Lạc quan với mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 8,5 tỷ USD

15/01/2018 - 20:00

PNO - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2018, ngành thủy sản sẽ đối diện với những thách thức rất lớn nhưng thủy sản vẫn có nhiều khả năng chiếm tỷ trọng cao trong các mặt hàng xuất...

Nhiều doanh nghiệp thủy sản hiện đang nỗ lực thay đổi việc sản xuất, khai thác theo hướng bền vững. 

Lac quan voi muc tieu xuat khau thuy san dat 8,5 ty USD
Năm 2018, ngành thủy sản có nhiều khả năng chiếm tỷ trọng cao trong các mặt hàng xuất khẩu.


Khai thác thêm nhiều thị trường mới

Những lô thủy sản xuất khẩu đầu tiên trong năm mới 2018 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức long trọng chẳng khác gì một buổi “xuất quân”. Hơn 60 tấn thủy hải sản trong ba container sẽ được xuất đến Mỹ, Canada, châu Âu (EU) đã chính thức lên tàu tại Tân Cảng Sài Gòn sáng 14/1. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu thủy sản 8,5 tỷ USD trong năm 2018. Theo ông Cường, trong năm 2017, với hàng loạt khó khăn do thiên tai và sự siết chặt yếu tố an toàn đầu vào từ các thị trường, xuất khẩu thủy hải sản cả nước vẫn đạt trị giá kỷ lục là 8,3 tỷ USD.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong năm 2018, ngành thủy sản sẽ đối diện với những thách thức rất lớn. Trong đó phải kể đến việc ngành này đang bị thẻ vàng từ thị trường EU, thủy hải sản xuất khẩu bị cảnh báo về tồn dư kháng sinh, tạp chất nhưng đây cũng là năm mà ngành này quyết liệt chuyển từ lượng sang chất để đối diện với những khó khăn kể trên trong bối cảnh Luật Thủy sản mới có hiệu lực.

Cụ thể, ngành hải sản sẽ được tổ chức lại chu trình khai thác, từ kiểu “nghiệp đoàn toàn dân” sang hướng bền vững, kiểm soát được nguồn gốc theo đúng yêu cầu của EU. 

Mặt khác, ngành này cũng sẽ đẩy mạnh khai thác những thị trường còn nhiều tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc bên cạnh những thị trường truyền thống như Mỹ, EU. “Với quyết tâm từ người nuôi trồng, đánh bắt đến doanh nghiệp và Chính phủ, xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi…” - ông Cường khẳng định. 

Chú trọng yếu tố an toàn 

Đồng tình với nhận định này, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn - cho rằng, những kỳ vọng về doanh số xuất khẩu của ngành hoàn toàn có cơ sở khi doanh số nhiều mặt hàng, chẳng hạn như cá tra, đang tốt lên trông thấy.

Hiện, giá cá tra xuất khẩu đã vượt  mức 3 USD/kg. Điều đáng mừng là cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn người nuôi đều chú trọng đến yếu tố chất lượng chứ không chạy theo số lượng.

Theo bà Khanh, hiện không có sự khác biệt về yêu cầu giữa các thị trường, bất kể là Mỹ hay Trung Quốc. Những quan điểm cho rằng, thị trường Trung Quốc “dễ tính” không còn phổ biến.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang tận Việt Nam thu mua, lập nhà máy chế biến đưa về Trung Quốc; khi vào đến thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng chỉ biết là con cá tra đến từ Việt Nam, và khi có vấn đề về chất lượng thì họ chỉ biết đó là cá tra Việt Nam chứ không cần tìm hiểu ai là nhà cung ứng.

Vì lẽ đó, nếu Nhà nước kiểm soát chặt chất lượng ngành hàng này, thị trường sẽ công bằng và bền vững hơn.

Nhiều nhà xuất khẩu hiện đã nhận ra tiềm năng to lớn của thị trường này, người Trung Quốc rất giỏi trong chế biến thực phẩm nên đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguồn nguyên liệu.

Nhu cầu với con cá tra tại thị trường này liên tục tăng, đặc biệt là ở các nhà hàng tổ chức theo chuỗi. Khách hàng Trung Quốc cũng quan tâm đến màu sắc, chất lượng sản phẩm nhập khẩu nhiều hơn.

“Hiện cá tra vẫn ở trong trạng thái cung không đủ cầu nên doanh số xuất khẩu trong năm 2018 sẽ cao hơn năm 2017” - bà Khanh nhận định.

Tuy nhiên, điều bà Khanh và rất nhiều chủ doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản mong muốn là có một cơ chế quản lý chặt về chất lượng thủy hải sản xuất khẩu. Đặc biệt, những lô hàng xuất theo đường biên mậu sang Trung Quốc hay các nước láng giềng khác.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang tận Việt Nam thu mua, lập nhà máy chế biến đưa về Trung Quốc; khi vào đến thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng chỉ biết là con cá tra đến từ Việt Nam, và khi có vấn đề về chất lượng thì họ chỉ biết đó là cá tra Việt Nam chứ không cần tìm hiểu ai là nhà cung ứng. Vì lẽ đó, nếu Nhà nước kiểm soát chặt chất lượng ngành hàng này, thị trường sẽ công bằng và bền vững hơn.

Đại diện Hiệp hội Chế biến, xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng cho biết, hiện VASEP đã có những phương án phát triển riêng cho từng thị trường trọng điểm. Chẳng hạn, tại thị trường châu Âu, VASEP đang đẩy mạnh truyền thông, lấy lại hình ảnh đúng đắn về chất lượng con cá tra sau khi bị truyền thông các nước trong khối này liên tục “bôi bẩn”.

Sắp tới, phía Mỹ cũng sẽ trực tiếp sang Việt Nam đào tạo để sớm có chu trình nuôi trồng, khai thác theo tiêu chuẩn Mỹ. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI