Lạc quan để vượt qua nghịch cảnh

11/07/2024 - 06:18

PNO - "Tôi đã làm là quyết làm đàng hoàng, làm tới cùng. Đồ gia dụng bằng kính thay đổi mẫu mã thường xuyên nên tôi cũng phải tìm hiểu, học hỏi để đặt thợ mài theo mẫu mã mới phục vụ thị hiếu người dùng từng giai đoạn."

Ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TPHCM, chị Trần Thị Lãm (53 tuổi) được nhiều chị em quý mến vì sự kiên trì, lạc quan, dẫu cảnh nhà vô cùng khó khăn.

Chị Lãm kéo chiếc máy khoan lỗ kính ra sát cửa để vừa làm vừa ngó chừng chồng - anh Phạm Văn Chánh (61 tuổi) - nằm trên ghế bố nơi khoảng hiên nhỏ xíu. Anh Chánh bị ung thư giai đoạn cuối mới được bệnh viện cho về, phải thở ô xy và chỉ uống sữa. Nhìn chị Lãm, anh lại tự trách mình làm khổ vợ. Nhưng, với chị, “còn nước còn tát”, dẫu gánh nặng chi phí điều trị ngày càng tăng, chị phải làm việc nhiều hơn, không còn thời gian nghỉ ngơi.

Chị Lãm lớn lên trong một gia đình lao động nghèo, đông con ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Thuở nhỏ, chị làm nghề thu mua cau khô rồi đưa lên Chợ Lớn bán, nên đã gặp anh Chánh. Cưới nhau năm 1994, chị làm trong xưởng may, anh là thợ phụ ép nhựa. Sau vài năm, chị chuyển sang nghề xe nhang, anh hỗ trợ giao hàng.

Nhờ xe nhang, năm 2007 chị tích cóp mua được căn nhà trong hẻm trên đường Mã Lò, phường Bình Trị Đông A. Cuộc sống đang ổn thì năm 2015, anh Chánh bị thoái hóa cột sống, 2 chân teo dần, không còn khả năng lao động. Do anh phải đi bệnh viện thường xuyên nên chị Lãm đành phải bỏ công việc làm nhang, bán máy và truyền nghề lại cho người khác.

Ngưng làm nhang, chị Lãm chuyển ngay sang nghề khoan lỗ tròn trên kính và theo nghề này cho đến nay. Để bám trụ với nghề, chị đã rong ruổi khắp nơi tìm mua kính vụn, mang về thuê thợ mài, sau đó là khoan lỗ và tìm đầu ra.

Chị Lãm bên những tấm kính thành phẩm sau đợt nhận vốn  của Hội LHPN TPHCM và UN Women mới đây
Chị Lãm bên những tấm kính thành phẩm sau đợt nhận vốn của Hội LHPN TPHCM và UN Women mới đây

“Ban đầu, tôi nhận gia công. Chủ xưởng thương, giới thiệu 1 mối hàng để mình tự ra riêng. Anh ấy nói, chỉ đưa tôi tới trường, còn lại tôi phải tự học. Vì mình làm nhỏ lẻ, chưa thể mua được kính vụn số lượng lớn từ các công ty nên phải qua trung gian. Có khi đầu ra hối hàng mà mình chẳng thể mua được nguyên liệu. Vậy là tôi chủ động đi tìm. Tôi không giỏi ăn nói, nhưng kiên trì, đã làm là quyết làm đàng hoàng, làm tới cùng. Đồ gia dụng bằng kính thay đổi mẫu mã thường xuyên nên tôi cũng phải tìm hiểu, học hỏi để đặt thợ mài theo mẫu mã mới phục vụ thị hiếu người dùng từng giai đoạn. Bây giờ, mỗi xe kính vụn giao tới cho tôi có khi lên đến 1.500 tấm, sau khi thuê thợ mài xong, tôi khoan lỗ, đóng gói và tự chở đi giao để giảm bớt chi phí” - chị Lãm chia sẻ.

Một mình gồng gánh gia đình, nhưng chưa khi nào chị Lãm than vãn. Chị cũng không xin địa phương hỗ trợ, bởi nghĩ mình còn sức lao động. Thời điểm trước khi anh Chánh được phát hiện bị ung thư, mỗi ngày chị khoan gần 200 tấm kính, tiền công mỗi tấm được 3.000 đồng. Gần đây, ngoài chăm sóc chồng, chị còn phụ chăm 2 cháu nội.

Thành ra, tranh thủ khoan cả ban đêm cũng chỉ được gần 100 tấm, trong khi những khoản phải chi cứ tăng lên.

Mới đây, chị Lãm được Hội LHPN TPHCM và UN Women trao 5,5 triệu đồng vốn phục hồi sinh kế. Chị mừng và nói, bấy nhiêu đủ lấy mấy đợt hàng và thuê mài kính.

Nhắc đến chị Lãm, bà Vương Thị Lệ Hằng - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 28, phường Bình Trị Đông A - xúc động: “Chị Lãm rất chịu khó làm ăn và chẳng giấu nghề, với ai cũng nhiệt tình hướng dẫn. Cô ấy cũng thường xuyên góp mặt vào các hoạt động của khu phố, của phường”.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI