Lạc quan tếu?

24/08/2013 - 03:10

PNO - PN - Sau một năm tai tiếng vì để thất thoát 42 tỷ, điện ảnh nhà nước lại ra quân rầm rộ với bốn phim, mà nghe đâu phim nào cũng sẽ thu hút khán giả. Phải chăng những người làm phim đặt hàng đang lạc quan tếu?

edf40wrjww2tblPage:Content

Bộ VH - TT và DL đã phê duyệt việc đặt hàng sản xuất bốn phim truyện nhựa có sử dụng ngân sách nhà nước năm 2013 để phục vụ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF 2014). Ðó là ba phim lịch sử Nhà tiên tri (biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn Vương Ðức), Sống cùng lịch sử (biên kịch Ðoàn Tuấn, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), Mỹ nhân (biên kịch Văn Lê, đạo diễn Lê Hoàng) và một phim về đề tài nông thôn Những đứa con của làng (biên kịch Phạm Dũng, đạo diễn chưa công bố).

Lac quan teu?
Ảnh tư liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ

Chuyện đến hẹn lại đặt phim đã quá quen thuộc, nhưng năm nay có điểm đáng ngạc nhiên là sau một năm ngành này kêu khổ liên miên, Nhà nước lại khá chịu chơi khi đặt hàng liên tiếp bốn phim.

Không có bất cứ một thông báo chính thức nào về kinh phí nhà nước đã bỏ ra để đầu tư cho bốn bộ phim trên, nhưng nhìn vào kinh phí được duyệt của một trong bốn phim đặt hàng là Sống cùng lịch sử - 22 tỷ đồng, có thể suy ra những bộ phim còn lại cũng được cấp một khoản không nhỏ.

Việc đầu tư mạnh tay vào sản xuất phim lịch sử hẳn xuất phát từ suy nghĩ “dân ta phải biết sử ta”, nhất là khi gần đây, dân ta thuộc sử Trung, sử Hàn nhiều hơn là sử Việt bởi các bộ phim lịch sử của hai cường quốc phim ảnh châu Á này tràn ngập từ màn ảnh nhỏ đến màn ảnh rộng.

Nói như biên kịch Đoàn Tuấn, tác giả kịch bản Sống cùng lịch sử thì: “Nhà nước đã không sợ tốn thì các nhà làm phim cũng đừng ngại kém. Phải làm sao để phim lịch sử thực sự thuyết phục và tiếp cận được giới trẻ”.

Tuy nhiên, luôn có những hoài nghi về sự sống của những tác phẩm điện ảnh lịch sử Việt Nam khi bước chân ra rạp. Hầu hết các phim làm theo đơn đặt hàng nhà nước chẳng cần phải tìm cách ra rạp, bởi làm phim xong, các hãng bàn giao lại cho Nhà nước là hết trách nhiệm.

Đó cũng là nguyên nhân khiến phần nhiều các phim đặt hàng trở nên xa lạ với công chúng. Kiểu như câu chuyện phim của Sống cùng lịch sử, một bộ phim mang tính huyền thoại. Bộ phim xoay quanh một nhóm bạn trẻ đi du lịch qua những địa danh năm xưa của chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc bắt đầu đi, họ là những thanh niên tóc xanh, tóc vàng, hơi thiếu trách nhiệm với xã hội. Nhưng, nhờ cuộc hành trình đó, họ đã mơ thấy những trận chiến năm xưa của cha ông và rồi chính họ cũng tham gia. Khi trở về, họ như từng trải và có trách nhiệm hơn với xã hội.

Chưa biết đạo diễn (NSND Nguyễn Thanh Vân) và biên kịch (Đoàn Tuấn) sẽ “trình làng” Sống cùng lịch sử ra sao, kể câu chuyện bằng thủ pháp nào, nhưng e rằng phim sẽ khó tiếp cận được với giới trẻ như mục đích đặt ra, bởi chuyện phim thoạt nghe đã thấy mang tính “giáo dục” một cách đậm đặc và khô cứng.

Liệu lần này tiền tỷ của ngân sách có tiếp tục bị lãng phí?

 M. I. N. H

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI