“Nay con bé biết làm gì rồi?”
“Em nhớ con quá! Bé sinh ngày 17/5/2019, nay được hơn chín tháng. Em không hình dung được giờ bé biết làm gì rồi. Thời gian đầu xa con, em tự nhiên bị “sợ con nít”, không dám xuống sân chung cư, sợ phải nhìn các bé được cha mẹ ẵm bồng, dắt đi chơi. Lúc có thai, em bị bệnh thận. Các bác sĩ khuyến cáo đình chỉ thai kỳ để đảm bảo tính mạng. Thương con, em liều giữ thai. Tại sao người ta có quyền ngăn cách đứa con mà em sẵn sàng hy sinh mạng sống để tạo ra?” - chị T. bật khóc khi gõ cửa báo Phụ Nữ TP.HCM nhờ can thiệp.
|
Bé gái bình yên, hớn hở trong vòng tay mẹ nhiều tháng trước |
Chỉ hơn một năm rưỡi từ ngày kết hôn với anh Hoàng Đức N., cuối năm 2019, chị T. nộp đơn ly hôn tại Tòa án nhân dân (TAND) H.Nhà Bè, TP.HCM (nơi anh N. có ký giấy nhận một căn hộ chung cư). Theo chị T., chồng chị có hành vi bạo lực tinh thần, văng tục, chửi bới, đe dọa, có lần đuổi chị ra khỏi nhà khi chị còn non ngày tháng, không cho bồng con theo cùng.
Sau đó, chị T. từ nhà cha mẹ ruột về lại nhà nhưng không thấy hai cha con đâu. Qua tìm hiểu, chị T. biết được anh N. đã đưa con về nhà chị ruột ở P.13, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Về sau, anh N. giải thích do sửa nhà ở H.Nhà Bè nhưng chị T. khẳng định giai đoạn đó chưa sửa nhà. Từ cuộc họp hòa giải tại UBND P.13, anh N. ôm con trở về H.Nhà Bè.
Chị T. đến chăm sóc con, cho bú rồi về nhà cha mẹ ruột. Anh N. yêu cầu được giữ con đến đủ ba tháng mười ngày sẽ trả về với mẹ. Đứa bé được giao qua giao lại giữa cha và mẹ trong tình thế có khi êm dịu, có khi giằng co. Đến tháng 9/2019, chị T. chuẩn bị nhập viện cấp cứu vì bệnh thận, nên giao con lại cho anh N., thỏa thuận khi nào xuất viện sẽ nhận lại con. Anh N. đồng ý.
Tuy nhiên, khi chị T. xuất viện, anh N. không giao bé, mỗi ngày chị T. phải đến thăm, chăm sóc rồi về nhà cha mẹ ruột. Chỉ vài ngày sau khi chị T. khởi kiện ly hôn, chị T. đến thăm thì anh N. ôm con khư khư không cho chị T. ẵm bồng. Ngày 27/12/2019, mẹ gặp con lần cuối.
Từ đơn yêu cầu của chị T., TAND H.Nhà Bè ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc giao bé cho mẹ, tuy nhiên việc thi hành án không thành. Vì chị đến căn hộ ở Nhà Bè thì không gặp được hai cha con, đến nhà chị gái anh N. ở P.13, Q.Phú Nhuận thì anh rể N. cho biết hiện anh N. đã đưa bé ra Hà Nội.
Chị T. đã gọi điện, nhắn tin cho chồng và khắp họ hàng nhà chồng, thậm chí rao tìm trên mạng xã hội nhưng không ai giúp. Chị càng hoang mang hơn khi biết Hà Nội có ca dương tính Covid-19 đợt hai. Người viết bài cố gắng liên lạc, anh N. vẫn không hợp tác.
Cha mẹ bất đồng, con có hai giấy khai sinh
Một nữ lãnh đạo ở UBND P.13, Q.Phú Nhuận cho biết theo thông tin chị nắm được, thì bé đang ở Hà Nội. Khi chúng tôi hỏi: “Quan điểm của chị thế nào khi một đứa bé mới mấy tháng tuổi phải chia cắt mẹ ruột suốt mấy tháng ròng?”, nữ lãnh đạo từ chối nêu quan điểm.
Điều đặc biệt là con của anh N. và chị T. có tới hai khai sinh với hai tên, hai số định danh cá nhân.
Chị T. kể, bé chào đời được một, hai tuần, chị T. bàn với anh N. về việc đặt tên và đăng ký khai sinh cho con. Với tên Hoàng Cao Bảo C. do chị T. đề xuất, cha chị T. trao đổi với anh N. thì anh N. khen tên hay. Một tháng mấy sau, khi vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, chị T. ra đi tay không và xin cấp lại giấy chứng sinh (giấy đầu tiên anh N. giữ) đồng thời đăng ký khai sinh cho con gái ở nơi tạm trú của chị - P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM.
Vài tuần sau, để tiến hành ly hôn, chị T. liên hệ P.13, Q.Phú Nhuận xin xác nhận tạm trú của anh N. thì mới hay con gái mình cũng đã được đăng ký khai sinh tại đây. Lãnh đạo UBND P.13 cho biết, người đăng ký khai sinh chính là cha ruột bé, và phường đã gửi thông báo đến UBND P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM - nơi mẹ bé thường trú theo đúng quy trình.
Chị T. đã làm đơn gửi Sở Tư pháp TP.HCM nhờ xác minh, xử lý việc em bé có hai giấy khai sinh, và chị của anh N. là một cán bộ của Sở Tư pháp tiếp tay cho anh N. chia cách bé với mẹ. Hiện Thanh tra Sở Tư pháp đang xác minh và sẽ có trả lời chính thức cho chị T.
Do hiện tại, anh N. không ở H.Nhà Bè nên hồ sơ ly hôn được chuyển sang TAND Q.Phú Nhuận (nơi nhà chị chồng và anh N. đăng ký tạm trú). Trong lần triệu tập đương sự đầu tiên, ngày 12/3/2020, anh N. thú nhận em bé hiện đang được nuôi ở Hà Nội. Dù khẳng định vợ chồng không hề mâu thuẫn, nhưng anh N. vẫn đồng thuận ly hôn.
|
Bé gái với hai giấy khai sinh |
Chị T. hỏi vì sao anh N. không trả lời tin nhắn chị cầu xin anh gửi hình ảnh, bật camera điện thoại để gặp con, và cho biết nơi bé ở, anh N. thản nhiên trả lời rằng không nhận tin nhắn hay cuộc gọi nào của vợ. Chị T. yêu cầu anh N. giao con lại, anh N. không chấp nhận và cho phép chị T. nếu cần thì ra Hà Nội thăm con rồi về.
Trong thời gian mẹ nuôi con nhỏ dưới một tuổi, người cha không được quyền nộp đơn ly hôn, nhưng nếu người mẹ nộp đơn thì tòa án thụ lý. Không phủ nhận vai trò của người cha trong việc chăm sóc con, xuất phát từ tình thương tự nhiên, nhưng việc cha ngang nhiên độc chiếm, gạt bỏ nhu cầu yêu thương gần gũi của người mang nặng đẻ đau ra con mình, xem thường pháp luật, bất chấp lệnh thi hành án, thì liệu con bước vào đời có phát triển toàn diện về thể chất, nhân cách?
Điều 81 luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Mong một phán quyết hợp lý hợp tình, bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà mẹ và trẻ em của TAND Phú Nhuận.
Tô Diệu Hiền
Hủy cả hai giấy khai sinh và đi đến sự thống nhất
Về thẩm quyền đăng ký khai sinh, Luật Hộ tịch quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh”. Mà căn cứ theo Luật cư trú thì nơi cư trú là nơi thường trú hoặc tạm trú, do vậy P.Tân Hưng, Q.7 hoặc P.13, Q.Phú Nhuận là nơi cha hoặc mẹ trẻ đăng ký tạm trú đều có thể thực hiện việc đăng ký khai sinh.
Cũng theo Luật Hộ tịch: “Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào sổ hộ tịch; cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã cấp giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh”.
Tờ khai đăng ký khai sinh thì ai là người đi đăng ký khai sinh sẽ điền vào tờ khai đó, ký tên, chịu trách nhiệm.
Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về xác định nội dung đăng ký khai sinh: “Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán”.
Và trong tờ khai có câu: “Tôi cam đoan nội dung đề nghị đăng ký khai sinh trên đây là đúng sự thật, được sự thỏa thuận nhất trí của các bên liên quan theo quy định pháp luật”. Các bên liên quan là cha, mẹ của trẻ. Trong khi đó cha mẹ trẻ chưa có sự thống nhất nên mỗi người đặt tên trẻ theo một kiểu.
Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về việc giá trị pháp lý của giấy khai sinh: “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân”. Điều đó hiểu rằng một cá nhân chỉ có một giấy khai sinh.
Đối chiếu các quy định, con chị T. và anh N. có hai giấy khai sinh là trái quy định của Luật Hộ tịch. Cả hai giấy khai sinh này đều phải bị ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thu hồi, hủy bỏ. Đồng thời, Bộ Công an sẽ phải hủy số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại Nghị định số 137/2015/NĐ-CP. Sau đó anh N., chị T. cùng ngồi lại thỏa thuận thống nhất để đăng ký khai sinh cho trẻ.
Thạc sĩ Lê Thị Minh Long (Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp)
|