Lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2021

22/02/2021 - 07:23

PNO - Bất chấp dịch bệnh, thiên tai trong năm 2020, Việt Nam vẫn nằm trong số rất ít quốc gia đạt được tăng trưởng dương. Giới chuyên môn đánh giá đó là bước đà quan trọng để kinh tế Việt Nam nắm bắt những cơ hội trong năm Tân Sửu.

Mục tiêu kép

Cùng thời điểm này năm ngoái, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, phòng ngừa dịch COVID-19 lan rộng trong cộng đồng. Hiệu quả chống dịch thấy rõ, nhưng nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề, chỉ tăng trưởng 0,39% trong quý II/2020.

Dịch COVID-19 những ngày đầu năm Tân Sửu diễn biến phức tạp hơn, nhưng chính sách giãn cách, cách ly chỉ còn áp dụng cục bộ ở những địa phương phát sinh ca nhiễm, nhờ đó kinh tế, xã hội… không bị ảnh hưởng quá nhiều. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước tính riêng trong 7 ngày nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (từ 29 tháng Chạp đến mùng Năm tết) đạt 1,67 tỷ USD, tăng tới 53% so với cùng kỳ tết Canh Tý 2020.

Trong bất cứ kịch bản phát triển, tăng trưởng kinh tế nào được các tổ chức, chuyên gia… đưa ra trong năm 2021 đều phải gắn với diễn biến dịch bệnh, nhưng rõ ràng, mục tiêu “kép” vừa khống chế dịch vừa phục hồi tăng trưởng của Chính phủ đã và đang vận hành khá hiệu quả.

Xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ tiếp tục đem về nguồn thu lớn cho kinh tế Việt Nam trong năm 2021
Xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ tiếp tục đem về nguồn thu lớn cho kinh tế Việt Nam trong năm 2021

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng Hai này, những mục tiêu cụ thể đã được Chính phủ quyết nghị như: sớm đưa vắc-xin ngừa COVID-19 đến người dân ngay trong quý I; nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ thứ hai cho người dân và doanh nghiệp (DN); thúc đẩy ba không gian kinh tế: kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số; thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư… Điều này thể hiện rõ quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2021 của Chính phủ.

Ngay sau tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 06/CT-TTg đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt nghiêm túc, tập trung triển khai ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ tết. Đáng chú ý là yêu cầu thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19; kịp thời đề xuất điều chỉnh hoặc ban hành chính sách hỗ trợ mới và kiến nghị bố trí nguồn kinh phí để triển khai có hiệu quả, khả thi…

Những cơ sở để lạc quan

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cấp cao Học viện Tài chính, đánh giá, dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng nền kinh tế Việt Nam năm 2021 được dự báo sẽ tăng trưởng, phục hồi mạnh mẽ, có thể đạt được tăng trưởng GDP là 6,5% với các lý do:

Trước hết, nước ta phòng chống và kiểm soát dịch bệnh khá tốt. Nhất là kiểm soát chặt chẽ biên giới, khoanh vùng dập dịch ngay tại gốc. Nhờ vậy, nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ từ quý IV/2020. Các DN đã quen với việc thích ứng nhanh chóng với trạng thái kinh tế mới. Nếu xét theo số DN mới đăng ký thành lập và số DN quay trở lại hoạt động, thì số lượng tăng hơn 0,8% so với năm 2019. Đặc biệt, vốn đăng ký bình quân mỗi DN cao hơn nhiều so với năm 2019.

Cơ cấu nền kinh tế đã có những chuyển biến đáng kể từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, năng suất lao động tăng đáng kể, đóng góp của nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 45 - 47%. Kinh tế tư nhân đã trở thành một nhân tố quan trọng đóng góp 44-45% GDP, là một động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Việc cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm 29 loại phí, lệ phí đã góp phần tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh và các chi phí tiếp cận cho các DN.

Thêm vào đó, việc hội nhập mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới thông qua hiệu quả của các Hiệp định thương mại EVFTA, RCEPT, UKVFTA… giúp DN trong nước có cơ hội nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và hưởng ưu đãi xuất xứ, ưu đãi thuế cùng với việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Kinh tế số đã trở thành trào lưu, động lực phát triển của các DN nhờ những ưu việt như công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động trong nền kinh tế.

“Đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực, mức độ giải ngân năm 2020 đạt trên 92% đang góp phần tháo gỡ các khó khăn về cơ sở hạ tầng, về khả năng kết nối giữa các vùng kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng trưởng GDP. Khả năng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2021 cũng sẽ là nhân tố góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh”, ông Thịnh nhận định.

Dự báo trong năm 2021, nếu dịch bệnh được khống chế sớm, kinh tế thế giới phục hồi tốt, kinh tế Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các FTA và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, tăng trưởng 6,8-7,4% thì khả năng lạm phát có thể sẽ là 3,8% (+, -0,5%), thâm hụt ngân sách nhà nước trong khoảng 4,1%. Với những thay đổi chính sách của Chính phủ mới của Mỹ, nhiều khả năng kịch bản này sẽ đạt được.

Trường hợp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng 6,0-6,7% với lạm phát sẽ trong khoảng 3,3% (+, -0,5%), thâm hụt ngân sách nhà nước trong khoảng 3,5%.

Còn theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, dịch COVID-19 bùng phát trở lại chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, tạo gánh nặng đối với ngân sách nhà nước do chi y tế và phòng, chống dịch tăng lên. 

Việc tái bùng phát COVID-19 cũng là thách thức đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài. Đầu năm, nhiều thông tin cho rằng Việt Nam kiểm soát tốt COVID-19 nên đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc và tràn vào Việt Nam. Nhưng với những diễn biến hiện nay, muốn thu hút được chúng ta cần phải kiểm soát tốt hơn để “đại bàng” có thể yên tâm đến “làm tổ”. 

“Trong đợt dịch này, Nhà nước công bố công khai hằng ngày số ca lây nhiễm, được thế giới công nhận và đánh giá cao. Nhân dịp này, cần đẩy mạnh cải cách thể chế bộ máy nhà nước, thực hiện công khai minh bạch trên tất cả các lĩnh vực. Điều này cũng góp phần thu hút được đầu tư nước ngoài”, ông Doanh bày tỏ.

Một điểm sáng của kinh tế Việt Nam theo ông Doanh là ở lĩnh vực nông nghiệp. Năm qua, ngành này đã đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế nhờ xuất khẩu nông lâm, thủy sản. Nếu kết hợp với kiểm soát dịch bệnh thì Việt Nam cần chuyển nhanh sang kinh tế số, vận dụng công nghệ thông tin, không những cho kinh tế DN mà tất cả các lĩnh vực. 

Thanh Hoa

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI