngàn năm qua…
Tôi chọn một phiến đá bằng phẳng để ngồi rồi ngắm bãi đất rộng nằm cuối lối mòn dưới chân núi Phụng. Bất chợt, gió lại luồn vách đá mang theo mùi thơm của mấy trái sung chín rụng phảng phất khắp không gian hoang sơ điệp trùng màu xanh cây cỏ.
- Từ trung tâm thành phố Tây Ninh đến hồ Núi Đá khoảng 13km: theo Đại lộ 30/4 - Trần Phú - DT785 đi về hướng Tân Châu. - Ở hồ Núi Đá chỉ có thức uống đóng chai các loại, giá cao nhất 15.000 đồng/chai. Có một điểm phục vụ thức ăn theo yêu cầu, chủ yếu là gà thả vườn được chế biến đơn giản (luộc, nướng, bóp gỏi, nấu cháo…). Trái cây núi (chuối, xoài, chôm chôm, nhãn, mít…) giá rẻ và bán theo mùa. Nên mua tại ngã ba Ma Thiên Lãnh - hồ Núi Đá. Có vài xe kem, kem chuối, cá viên chiên… chuẩn “nhà làm”. - Thời điểm chụp hình đẹp nhất là buổi sáng (khoảng 9 - 11g). Du khách có thể mang theo mọi thứ để phục vụ buổi picnic cá nhân. Nếu không có kế hoạch đốt lửa ngủ lại nơi bờ hồ, vách núi, nên rời hồ Núi Đá trước 16g. - Nơi đây không có dân phòng, công an nhưng an toàn. Nhớ dọn rác sạch sẽ trước khi rời đi. - Điểm tham quan lân cận là chùa Khe Dol (Botum Kiriangsay) của dân tộc Khmer, cách hồ Núi Đá 6km về hướng bắc. |
Nguyễn Thiện