Có một “thiên đường” phụ liệu cho handmade tại Sài Gòn, tha hồ cho bạn khám phá.
“Con đường tơ lụa”
Đó là cách ví von của du khách khi đến chợ vải Soái Kình Lâm (đường Trần Hưng Đạo B, Q.5, TP.HCM), còn gọi là thương xá Đồng Khánh. Đây là ngôi chợ chuyên buôn bán lẻ vải với giá “mềm” và lâu đời nhất Sài Gòn.
Ấn tượng ban đầu thu hút khách du lịch khi đến với Soái Kình Lâm là những sạp vải cao ngất ngưởng, nhiều chủng loại và rực rỡ sắc màu. Đặc điểm của khu chợ là mỗi gian hàng chỉ bán một loại vải nhất định với đủ màu sắc và họa tiết khác nhau.
Ở đây, không thiếu bất cứ một loại vải nào: thun, voan, kaki đến rèm cửa, đệm, drap, khăn trải bàn… Chỉ cần khách muốn tìm và ngỏ lời, người chủ hàng nào cũng niềm nở chỉ dẫn nhiệt tình, tạo nên nét văn hóa riêng biệt so với các chợ vải khác trong thành phố.
|
Dễ dàng tìm mua bất cứ phụ liệu handmade nào chỉ bằng một cú “nhấp chuột”. |
Giữa sắc màu tươi sáng của những cuộn vải, người hỏi mua, người đo, người cắt, người chở hàng… gọi nhau í ới khiến khu chợ luôn sầm uất từ sáng sớm đến chiều tối. Dù nơi đây đa phần bán sỉ cho dân buôn vải, nhưng nếu khách có nhu cầu mua lẻ vẫn sẽ được đáp ứng, dù giá có nhỉnh hơn chút đỉnh.
Chị Thanh Hồng - chủ sạp vải Thanh Hồng có nhiều năm buôn bán ở chợ, chia sẻ: “Nơi này có đủ các mặt hàng vải, với đủ chủng loại, màu sắc khác nhau. Tôi có bạn hàng là đầu mối cung cấp vải cho các tỉnh lân cận, một số thì cung cấp ở địa bàn thành phố. Khách nước ngoài cũng thường ghé tham quan và mua hàng vì thích những mẫu vải đẹp”.
|
Vải ở chợ Soái Kình Lâm. |
Nhiều cửa hàng may mặc, nhà thiết kế thời trang thường đến đây “săn” các mẫu vải độc đáo. Tùy từng loại vải có giá bán khác nhau, có loại chỉ mấy chục ngàn đồng nhưng có loại lên tới vài trăm ngàn đồng một mét. Vì vậy, đã đi chợ Soái Kình Lâm, bạn nên chuẩn bị nhiều tiền trong “hầu bao” bởi đến đây rồi gần như không ai ra về tay không.
Cách chợ Soái Kình Lâm không xa là chợ Đại Quang Minh (đường Châu Văn Liêm, Q.5, TP.HCM) - một địa điểm không thể không biết của các “tín đồ” handmade. Đây cũng là chốn quen của một số nhà thiết kế thời trang khi muốn tìm món phụ liệu “mới ra lò”.
Từng quầy sạp san sát nhau với cơ man nào vòng, dây da, hột cườm, hoa vải, kim chỉ, ren, ruy băng, mặt dây chuyền... với giá cực kỳ “hạt dẻ”.
Bạn Nguyễn Thị Thanh Trà - sinh viên năm 3 khoa Thiết kế, trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM, hào hứng: “Tôi có thể tìm thấy bất cứ thứ gì cần thiết cho môn học. Nhiều lúc, giữa muôn vàn các món phụ kiện, chẳng có gì lạ nếu bạn muốn mua hết, mua cả những thứ ban đầu không tính mua. Không ít lần, tôi vào chợ để tìm mua chỉ thêu, nhưng cuối cùng lại “tậu” về một mớ dây da để làm vòng đeo tay. Hoặc có khi ý tưởng mới để thiết kế áo quần hoàn toàn thay đổi khi vô tình thấy món phụ liệu mới”.
|
Tất tần tật phụ liệu handmade đều có mặt ở nhiều khu chợ Sài Gòn. |
Không chỉ dân mê đồ handmade, cả những người lần đầu đến Sài Gòn cũng háo hức tham quan chợ Đại Quang Minh. Bạn Trần Thị Minh Nguyệt (25 tuổi, quê Cà Mau) bộc bạch: “Nghe nhiều người kể về ngôi chợ nổi tiếng này, bạn bè tôi đến đây cũng khen nên có cơ hội đến thành phố tôi ghé một lần cho biết. Thật bất ngờ, ở đây món gì cũng có, cả những món “độc, lạ” nếu chịu khó tìm kiếm, giá cả lại cực rẻ”.
Chủng loại hàng hóa phong phú, giá cả phải chăng, chợ Đại Quang Minh không ít lần trở thành địa điểm “vàng” xuất hiện trong chương trình về thời trang trên các phương tiện truyền thông. Hiện tại, khu chợ này có hơn 600 hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, chợ chỉ chuyên bán sỉ, bạn còn phải có khả năng đánh giá hàng hóa thì mới có thể trả giá và phân biệt được hàng tốt hay xấu.
Tấp nập chợ da
Tọa lạc trên đường Hòa Hảo cắt với đường Lý Thường Kiệt (Q.11, TP.HCM), chợ da Hòa Hảo lúc nào cũng tấp nập kẻ mua người bán.
Những gian hàng bán da với các cuộn da lớn chất thẳng đứng cao hơn đầu người. Nhiều người nghĩ da chỉ có vài màu đặc trưng như nâu, đen, xám... nhưng đến đây mới thấy được sự phong phú về màu sắc của những loại da. Ở đây có “tất tần tật” những gì cần thiết để tạo ra một chiếc túi da xinh xắn, độc đáo có một không hai. Chợ có da thật từ da trâu, da bò, da cừu, da cá sấu, da đà điểu, da tổng hợp, simili, và cả búa, kéo, kìm, kim...
Da được bán theo đơn vị là nia, một nia chỉ có giá tầm vài chục ngàn đồng. Những mảnh da vụn nhỏ hơn có thể được bán theo ký với giá rẻ bèo, dùng làm vòng, dây đồng hồ hay bóp...
Theo giới mộ điệu thời trang, trong các vật liệu may quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện… chất liệu có giá thành cao nhất hiện nay là da. Có độ bền, đẹp lại hợp thời trang nên hầu như những sản phẩm làm bằng da không bao giờ lỗi mốt.
So với sản phẩm bằng jean thì da là chất liệu càng cũ lại càng đẹp và giá thành tất nhiên cũng cao ngất.
Chị Võ Thị Xuân - chủ shop online chuyên về các sản phẩm từ da tiết lộ kinh nghiệm, để mua đúng da thật, cách đơn giản nhất là ấn ngón tay lên mảnh da đó. Nếu da thật, khi ấn xuống sẽ có vết lõm nhưng mặt da nhanh chóng trở lại trạng thái ban đầu vì chúng có sự đàn hồi tốt. Chạm tay vào, nếu thấy da lạnh thì đó là da giả làm từ nhựa tổng hợp.
Đi chợ online
Thời đại công nghệ, chẳng cần bước chân ra khỏi nhà bạn vẫn có thể mua được những món phụ liệu để thỏa niềm đam mê. Bởi chỉ cần một cú nhấp chuột là hàng đã có mặt ở nhà bạn. Lưu ý, trước khi mua bất cứ mặt hàng nào bạn cũng nên đọc những lời bình luận của người mua trước đây. Với các mặt hàng như vải hay da thuộc thì nên xem kỹ hình ảnh, kích thước và miêu tả để tránh mua nhầm.
Khi bạn quyết định mua một món hàng nào đó qua kênh thương mại điện tử, hãy hỏi kỹ về hình thức đổi trả và thanh toán để tránh bị lừa. Tốt nhất nên tham gia vào những hội nhóm chuyên buôn bán phụ liệu để tham khảo.
Có một số hội hay trang facebook mà bạn có thể tham khảo: Hội buôn bán vải và phụ kiện may mặc TP.HCM, Vải giá rẻ cho chị em, Chợ Vải và Phụ kiện may vá, Chợ da, Dụng cụ và phụ kiện làm da, Chợ đồ da thủ công, Phụ liệu Handmade TP, Lọ mọ Shop - nguyên phụ liệu và đồ handmade…
Phúc Hưng